Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Nội phát triển du lịch làng nghề, gắn kết sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Đức Vượng - 13:09 27/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hà Nội sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phong phú và hệ thống làng nghề truyền thống đặc sắc. Trong những năm gần đây, thành phố đã và đang nỗ lực kết hợp hai yếu tố này vào chiến lược phát triển du lịch tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Kết nối di sản, làng nghề với du lịch

Cùng với di sản văn hóa, làng nghề truyền thống là một trong những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh du lịch Hà Nội. Với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội tự hào là nơi lưu giữ những tinh hoa nghề truyền thống của dân tộc.

Các làng nghề truyền thống của Hà Nội có tính sáng tạo cao với các sản phẩm thủ công đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, như đúc đồng Ngũ Xã, kim hoàn Định Công, mây tre đan Phú Vinh, chuồn chuồn tre Thạch Xá, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, quạt Chàng Sơn, rối nước Đào Thục, hoa Tây Tựu, thêu Quất Động, tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ,…đã nổi tiếng khắp cả nước. Nhiều sản phẩm được công nhận là thương hiệu quốc gia.

Sản phẩm của các làng nghề truyền thống Hà Nội là sự kết hợp giữa văn hóa và trình độ kỹ thuật của người làm nghề, kết tinh giá trị thẩm mỹ, bàn tay và khối óc tài hoa của các nghệ nhân qua nhiều thế hệ; không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế cho người dân, mà còn phản ánh sinh động lối sống, phong tục, tập quán và khát vọng của người Thăng Long từ xưa đến nay.

Với những sản phẩm văn hóa độc đáo, du lịch văn hóa làng nghề đã trở thành một thế mạnh của Hà Nội. Đặc biệt hơn nữa khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, không gian văn hóa làng nghề, các sản phẩm thủ công độc đáo tại các làng nghề của Thủ đô càng cuốn hút du khách quốc tế và trong nước.

Du khách khi trải nghiệm du lịch văn hóa làng nghề ở Hà Nội  được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ thủ công, trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất và mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc.

Đến với làng lụa Vạn Phúc, du khách có thể chiêm ngưỡng quy trình dệt lụa truyền thống, mua sắm những sản phẩm lụa cao cấp và may đo trang phục theo yêu cầu.
Đến với làng lụa Vạn Phúc, du khách có thể chiêm ngưỡng quy trình dệt lụa truyền thống, mua sắm những sản phẩm lụa cao cấp và may đo trang phục theo yêu cầu.

Có thể kể đến như làng lụa Vạn Phúc, nơi sản sinh ra những thước lụa mềm mại, óng ả, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Con đường dẫn vào làng lụa được trang trí bởi hàng trăm chiếc ô đủ màu sắc, tạo nên khung cảnh rực rỡ, là điểm check-in yêu thích của giới trẻ. Đến với Vạn Phúc, du khách sẽ được hòa mình vào không gian yên bình của làng quê Bắc Bộ với những con ngõ nhỏ xinh xắn, những ngôi nhà cổ kính rêu phong và những khung cửi dệt lụa thoăn thoắt.

Du khách có thể ghé thăm các gia đình làm nghề, tận mắt chứng kiến quy trình dệt lụa thủ công tinh xảo, từ khâu chọn lựa nguyên liệu, kéo sợi, nhuộm màu cho đến dệt vải, tạo hoa văn. Ghé thăm Đình làng Vạn Phúc, nơi thờ Đức Thánh Tổ nghề dệt lụa, để tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề, cũng như những câu chuyện thú vị về nghề dệt lụa.

Làng Vạn Phúc nổi tiếng với những sản phẩm lụa tơ tằm cao cấp, đa dạng về mẫu mã và màu sắc. Du khách có thể thỏa sức lựa chọn những tấm lụa ưng ý, những bộ quần áo may sẵn hay đặt may trang phục theo yêu cầu.

Ông Phạm Khắc Hà, một người dân làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ về nguyên liệu làm lụa Vân - một loại lụa truyền thống nổi tiếng ở làng Vạn Phúc: “Nguyên liệu hoàn toàn là sợi tự nhiên mà lại là sản phẩm của trong nước, nên nó mang giá trị nghề cũng như giá trị văn hóa rất lớn”. 

Cùng với làng lụa Vạn Phúc, làng gốm truyền thống Bát Tràng huyện Gia Lâm cũng đang khéo léo tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch với những thành công bước đầu. Hiện nay, bên cạnh mối quan tâm giữ gìn nghề truyền thống tinh hoa của cha ông truyền lại, người dân Bát Tràng còn có một mối quan tâm khác là làm sao để ngôi làng của mình trở thành điểm đến yêu thích của du khách gần xa.

Nổi tiếng với những sản phẩm gốm sứ tinh tế, đa dạng về mẫu mã, từ đồ gia dụng đến đồ trang trí. Du khách đến đây có thể tham quan các lò gốm, tìm hiểu quy trình sản xuất và tự tay tạo ra những sản phẩm gốm độc đáo.

Du khách nước ngoài thích thú khi được trải nghiệm làm gốm tại làng gốm Bát Tràng
Du khách nước ngoài thích thú khi được trải nghiệm làm gốm tại làng gốm Bát Tràng

Ông Nguyễn Văn Hùng, nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng, cho biết: “Từ khi làng nghề phát triển du lịch, cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Chúng tôi có thêm thu nhập từ việc bán sản phẩm, dịch vụ cho du khách. Điều quan trọng là nghề gốm truyền thống của cha ông được gìn giữ và phát triển”.

Phát huy giá trị di sản và làng nghề trong du lịch

Nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa và làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chính sách, giải pháp nhằm kết nối, khai thác hiệu quả những giá trị này.

Hà Nội chú trọng đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề truyền thống. Đồng thời, xây dựng các quy chế, chính sách bảo vệ di sản, ngăn chặn tình trạng xâm hại, xuống cấp di tích. Xây dựng các tour du lịch kết hợp tham quan di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực…Khuyến khích các làng nghề kết hợp phát triển du lịch, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất, mua sắm sản phẩm.

Một số sản phẩm thiết kế sáng được trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô
Một số sản phẩm thiết kế sáng được trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô

Thành phố cũng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch tại các làng nghề, chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, am hiểu về di sản, văn hóa làng nghề.

Tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội gắn với di sản, làng nghề trên các phương tiện truyền thông, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng các ứng dụng, nền tảng du lịch thông minh.

Sở Công thương TP.Hà Nội cho biết, việc phát triển du lịch làng nghề, gắn kết sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thị trường du lịch được coi là định hướng chung của TP. Hà Nội hiện nay. Trong những tháng cuối năm 2024, TP.Hà Nội tiếp tục triển khai chuỗi hoạt động như tổ chức Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Hà Nội năm 2024 (Hanoi Giftshow 2024); Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2024; triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng TCMN mới, sáng tạo năm 2024; Triển lãm chuyên đề tại: “Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP ngành TCMN Thủ đô”. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế hàng TCMN, đồ gỗ và hàng quà tặng Việt Nam (Hội chợ Lifestyle 2024) tại TP Hồ Chí Minh; Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành TCMN giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Đồng Tháp: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
(Tapchinongthonmoi.vn) – Thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Chương trình hướng tới đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.