Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nỗ lực, tâm huyết góp phần để cuộc sống nông dân ngày một thịnh vượng

Hoàng Tính - 07:25 04/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với trên 20 năm gắn bó với nông nghiệp và người nông dân; Kỹ sư, Thạc sỹ Nông nghiệp (Ths) - Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, đã dành nhiều thời gian, tâm huyết, trí lực để nghiên cứu khoa học, công nghệ trong nông nghiệp nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất từ đó hỗ trợ nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân.

Với những nỗ lực, đóng góp của mình, sáng ngày 03/10 thạc sỹ (Ths), kỹ sư nông nghiệp - Lã Văn Đoàn đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 56 “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ V, năm 2024.

Lan tỏa cây làm giàu

Trong số các Đề tài đã nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, thì Đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả tại Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang” là một trong số những đề tài mà Ths. Lã Văn Đoàn “Tâm huyết nhất”, bởi giờ đây cây ba kích đã được bà con nông dân chủ động trồng, phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng.

Ths. Lã Văn Đoàn (người đứng giữa ảnh) đang trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật về trồng cây ba kích cho chủ vườn ở huyện Sơn Động

Chia sẻ với chúng tôi Ths. Lã Văn Đoàn cho hay: Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, năm cách trung tâm TP. Bắc Giang khoảng 80 km về phía Đông Bắc. Sơn Động có diện tích đất lâm nghiệp chiếm 82,67% diện tích đất tự nhiên, độ che phủ của rừng đạt trên 71,8%. Lợi thế là vậy nhưng đời sống của bà con nông dân, hội viên nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy trong quá trình công tác “gắn bó với nông dân” tôi luôn trăn trở, tìm ra giải pháp nhằm hỗ trợ bà con nông dân Sơn Động phát triển kinh tế.

“Để giúp bà con nông dân huyện Sơn Động làm giàu từ nông nghiệp và không phải xa quê hương, sau khi lên ý tưởng với nhiều loại cây trồng khác nhau, cuối cùng tôi đã lựa chọn cây ba kích để nghiên cứu. Bởi ba kích là cây trồng bản địa, dược liệu quý của địa phương lại có giá trị kinh tế cao, dễ xây dựng và liên kết thành vùng dược liệu lớn…” ông Đoàn cho hay.

Là cây trồng bản địa nhưng do thiếu kỹ thuật, vì vậy bà con nông dân huyện Sơn Động chưa biết cách trồng và chăm sóc nên cây ba kích vẫn là cây “tiềm năng” để phát triển kinh tế. Vì vậy trong quá trình nghiên cứu của mình Ths. Lã Văn Đoàn đã xây dựng được quy trình sản xuất hoàn chỉnh từ việc: Chọn tạo giống, làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch…

Ông Lê Văn Thuận ở xã Long Sơn (huyện Sơn Động) cho biết: Sau khi trực tiếp được Ths. Lã Văn Đoàn giới thiệu, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật “cầm tay chỉ việc”… nhận thấy lợi thế từ việc trồng cây ba kích mà từ năm 2022 đến nay gia đình tôi đã chuyển 3ha diện tích từ trồng keo, bạch đàn sang trồng cây ba kích. Đến nay toàn bộ diện tích trồng cây ba kích của gia đình tôi đều sinh trưởng và phát triển rất tốt; trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục trồng thêm cây ba kích.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ths. Lã Văn Đoàn (bên trái ảnh) người dân huyện Sơn Động đang rất tự tin trồng và phát triển cây ba kích

Giống như gia đình ông Thuận, gia đình ông Đinh Văn Lai ở xã Thanh Luận (huyện Sơn Động) cũng đã lựa chọn việc trồng cây ba kích để phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông Thuận cho hay: Với sự hỗ trợ của ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, giờ đây tôi đã nắm bắt được kỹ thuật trong phát triển cây ba kích, đặc biệt là kỹ thuật làm giống cây ba kích, từ đó gia đình tôi đã chủ động được nguồn giống cây trồng ba kích trong phát triển vườn của gia đình cũng như cung cấp giống cho bà con có nhu cầu trồng.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều hộ gia đình đã được ông Lã Văn Đoàn hỗ trợ trồng và phát triển cây ba kích trong thời gian qua. Chính vì vậy từ 3 xã được hỗ trợ triển khai trồng đến nay cây ba kích đã phát triển ở 8 xã trên địa bàn của huyện Sơn Động với gần 100 hộ gia đình tham ra và diện tích trồng đã lên đến trên 50ha.

