Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dược liệu quý: Thị trường bị bỏ ngỏ?

15:55 21/05/2019 GMT+7
Thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước và con người Việt Nam những cơ hội rất to lớn về nguồn dược liệu thảo mộc quý giá, có thể nói tồn tại ở khắp nơi và đa dạng về chủng loại. Có thể nói, ở bất cứ đâu, người Việt cũng tìm thấy được những

Thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước và con người Việt Nam những cơ hội rất to lớn về nguồn dược liệu thảo mộc quý giá, có thể nói tồn tại ở khắp nơi và đa dạng về chủng loại. Có thể nói, ở bất cứ đâu, người Việt cũng tìm thấy được những cây lá thuốc tiện dụng cho mình. Song cho đến nay, thực chất công tác khai thác và bảo toàn những nguồn dược liệu quý từ cây cỏ này vẫn chưa được quan tâm thấu đáo và hiệu quả.

Thậm chí theo một số dược sĩ Đông y đang làm việc tại Hà Nội, TP.HCM, nguồn dược liệu dược thảo hỗ trợ cho công tác thăm khám, điều trị chữa bệnh của họ vẫn đang lệ thuộc lớn ở… nhập khẩu, kể cả nhập “lậu” qua lối hàng tiểu ngạch, tự phát. Ở những đô thị lớn, các cửa hàng đông y đều đang bày bán những loại dược liệu mua của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… chứ không ưu tiên các loại thuốc nam, dược liệu trong nước.

Điều này cực kỳ mâu thuẫn với thực tế được thừa nhận là ở đâu trên đất nước Việt Nam, cũng có những nguồn cây cỏ quý có thể làm thuốc. “Đơn giản vì chúng ta không quan tâm và đầu tư vào việc phát triển, bào chế sử dụng những loại dược liệu của mình”. Giám đốc một bệnh viện Y học cổ truyền miền Trung nhận xét như vậy.

Từ câu chuyện củ sâm dây…

Theo chân những người làm công tác xã hội tỉnh Kon Tum, người viết đến với đồng bào dân tộc Xơ Đăng vùng núi Ngọc Linh, nơi đã được ghi nhận là thủ phủ của cây sâm Ngọc Linh nổi tiếng. Vùng núi này, bao gồm 4 xã của huyện Đắk Glei, đã định vị rõ sự hiện hữu loài sâm Ngọc Linh, thảo dược thiên nhiên có hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất thế giới.

“Nhưng ở đây, chúng tôi đâu chỉ có sâm củ Ngọc Linh, mà còn có nhiều loại cây sâm khác, trong đó phổ biến nhất là sâm dây Ngọc Linh, còn gọi là sâm Đảng, loài sâm sinh trưởng nhanh hơn và có chất lượng không hề thua sút bất kỳ loại sâm nào trên thế giới. Loại sâm này, có thể tìm thấy ở tất cả các xã Ngọc Linh, đến làng Xơ đăng nào cũng thấy”. Chị Y Long, Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Ngọc Linh chia sẻ.

Theo hướng dẫn của Y Long, người viết đến làng Đăk Nai, 1 làng nhỏ có hơn 30 hộ dân Xơ đăng, nằm cách trung tâm xã chưa quá 5km đường núi. Nói thì gần, nhưng lối đi hiểm trở, đường toàn dốc đứng, nên việc đến được làng Xơ Đăng này là chuyện không dễ dàng. Tổng cộng 30 hộ đồng bào tại đây đều có trồng sâm dây, cây dược liệu đã rất quen thuộc với họ trong quá khứ nhưng mãi đến gần đây mới được chú ý phát triển. Dọc các triền núi bao quanh làng, đồng bào trồng các vạt sâm, dựa vào khí hậu thổ nhưỡng tự nhiên mà chăm sóc.

Chị Triệu Thị Linh, Trưởng ban Gia đình – Xã hội Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum cho biết, cây sâm dây là sản phẩm đặc trưng của vùng núi cao Ngọc Linh, mức độ phổ biến cao hơn sâm củ Ngọc Linh và dễ trồng. Điều đáng chú ý là loại sâm này sinh trưởng nhanh chóng tại bản địa, có thể thu hoạch chỉ sau 9 – 12 tháng, cho củ sâm lớn bình quân từ 8 – 10 củ/kg, thậm chí đến 0,5 – 1 kg/củ.

So với sâm củ Ngọc Linh được xác định quý hiếm, sâm dây dĩ nhiên có các chỉ số dinh dưỡng không cao bằng. Nhưng riêng chỉ số sapomin trong củ sâm dây lại đạt đến 6,94%, xấp xỉ loại sâm tốt nhất của Hàn quốc (chỉ số khoảng 7,2%).

“Như vậy, chỉ cần chúng ta tổ chức phát triển tốt nguồn củ sâm này, đã có thể cung cấp cho thị trường tiêu dùng và đông dược một lượng rất lớn sâm củ tự nhiên, phục vụ làm thuốc và thực phẩm cùng các nhu cầu khác. Hiện tại, chúng tôi đang vận động đồng bào dân tộc phát triển diện tích sâm dây tại Ngọc Linh, đạt trên 4 hecta với khoảng 350 hộ tham gia. Chúng tôi đang hy vọng xúc tiến tốt công tác hỗ trợ đồng bào để mở rộng vùng sâm này lên đến 20 hecta trong thời gian đến”. Chị Linh trao đổi với chúng tôi.

