Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Nội ngăn chặn việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch không đảm bảo

16:01 28/07/2020 GMT+7
Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội theo dõi thông tin quảng cáo bán sản phẩm, dịch vụ du lịch trên mạng có dấu hiệu quảng cáo không đúng sự thật, thực hiện xác minh và đề nghị cơ quan công an xử lý. Dư luận gần đây xôn xao vụ việc hàng trăm khách

Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội theo dõi thông tin quảng cáo bán sản phẩm, dịch vụ du lịch trên mạng có dấu hiệu quảng cáo không đúng sự thật, thực hiện xác minh và đề nghị cơ quan công an xử lý.

Một trong vô vàn mời chào combo du lịch giá rẻ trên mạng. (Ảnh minh họa chụp màn hình)

Dư luận gần đây xôn xao vụ việc hàng trăm khách hàng bị sập bẫy khi mua combo du lịch giá rẻ tại Hà Nội, chủ phòng vé ôm hàng chục tỷ đồng bỏ trốn. Thực tế, đây chỉ là một vụ việc nổi cộm trong số rất nhiều vụ khách hàng bị những đối tượng lợi dụng chương trình kích cầu du lịch thực hiện.

Tính chất và mức độ ảnh hưởng khiến Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) yêu cầu các địa phương quản lý, chấn chỉnh hoạt động du lịch; Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng tìm hiểu kỹ thông tin khi mua sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Đối với Hà Nội, Sở Du lịch thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đảm bảo chất lượng dịch vụ và quyền lợi cho du khách.

Báo động tình trạng lừa đảo tour giá rẻ

Thấy Phòng vé Anh Anh, địa chỉ 66X, ngõ Núi Trúc, phố Núi Trúc, quận Ba Đình (Hà Nội) bán combo du lịch Hà Nội-Nha Trang giá rẻ, chỉ 2,8 triệu đồng/người, các đồng nghiệp làm buồng phòng tại một khách sạn ở TP. Thái Bình đã nhờ chị N.T. Ngân đặt hộ.

Vốn quen với việc đặt dịch vụ du lịch, lại thấy các đồng nghiệp thiết tha nhờ vì họ chưa đi máy bay bao giờ, chị N.T. Ngân đành đặt hộ qua một cộng tác viên của Phòng vé Anh Anh tên là Minh Hằng.

Với chi phí cho 10 người lớn cộng với 3 trẻ em (600 nghìn đồng/trẻ em), chị chuyển cho cộng tác viên Minh Hằng tổng cộng 29,8 triệu đồng để đặt combo du lịch Hà Nội-Nha Trang 4 ngày 3 đêm, từ ngày 14/7 đến 17/7.

Tuy nhiên, tới ngày 13/7, chưa thấy cộng tác viên Minh Hằng chuyển code vé máy bay và phòng khách sạn, chị N,T.Ngân liên lạc lại cộng tác viên và nhân viên Phòng vé Anh Anh thì được báo hủy chương trình du lịch đó.

Trong khi đó, các đồng nghiệp của chị N.T.Ngân không đồng ý hủy chuyến đi, cho rằng chị Ngân phải chịu trách nhiệm nên buộc chị phải bỏ tiền ra mua vé máy bay và đặt buồng phòng với chi phí lên tới 40 triệu đồng. Do chi phí lớn nên chị N.T.Ngân chỉ đặt được 3 ngày 2 đêm cho đồng nghiệp.

Chị chia sẻ: “Toàn bộ số tiền đó tôi chuẩn bị cho việc sinh con sắp tới, giờ lo hết cho việc này nên sắp tới chưa biết tính thế nào.”

Hiện chị đang mang bầu hơn 8 tháng. Trong khi đó, thông tin về việc những người đặt combo được hưởng chênh l triệu đồng cho mỗi combo khiến chị càng khó xử với đồng nghiệp.

Cực chẳng đã, hôm đoàn lên sân bay đi Nha Trang, chị đã từ Thái Bình lên Hà Nội cùng đoàn, vừa giúp họ làm thủ tục ở sân bay, vừa tìm đến gia đình riêng của chủ Phòng vé Anh Anh để mong lấy lại tiền.

Đến nơi, chị gặp được một số người cùng cảnh ngộ nhưng không thể gặp được chủ phòng vé. Vì vậy, chị đã làm đơn lên cơ quan Công an Hà Nội nhờ giải quyết.

Thời gian gần đây, khi ngành Du lịch đang thực hiện chương trình kích cầu du lịch, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tung ra tour du lịch, combo (vé máy bay và phòng khách sạn), hay các dịch vụ du lịch giá rẻ, đánh vào tâm lý của bộ phận lớn du khách.