Theo tính toán của những hộ gia đình trồng cây ba kích ở huyện Sơn Động, với diện tích 1ha sẽ trồng được hơn 20.000 cây ba kích, mỗi cây cho khoảng từ 3 - 4 củ, mỗi củ nặng khoảng 2 kg. Hiện nay thương lái thu mua củ ba kích tươi tại vườn dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Vì vậy sau 5 năm trồng ba kích được khai thác, so với cây bạch đàn, keo thì hiệu quả của cây ba kích sẽ cho gấp từ 5-7 lần.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững

Tại xã Thanh Luận, trong quá trình phát triển cây ba kích, năm 2019 người dân còn chủ động thành lập được Hợp tác xã Ba kích Tây Yên Tử. Từ khi thành lập Hợp tác xã Ba kích Tây Yên Tử việc liên kết các hộ sản xuất đã thuận lợi hơn rất nhiều. Hợp tác xã đã chủ động trong việc hỗ trợ kỹ thuật, nhân giống, trồng và chăm sóc cây, hỗ trợ tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và những nông dân trồng cây ba kích.

Sáng ngày 03/10 Ths. Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang (người đứng giữa ảnh) là 1 trong 56 người được vinh danh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ V, năm 2024 (Ảnh Việt Tùng)

Cũng như ở xã Thanh Luận, tại xã Long Sơn, huyện Sơn Động việc trồng cây ba kích cũng đang được triển khai mạnh mẽ, ông Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Thời gian qua nhận thấy tiềm năng từ việc phát triển cây ba kích trên địa bàn các xã của huyện Sơn Động, địa phương chúng tôi đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang để trồng, trực tiếp được ông Lã Văn Đoàn đến tận xã, xuống tận vườn để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Đến nay sau hơn 1 năm trồng cây ba kích, các vườn đều phát triển rất tốt, cây ba kích đã thể hiện nhiều đặc tính phù hợp với đồng đất Long Sơn. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ chủ động trồng và phát triển cây ba kích thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Từ đề tài cấp cơ sở rồi đến cấp tỉnh Bắc Giang, đến nay cây ba kích ở huyện Sơn Động đã trở thành cây trồng đầy tiềm năng của tỉnh Bắc Giang và là một trong 9 nhóm ngành, hàng sản phẩm cần ưu tiên trong phát triển mô hình liên kết.

Mô hình trồng cây ba kích đã trở thành một trong những mô hình giúp bà con nông dân từng bước thoát nghèo và làm giàu tại địa phương. Các hộ nông dân đã tiếp cận và tham gia phát triển kinh tế tập thể (tham gia thành lập HTX Ba kích Tây Yên Tử) và phát triển sản phẩm từ cây ba kích thành sản phẩm OCOP...

Với những nghiên cứu từ thực tiễn nhằm giúp bà nông dân, hội viên nông dân áp dụng thuận lợi vào trong sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội... Ths. Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Giang tặng nhiều Bằng khen… Đặc biệt trong ngày 03/10 ông đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nhà khoa học của Nhà nông”.

"Nhà khoa học của nhà nông" cần mẫn gieo hạt, cùng nhà nông đón mùa vàng
Nhắc đến tên giống lúa Kinh sở ưu 1588, Hương thuần 8, Sông Lam 9 (LTH 31)… nhiều người biết đến đó là sản phẩm được ra đời từ niềm đam mê nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm của bà Võ Thị Nhung – người đã mang đến nhiều bộ giống mới cho bà con nông dân tỉnh Nghệ An cũng như một số tỉnh khác trong khu vực phía Bắc có thêm lựa chọn để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.