Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Gánh hàng rong – nét mộc mạc giữa phố phường Hà Nội

01:06 26/08/2018 GMT+7

Khác với một Sài Gòn hiện đại, mang đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, thủ đô Hà Nội lại mang trong mình vẻ đằm thắm, dịu dàng pha chút cổ xưa. Dù không hẳn là những ngôi nhà lợp ngói đỏ, đường làng bùn đất nhưng đâu đó người ta vẫn bắt gặp những hình ảnh xưa cũ, bình dị mà chỉ riêng ở Hà Nội mới có. Nhiều người đến với Hà Nội, yêu Hà Nội bởi những thứ mộc mạc, bởi chiều sâu văn hóa và cái bề thế của lịch sử ngàn năm, hay đơn giản người ta yêu Hà Nội qua những gánh hàng rong, tiếng rao đêm khắc khoải…

Những gánh hàng rong Hà Nội

Giữa bao nhiêu di tích lịch sử, giữa bao nhiêu nhà cao tầng đẹp mắt, nhiều người tỉnh thành khác vẫn thắc mắc tại sao người Hà Nội lại yêu những gánh hàng rong nhỏ bé có phần quê mùa ấy.

Họ không biết rằng, đối với những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hay sống ở Hà Nội lâu năm thì chắc hẳn hình ảnh những gánh hàng rong có sức mạnh gợi nhớ hơn tất thảy. Nếu được hỏi gánh hàng rong có tự bao giờ thì chắc chẳng mấy ai trả lời được. Những gánh hàng rong đã xuất hiện từ lâu, đến nỗi mỗi lần nhắc đến người ta mặc nhiên xem nó như một điều thân thuộc, một nét đẹp văn hóa của Hà Thành.

Theo thời gian Hà Nội cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy đô thị hóa mà đổi mới, không còn những ngôi nhà với mái ngói xô nghiêng, những bức tường bạc màu rêu cũ, thay vào đó là những dãy nhà cao tầng, nhà hàng sang trọng, những khu trung tâm thương mại đắt đỏ. Giờ đây mỗi lần hoài niệm Hà Nội xưa, người ta chỉ có thể tìm đến Hồ Gươm, Hồ Tây và những gánh hàng rong.

Trên những quang gánh nặng trĩu rong ruổi khắp phố phường Hà Nội không chỉ đơn thuần là những món quà quê dân dã mà còn là hiện thân của một nét đẹp văn hóa đi cùng năm tháng. Những gánh hàng rong ấy đã giúp níu giữ hình ảnh Hà Nội xưa, làm nên nét đặc trưng của Hà Nội từ bao đời nay.

Xưa kia những cô bán hàng thường mang trên vai những quang gánh nặng trĩu cong vút, phía dưới đầy ắp những món hàng len lỏi trong các con ngõ nhỏ để bán hàng. Tên gọi gánh hàng rong cũng bắt nguồn từ đó. Giờ đây khái niệm “gánh hàng rong” thường dùng để gọi chung những người bán hàng không cố định một chỗ dù cho họ không sử dụng quang gánh nữa.

Hà Nội có đủ loại hàng rong, có mặt trên mọi con phố, nhiều lúc chẳng cần bước chân ra đường, người dân ở các khu phố vẫn có thể mua được các thực phẩm thiết yếu hay những món quà chiều từ gánh hàng rong.

Việc ăn quà vặt từ những gánh hàng rong đã trở thành nét đặc trưng của người dân khu phố cổ. Họ có thể dễ dàng thưởng thức những bát tào phớ trắng ngần, mát lịm vào những buổi trưa hè oi bức, hay những chiếc bánh giò, bánh dày ấm nóng lót dạ buổi giữa chiều.