Bản khoăn của chị Linh và chị Y Long, là cho đến nay, dù đã đầu tư phát triển vùng sâm dây, nhưng những thông tin tích cực về loại sâm này vẫn chưa được lan tỏa và vẫn bị thờ ơ. Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết rõ đến loại sâm này, nhầm tưởng với sâm củ Ngọc Linh và đánh giá thấp hiệu quả sử dụng của sâm dây. Do đó, giá bán của đồng bào với loại sâm dây này chỉ đang dao động từ 200 – 300 ngàn đồng/kg tại Kon Tum.

“Chúng ta đang sở hữu một kho dược liệu quý với sâm dây mà phải bán ra thị trường với giá như vậy, quả là một tổn thất kinh tế lớn và đau xót”. Chị Triệu Thị Linh tâm sự, và rất mong những hiệp hội, tổ chức nông nghiệp có quan tâm hãy đến với vùng sâm Ngọc Linh, hỗ trợ người dân đầu tư phát triển mạnh mẽ vùng sâm hơn nữa.

Đến một thị trường bỏ ngỏ

Theo hướng dẫn của người dân địa phương, tôi đến với vườn thuốc nam của Lang y Nguyễn Văn Phương ở thôn Phà Dòn (xã Cà Di, huyện Nam Giang, Quảng Nam). Trên diện tích 1 hecta đất rừng sản xuất nằm ven bờ suối, anh đã canh tác, trồng hơn 30 loài dược liệu quý dùng sản xuất các loại thuốc Nam dược dùng điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe. Trong mùa này, anh đang trồng ngải đen, loại dược liệu quý có công dụng rất tốt với phụ nữ thai sản, hậu sản… cùng một số bệnh nan y khác.

Vị lang y làm thuốc nam đã gần 30 năm trong nghề này tâm tư: “Đây chỉ là một phần rất nhỏ những cây thuốc, lá thuốc mà tôi biết và đang mong trồng được, để chế biến, đưa vào chữa bệnh cho người dân. Nguồn dược liệu của chúng ta, nói chân thành, là nhiều lắm và rất đa dạng, chỉ đáng tiếc là không được khai thác hết. Chúng ta ở giữa một không gian đầy thuốc mà cứ phải mua thuốc tây để uống, lấy thuốc bắc, thuốc Hàn quốc Nhật bản chữa bệnh, điều ấy quả là không ổn”.

Tiến sĩ Phan Thị Công, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới (TP.Hồ Chí Minh), sau nhiều năm gắn bó với công tác nghiên cứu nông lâm nghiệp, tìm hiểu các nguồn cây cỏ Việt Nam, bà đã thấy được một thực cảnh cơ hội và tiềm lực to lớn về các loài cây cỏ làm thuốc của đất nước. Nhưng bởi những thông tin không chuẩn xác, thậm chí có cả những dữ liệu phản khoa học được lan truyền vì lợi ích của một số nhóm kinh doanh, hầu như cơ hội hiểu và sử dụng đúng các nguồn cây cỏ có ích cho sức khỏe, dùng làm dược liệu ở trong xã hội đang không có nhiều.

“Đơn cử chất curcumin trong bột nghệ, hãng thuốc nào cũng đang quảng cáo rầm rộ về dược tính có ích. Nhưng thực tế, loại bột nghệ khô đang bán trên thị trường có chỉ số curcumin rất thấp, người bị bệnh bao tử tin vào quảng cáo đang uống nhiều mà không hề hiệu quả; trái lại còn dễ bị nguy cơ nhiễm bệnh khác do gan hoạt động nhiều, làm suy gan”. Tiến sĩ Công chia sẻ. Nữ khoa học gia này nhìn nhận, nếu thực sự các nguồn dược liệu quý tại Việt Nam được khai thác đúng tiềm năng, sử dụng đúng, chắc chắn một thị trường nông nghiệp dược liệu to lớn trong nước có thể được phát triển mạnh mẽ, nhất là cơ hội xuất khẩu các nguồn dược liệu từ cây cỏ Việt Nam đi khắp thế giới.

Nguyên Đông

“Chúng ta cần thay đổi thái độ đối với dược liệu quý”

Trong quá trình tìm hiểu về giá trị của cây dược liệu Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ Phan Thị Công. Bà nguyên là Trưởng phòng Quản lý Khoa học và hợp tác quốc tế Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, một trong các chuyên gia về nông nghiệp dược phẩm Việt Nam hiện nay. Để góp phần làm rõ hơn vấn đề được nêu, Làng Mới xin trích đăng một đoạn phỏng vấn nhà khoa học này.

