Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giúp nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Tuệ Anh - 17:52 25/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 25.8, Ban Quản lý Chương trình Nông dân châu Á Thái Bình Dương (Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) chủ trì tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn về biến đổi khí hậu.
Hội thảo tham vấn về biến đổi khí hậu bằng hình thức trực tuyến. Ảnh chụp qua màn hình

Tham dự Hội thảo, về phía Ban chỉ đạo cấp khu vực Chương trình Nông dân châu Á Thái Bình Dương có bà Maripaz Bernice Anonuevo Galang - Cán bộ kiểm tra và giám sát; bà Juneliza Chiara Infante Pandela - Cán bộ điều phối phụ trách phát triển.

Về phía Ban quản lý Chương trình Nông dân châu Á Thái Bình Dương tại Việt Nam có Ths. Nguyễn Thị Việt Hà - Ủy viên BCH T.Ư Hội, Phó Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam), Phó Giám đốc Chương trình Nông dân Châu Á Thái Bình Dương tại Việt Nam.

Các đại biểu là chuyên gia, đại diện các bộ, ngành, tổ chức liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh Bioversity và Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Hội Làm vườn Việt Nam; đại diện một số ban, đơn vị Trung ương Hội; các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Hội Nông dân các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ...

Hội thảo nhằm cập nhật các thông tin, hoạt động mới nhất liên quan đến Thập kỷ nông nghiệp gia đình của Liên Hợp quốc (UNDFF), Hội nghị Thượng đỉnh về Lương thực thực phẩm (UNFSS), Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); đồng thời chia sẻ các ý kiến và thảo luân về việc phối hợp các sáng kiến, kiến nghị đề xuất nhằm giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hà cho biết, hiện nay, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường, đời sống và sản xuất của người dân, gây nhiều thiệt hại cho nền nông nghiệp toàn cầu. Việt Nam đã và đang bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động của con người. Theo các nhà khoa học, trong các nguồn phát thải thì sản xuất nông nghiệp chiếm 14%, trong đó trồng lúa nước chiếm một tỷ trọng lớn, gần 60% lượng phát thải trong nông nghiệp. Nguồn gây phát thải chủ yếu trong trồng lúa nước là do lạm dụng phân hóa học, làm tỷ lệ phân thất thoát cao gây ô nhiễm đất và phát thải khí nhà kính. Nông lâm nghiệp vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu T.Ư Hội NDVN. Ảnh chụp qua màn hình

Việt Nam đang cùng với các quốc gia, cộng đồng quốc tế và LHQ đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu, Thập kỷ của Liên hợp quốc về khôi phục hệ sinh thái và Thập kỷ Canh tác quy mô hôn gia đình của Liên Hợp quốc (UNDFF), Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch bền vững… với mục tiêu liên kết, hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu, nỗ lực cùng hành động nhằm xóa đói, giảm nghèo, giảm khí thải nhà kính, bảo vệ mội trường và khí hậu trái đất, bảo đảm cho mọi người ở khắp  mọi nơi có cuộc sống an toàn, khỏe mạnh, hạnh phúc và thịnh vượng. Đặc biệt ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch số 300-KH/CP về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) minh bạch, trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam đến năm 2030 đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

“Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân tích cực tham gia chuyển đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với bảo vệ môi trường, giúp nông dân trở thành người nông dân chuyên nghiệp, được hưởng lợi trong hệ thống LTTP minh bạch, bền vững. Tuy nhiên, nông dân đang phải đối mặt với khả năng cạnh tranh thấp, nhiều rủi ro về thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới. Hệ thống LT thực phẩm Việt Nam còn nhiều yếu tố chưa bền vững như sử dụng nguồn lợi tự nhiên quá mức, quản lý an toàn thực phẩm, liên kết, hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu, suy dinh dưỡng trẻ em còn cao, đặc biệt trong Hệ thống LTTP”, bà Nguyễn Thị Việt Hà thông tin.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về tiến trình chuẩn bị đóng góp các nội dung về giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu; Thực phẩm và dinh dưỡng thích ứng với biến đổi khí hậu; Tiến trình thực hiện Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cũng như thảo luận về những đề xuất, cơ chế phối hợp các sáng kiến hỗ trợ, nâng cao vai trò của nông nghiệp và nông dân trong hành động chống biến đổi khí hậu.

Liên quan đến việc chuyển đổi Hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến 2030 của Việt Nam, PGS. TS. Đào Thế Anh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho rằng cần phải xây dựng kế hoạch hành động quốc gia và đảm bảo việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

PGS. TS. Đào Thế Anh cũng đề nghị cần ưu tiên hành động hỗ trợ hộ nông dân ở Việt Nam tham gia vào chuyển đổi hệ thống LTTP; trở thành nông dân chuyên nghiệp; đồng thời, có biện pháp thu hút thế hệ nông dân trẻ và hỗ trợ phụ nữ trong quá trình này; ngoài ra, cần thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và xã hội đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia thực hiện các dự án như: Canh tác lúa thân thiện với môi trường; Xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Nhờ việc áp dụng những cách làm mới như ứng dụng khoa học hành vi và tài liệu được thiết kế đồ hoạ hiện đại, khoa học, dễ hiểu trong công tác tuyên truyền vận động hội viên nông dân; huy động đội ngũ chuyên gia tâm huyết,; Tăng cường sự phối hợp giữa cán bộ Hội và cán bộ khuyến nông trong các hoạt động dự án như: hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền ... vì vậy, dự án đã đem lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi nhận thức, cách làm của một bộ phận nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai dự án của Hội Nông dân, ông Lê Văn Mẫn- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị cho biết: Hội Nông dân Quảng Trị tham gia dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường, khi mới tham gia thì cả cán bộ và nông dân đều không hào hứng, mờ nhạt. Tuy nhiên, được T.Ư Hội NDVN chỉ đạo sát sao, nhiệt tình nên càng làm thì thấy rõ hiệu quả của việc canh tác lúa thân thiện với môi trường. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng mô hình tiên phong để hướng tới nhân rộng trên địa bàn.

Ông Lê Văn Mẫn cũng bày tỏ mong muốn, Trung ương Hội Nông dân và các nhà khoa học tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để mang lại hiệu quả nhiều hơn cho bà con nông dân nhất là trong mô hình VAC, trồng rừng.

Kết thúc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hà hy vọng, với những thông tin chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố để trong thời gian tới sẽ hỗ trợ được nông dân nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biển đổi khí hậu, mang lại lợi ích nhiều hơn cho họ và bảo vệ môi trường.