Hay khi tiết trời Hà Nội chuyển mình sang thu với chút gió heo may se lạnh, người ta lại được thưởng thức những hạt cốm Làng Vòng xanh non vẫn còn phảng phất hương lúa, được gói ghém kĩ càng không phải trong túi bóng hay giấy báo mà trong chiếc lá sen để cốm giữ được hương thơm tự nhiên. Nhiều người còn bảo để biết Hà Nội chuyển mùa hay chưa cứ xem thức quà trên các gánh hàng rong.

Nhiều lúc mệt mỏi với phố thị ồn ào tấp nập, cuộc sống hối hả bon chen, nhiều người lại tìm về với gánh hàng rong như mong tìm được cho mình một chút bình yên, dung dị. Thành phố phát triển, con người cũng lớn dần theo năm tháng nhưng những gánh hàng rong vẫn vậy như thể thách thức với thời gian để níu kéo những nét đẹp xưa cũ, tinh hoa văn hóa đất Tràng An.

Những tiếng rao đêm…

Chắc hẳn đối với những người dân gốc Hà Nội hay những người con xa quê, gánh hàng rong và những tiếng rao hàng đêm khuya trở thành dấu ấn khó quên nhắc nhở họ về những năm tháng tuổi thơ êm đềm, pha lẫn trong lời ru của mẹ là những tiếng rao đêm khắc khoải, da diết.

Tiếng rao đêm mang nhiều âm điệu khác nhau, khi trầm khi bổng, có khi khàn khàn nơi cổ họng hay lảnh lót vang xa… giống như một bản hòa ca trong màn đêm tĩnh mịch.

Khi tất cả đã chìm trong giấc ngủ, tiếng rao lại càng vang xa, chậm rãi, dù âm điệu có khác nhau nhưng dường như ai cũng cảm nhận được trong những tiếng rao ấy có chút gì đó đượm buồn, màn đêm yên ắng lại càng khiến cho tiếng rao trở nên da diết hơn. Bởi đằng sau những tiếng rao ấy là những câu chuyện về cuộc đời, về số phận nhiều nỗi lo toan, những cuộc mưu sinh thầm lặng nhưng đầy nhọc nhằn khó gọi thành tên.

Hình ảnh cô bán hàng gầy guộc, bước đi nhẹ nhàng trong những hẻm nhỏ hun hút, ánh đèn đường vàng vọt hắt lên in bóng người bán hàng liêu xiêu đẫm sương đêm gây nhiều nỗi ám ảnh – ám ảnh về những số phận, những mảnh đời nặng gánh mưu sinh. Khi trời mưa lun phun hay những đêm mùa đông gió rét căm căm, hình ảnh cô bán hàng co ro càng thêm phần xót xa.

Chợt nhận ra rằng đằng sau một Hà Nội phồn hoa phát triển vẫn còn những mảnh đời nhọc nhằn cơ cực đến thế. Khi tất cả chìm trong màn đêm, những tiếng rao như mở ra một thế giới mới của Hà Nội, một thế giới không ồn ào, không vội vã mà là một Hà Nội tĩnh lặng chứa bao nỗi lo toan.

Tuy nhiên, càng ngày người ta càng hiếm khi nghe thấy được tiếng rao đêm của các cô, các chị bán hàng rong mà thay bằng tiếng rao của những chiếc loa trăm người như một, tiếng rao trở nên rõ hơn, những người bán hàng cũng phần nào đỡ cực hơn nhưng không còn gợi nhớ, gợi thương nhiều nữa. Những tiếng rao “công nghiệp” phù hợp với thời hiện đại nhưng lại khiến cho Hà Nội mất đi những nét đẹp tinh thần. Đôi khi giật mình tự hỏi “ Liệu người ta sẽ về đâu để tìm lại Hà Nội xưa khi gánh hàng rong và tiếng rao kia không còn tồn tại? ”.

Mặc dù gánh hàng rong vẫn còn có nhiều điều khiến người dân phải phiền lòng vì nó nhưng đây vẫn là nét đẹp riêng cần được gìn giữ, bởi nét đẹp của Hà Nội toát lên từ những thứ bình dị mộc mạc như thế.

PV (T/h)