PV: Nhiều người cho rằng thiên nhiên Việt Nam phong phú và ở đâu cũng có sự hiện diện của các loại cây thuốc, dược liệu quý. Nhưng phần lớn người dân và các tổ chức kinh tế, xã hội đều không quan tâm, thậm chí coi thường vấn đề này, thiếu sự đầu tư thỏa đáng cho những cơ hội phát triển và sử dụng cây dược liệu tự nhiên xung quanh. Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Tiến sĩ Phan Thị Công: Đúng là với đất nước ta, cây dược liệu có mặt ở khắp nơi. Trước đây, nhiều nước trên thế giới cũng thấy rõ điều này và đặt hàng mua của chúng ta, nhưng các đơn hàng đó hầu như không làm được. Lý do vì xã hội chúng ta không quan tâm bởi theo suy nghĩ của nhiều người, giá trị kinh tế khi khai thác các nguồn dược liệu này chưa cao.

Điều đáng buồn là giá trị này chưa cao, bởi chúng ta chưa đầu tư đúng vào mảng nghiên cứu, chế biến, ứng dụng các nguồn dược liệu quý trong nước, chúng ta không làm chủ được công nghệ chế biến, sản xuất dược phẩm để làm tăng các giá trị thực tế từ nguồn dược liệu.

Cụ thể, chúng ta thiếu điều kiện, phương pháp phân tích chuẩn xác, chính xác các hoạt chất quý từ dược liệu có được, nên chưa đưa ra được phương thức nâng cao hiệu quả canh tác. Công tác xử lý chế biến sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng dược liệu của chúng ta là có vấn đề, chủ yếu toàn phơi khô sau thu hoạch mà chưa đầu tư được công nghệ ly trích ở nhiệt độ thấp (âm nhiều độ), bảo quản lạnh… giúp đảm bảo hoạt tính của dược chất. Đây là lý do khiến chúng ta không đáp ứng được các đơn đặt hàng từ bên ngoài, ngày càng khiến công nghệ dược phẩm trong nước chậm phát triển.

PV: Vậy theo bà, cần cảnh báo gì trong cách ứng xử phát triển và bảo toàn những giống cây dược liệu Việt Nam?

Tiến sĩ Phan Thị Công: Ngành nông nghiệp Việt Nam lâu nay hô hào phát triển cây nông nghiệp dược liệu, nhưng thực chất chưa có kế hoạch cụ thể, chưa có phương hướng chọn đúng những mũi nhọn đầu tư, mà chỉ đi vào những cây dược liệu dễ trồng, ngắn ngày, không có đầu ra cụ thể.

Cá nhân tôi mong rằng, chúng ta cần thu thập những giống cây dược liệu quý để nhân giống và bảo toàn. Ở đây, vấn đề sinh thái của từng vùng đất phù hợp với những cây dược liệu là khác nhau, nên chúng ta đừng tham lam làm nhiều cây cùng lúc, đại trà mà phải vạch ra từng bước, hoạch định chiến lược với 2 mục đích. Một là sử dụng trong nước để thay thế bớt thuốc tây dược. Hai là phục vụ xuất khẩu, chú ý phải chọn đúng cây có ưu điểm, như cây sâm ở vùng Ngọc Linh Kontum để tập trung đầu tư, canh tác cây đó tại khu vực đó thật hiệu quả, tránh lây trồng tràn lan.

PV: Với kinh nghiệm một người đã nhiều năm tiếp cận các nguồn thông tin, thực nghiệm về phát triển, bảo toàn giống nông nghiệp, bà kiến giải gì về giải pháp bảo vệ và phát triển các nguồn cây dược liệu quý quốc gia?

Tiến sĩ Phan Thị Công: Chúng ta cần xác định cụ thể những cây nào đáng tập trung nghiên cứu, theo các tiêu chí ưu tiên là có đầu ra hoặc sử dụng được ngay để tập trung đầu tư. Lộ trình đầu tư cho các cây dược liệu quý phải xác định rõ, như sau 3 năm phải hoàn thiện tất cả các vấn đề liên quan, rồi mới tiếp tục nghiên cứu cây khác.

Quan trọng hơn, chúng ta cần xây dựng những trạm nghiên cứu – sản xuất – nhân giống – lưu trữ giống trên cả nước một cách phù hợp với yêu cầu cụ thể của các giống cây dược liệu. Cách làm hiện nay theo kiểu một trạm dược liệu sẽ thu thập tất cả các giống về trồng một nơi sẽ chỉ làm cho chất lượng cây dược liệu nhanh chóng bị thoái hóa.

Cuối cùng, theo tôi, chúng ta phải kết hợp nghiên cứu với thực hành, phải xác định biện pháp kỹ thuật phù hợp, thổ nhưỡng phù hợp, dinh dưỡng phù hợp liên quan đến dược chất cần thu hoạch với từng loại dược liệu. Chúng ta không nên đặt nặng chỉ tiêu về sản lượng, mà chỉ tìm ra đúng hoạt chất cần thiết, từ đó mới có thể bảo tồn nguồn gen quý hiếm ở các nguồn cây cỏ dược liệu.

Xin cảm ơn bà!

Nguyên Đông  (thực hiện)