Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giá thức ăn tăng cao khiến ngành Thủy sản thêm khó khăn

08:04 28/04/2021 GMT+7

Giá thức ăn tăng cao làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành Thủy sản vốn đã khó khăn vì xuất khẩu gián đoạn và dịch bệnh.

Tình hình Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, hoạt động thương mại bị ảnh hưởng do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, mối nguy từ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu đối với ngành Thủy sản.

Mặc dù thị trường tiêu thụ thu hẹp, khó khăn nhưng giá các sản phẩm của ngành Thủy sản lại tăng không giảm do giá thức ăn tăng. Hiện giá thức ăn cho thủy sản cao hơn khoảng 20-30% so với trung bình khiến giá thành và giá bán tăng theo.

Giá thức ăn tăng cao khiến ngành thủy sản giảm sức cạnh tranh.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong cơ cấu giá thành sản xuất thủy sản thì thức ăn chiếm khoảng 50-70%, trung bình là 60%. Do đó, khi giá cả biến động sẽ rất nhanh tác động đến thị trường, làm tăng chi phí sản xuất, tăng rủi ro cho lĩnh vực thủy sản đặc biệt là giảm sức cạnh tranh cho các sản phẩm thủy sản.

“Khi giá thức ăn chưa tăng, chi phí sản xuất thủy sản của Việt Nam đã cao hơn một số quốc gia trong khu vực. Vì vậy, Tổng cục Thủy sản đang cùng với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tìm ra giải pháp để giảm tối đa tác động của việc chi phí thức ăn tăng lên đối với hiệu quả sản xuất của ngành thủy sản” – ông Trần Đình Luân nói.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Trong giai đoạn hiện nay, ngành Thủy sản cũng phải đối mặt với khó khăn khi hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới.

Tuy vậy, năm 2021, thủy sản vẫn giữ ổn định mục tiêu 1,3 triệu héc ta nuôi trồng thủy sản nhưng sản lượng đạt 4,75 triệu tấn (khai thác 3,85 triệu tấn) xuất khẩu đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD trong năm 2021.

Ông Trần Đình Luân cho biết, ngành Thủy sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng.

Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Bộ và các viện nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, tìm giải pháp công nghệ, tìm nguồn nguyên liệu thay thế các nguyên liệu đang khan hiếm và có giá thành cao để chủ động sản xuất. Đây là bước đi lâu dài, “gỡ” bài toán về thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, ổn định sản xuất và tăng sức cạnh tranh./.

(Theo VOV)