Chỉ cần gõ từ khóa “du lịch giá rẻ” trên google, hàng loạt các trang quảng cáo xuất hiện, thậm chí có giá tour hay combo được quảng cáo giảm tới 30-50%. Khi việc mua bán trực tuyến đang trở thành xu hướng hiện nay, thì việc kiểm soát, xác minh sự chính xác của các thông tin này cũng không dễ dàng và người mua không phải ai cũng nhận biết được.

Bởi vậy, nhiều người phản ánh có những đơn vị, cá nhân lợi dụng việc này để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ không đúng như quảng cáo, phải nộp thêm tiền phụ phí hoặc bị cắt giảm dịch vụ, sản phẩm.

Mới đây, trên một hội nhóm du lịch, một nick có tên An Nhiên chia sẻ vừa đặt combo Hà Nội – Phú Quốc cho khách qua một facebook Phạm Huyền, chuyển 50% tiền đặt cọc xong không liên hệ được với chủ facebook kia. Trường hợp như này cũng không phải là hiếm khi khách hàng đặt mua sản phẩm, dịch vụ du lịch qua mạng.

Theo ông Hồ Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch, Đầu tư và Thương mại Hà Nội (Hanoitours), việc bán tour không đảm bảo chất lượng, quảng cáo tour không đúng thực tế, ép du khách sử dụng các dịch vụ đi kèm diễn ra từ nhiều năm nay.

Nhưng đây là những đơn vị hoạt động chộp giật, làm ăn theo mùa vụ và không có giấy phép kinh doanh du lịch. Hoặc có đơn vị đầy đủ giấy phép nhưng không quan tâm nhiều đến chất lượng dịch vụ, không quan tâm đến thương hiệu và việc phát triển lâu dài mà chỉ quan tâm đến giá rẻ và làm sao thu hút được khách ở một thời điểm nhất định.

Lành mạnh hóa môi trường du lịch

Theo Sở Du lịch Hà Nội, công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành tại các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội được lực lượng Thanh tra Sở thường xuyên thực hiện.

Tuy vậy, cái khó là công tác kiểm tra chỉ thực hiện ở các công ty có đăng ký kinh doanh du lịch, thuộc hệ thống quản lý của Sở Du lịch Hà Nội. Với những công ty hoạt động không phép như Phòng vé Anh Anh, Thanh tra Du lịch Hà Nội không thể vào kiểm tra và chỉ khi vụ việc diễn ra, họ mới nắm được, khi đó sẽ đề nghị cơ quan công an xử lý.

Hiện nay, Thanh tra Sở Du lịch đang tiến hành theo dõi những thông tin quảng cáo bán sản phẩm, dịch vụ du lịch trên mạng có dấu hiệu quảng cáo không đúng sự thật, thực hiện xác minh và đề nghị cơ quan công an xử lý.

Đây thực sự là công việc khó nhưng Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội sẽ thực hiện để đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh.

Mới đây, ngày 22/7, Sở Du lịch Hà Nội có văn bản gửi các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Hà Nội về việc chấn chỉnh hoạt động du lịch, bảo đảm chất lượng dịch vụ và quyền lợi cho du khách.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội- Trần Trung Hiếu, để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, bảo đảm quyền lợi cho khách du lịch, sớm phát hiện và ngăn chặn việc cung cấp chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch không bảo đảm, không đúng như cam kết làm ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của du khách, Sở Du lịch yêu cầu các địa phương, đơn vị chấn chỉnh hoạt động du lịch, bảo đảm chất lượng dịch vụ và quyền lợi cho khách du lịch.

Trước yêu cầu của Sở Du lịch Hà Nội, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã triển khai đến hơn 400 doanh nghiệp hội viên, đề nghị thực hiện nghiêm túc hoạt động kinh doanh du lịch, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, cho rằng những hành vi bán sản phẩm, dịch vụ du lịch không đảm bảo chất lượng, lừa đảo khách hàng ít nhiều ảnh hưởng đến lòng tin của du khách với chương trình kích cầu và mong cơ quan công an sớm làm sáng tỏ.

Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp hội viên khi sử dụng cộng tác viên phải ký hợp đồng, tránh trường hợp thu tiền của khách nhưng không đáp ứng cam kết cho khách.

Ông Trương Quốc Hùng cũng khuyến cáo khách hàng khi giao dịch nên đến các công ty để ký hợp đồng, tìm hiểu các trang bán hàng trên mạng có được ủy quyền của các công ty hay không, các cộng tác viên có được ủy quyền của công ty hay không, tìm hiểu công ty có giấy phép đăng ký kinh doanh hay không… trước khi chuyển tiền đặt cọc.

Đặc biệt khách hàng cần đề phòng tour giá quá rẻ so với thị trường vì có thể xảy ra trường hợp câu view để khách hàng tìm vào trang đó hoặc lừa đảo khách. Nếu khách hàng thực hiện tốt việc này sẽ hạn chế được tình trạng lừa đảo, sử dụng sản phẩm dịch vụ không đúng chất lượng, không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)