Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đền chúa Thác Bờ - điểm du lịch tâm linh trên sông Đà kỳ vĩ

Minh Tú - 14:38 17/02/2025 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Con sông Đà hung dữ với 73 thác ghềnh ào ào về xuôi, đến Hòa Bình bị chặn lại. Sông Đà tràn bờ, sông Đà phủ lên những thung Nai, thung Nang, những cánh đồng của người Mường, mênh mông một màu xanh ngọc bích sâu hàng trăm mét, thành hồ Hòa Bình. Trên hòn đảo giữa hồ, như một viên ngọc khảm nạm trên vương miện, đền chúa Thác Bờ bật lên trên làn nước sâu thẳm, thành kính và nghiêm trang.

Truyền thuyết về bà Chúa xứ Mường

Xứ Mường Hòa Bình xưa, cùng với 4 mường: Bi, Vang, Thàng, Động là các dòng họ lớn: Đinh, Quách, Bạch, Hoàng nối đời làm Lang cai quản. Đối với từng dòng họ thì con trai trưởng làm Lang Cả, con trai thứ làm Lang em chia nhau đi Ăn Lang (cai quản) từng vùng. 

Vào thế kỷ 14, Lê Thái Tổ mới thống nhất nước nhà nhưng bọn phản tặc vẫn nổi lên như ong, hung hăng cướp phá, cát cứ khắp nơi, khiến nhiều lần Hoàng đế phải đích thân “ngự giá” đánh đẹp. Một trong những bọn phản tặc người đông, thế mạnh lúc đó là bọn Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Lai Châu. Để trừ đi mối họa giặc cát cứ, ổn định phía Tây Đại Việt non trẻ, năm 1431, Lê Lợi ngự giá thân chinh.

Hồ Hòa Bình yên ả ngày nay rất khó để hình dung chặng đường gian nan vua Lê Thái Tổ ngự giá thân chính đánh dẹp quân Đèo Cát Hãn

Trên đường đi đánh giặc, đoàn quân phải đi qua vùng Hòa Bình. Ngày đó, Hòa Bình còn hoang sơ, đường xá hiểm trở, đường đi nhanh nhất phải ngược sông Đà với bao thác ghềnh hung dữ, khó khăn chồng chất. Lúc này, con gái của quan Lang là Đinh Thị Vân, đã kêu gọi người dân vùng đất Mường giúp Vua đánh giặc. Bà vận động nhân dân gom góp lương thực để giúp đỡ cho quân của Lê Lợi. Bằng sức và trí của người Mường đã dùng tre, gỗ đóng bè, đóng thuyền đưa hàng vạn quân, lương, khí tài vượt qua bao thác ghểnh hiểm trở của sông Đà, an toàn sang Lai Châu. Năm 1432, Lê Thái Tổ đã đánh tan phản tặc cát cứ, sáp nhập Mường Lễ vào bản đồ Đại Việt.

Khi đội quân của Lê Lợi chiến thắng trở về, người dân trong vùng đã mở hội khao quân, tiếp tục giúp cho đoàn quân vượt sông trở về kinh. Đêm hoan say chiến thắng, Lê Thái Tổ đã đề thơ trên vách đá tại Hào Tráng, Thác Bờ vẫn còn đến ngày nay với 4 câu kết đầy hùng tâm, tráng khí

Ngoài lo bờ cõi ngăn ngừa,

Trong lo xã tắc căn cơ lâu dài.

Ba trăm ghềnh thác chẳng nài,

Mừng nay gió thuận buồm xuôi giữa dòng.

Bài thơ Chinh Đèo Cát Hãn, quá Thủy Long Đê của Lê Thái Tổ (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Nhưng khi Lê Thái Tổ muốn cho vời bà Đinh Thị Vân vào để phong thưởng thì mới hay tin khi hoàn thành nhiệm vụ đưa đoàn quân qua thác Bờ, thuyền của người con gái xứ Mường dũng cảm Đinh Thị Vân đã bị sóng lớn đánh chìm mà thác. Xúc động trước sự dũng cảm vì nước hy sinh của bà, vua Lê Lợi đã cho phép người dân nơi đây lập đền thờ bà.

Bằng xếp hạng di tích của tỉnh Hòa Bình

Vì nước hy sinh, được Vua phong thần, tương truyền bà Chúa Thác Bờ rất linh thiêng. Nhiều truyền thuyết đã kể lại bà thường hiển linh, phù hộ độ trì cho người dân quanh vùng làm ăn phát đạt, may mắn. Đặc biệt, sông Đà ngày đó rất hung dữ, lắm thác ghềnh nên những người làm nghề sông nước khi đi qua đây thường vào đền thờ chúa Thác Bờ để hành lễ, cầu xin cho chuyến đi thuận buồm xuôi gió.

Hai Đền thờ Bà Chúa Thác Bờ  

Khi hồ thủy điện Hòa Bình tích nước, đền bị ngập sâu. Lúc này, thủ nhang đã đưa linh vị của bà về lập ngôi đền mới là đền thờ bà Chúa Thác Bờ trên đỉnh núi Hang Thần, nay thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. Một phần chân hương được đưa sang bên bờ đối diện, nơi có kho lương của bà, lập đền thờ tại Động Thác Bờ thuộc xã Thung Nai, huyện Cao Phong.

Đền thờ bà Chúa Thác Bờ trên đỉnh núi Hang Thần, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Nằm trong chuỗi du lịch lòng hồ sông Đà và danh thắng động Thác Bờ, đền bà Chúa Thác Bờ thuộc top các địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh. Hàng năm, đền không chỉ đón khách hành hương đến chiêm bái Chúa Bà mà còn đón nhiều khách du lịch tới thăm quan, ngắm cảnh và tận hưởng không khí trong lành. Du khách Hà Nội thường chọn điểm xuất phát đến lễ cầu an đầu năm, vãn cảnh chùa từ phía cảng Bích Hạ, thành phố Hòa Bình với phương tiện là thuyền máy. Du khách có thể được tận hưởng một hành trình du lịch tâm linh đầu năm bằng thuyền máy, lênh đênh trên mặt hồ Hòa Bình rộng lớn, hùng vỹ với tổng thời gian khoảng 6 tiếng.

Đền thờ tại Động Thác Bờ thuộc xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình

Màn mưa Xuân dìu dịu phủ lên mặt hồ Hòa Bình một lớp voan trắng nhè nhẹ. Những chiếc thuyền máy êm êm lướt đi trên mặt hồ màu ngọc bích sâu thẳm. Nước hồ trong văn vắt, thoảng in bóng trời cao vời vợi. Hai bên bờ, tận phía xa thẳm, những dãy núi đá vôi ngấn lên trên nền trời, màu nước xanh và sương trắng như những nét bút khổng lồ của một bức tranh thủy mặc thần tiên. Trong thoáng chốc, du khách tưởng mình đang đi trên vịnh Hạ Long bên bờ biển Đông hùng vĩ.  

Những chiếc thuyền máy êm êm lướt đi trên mặt hồ màu ngọc bích sâu thẳm.

Đền thờ bà Chúa Thác Bờ trên đỉnh núi Hang Thần được xây dựng theo thế nhìn sông, tựa núi với phong cảnh hữu tình, với những nét kiến trúc độc đáo, đặc trưng kết hợp giữa văn hóa Mường và Kinh. Đền có kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh, gồm nhà đại bái và nhà hậu cung. Phía trước đền có 5 cửa được lợp bằng mái ngói vảy cá. Cửa chính treo bức đại tự viết bằng chữ Hán. Trên nóc có đắp nổi mặt rồng chầu ,gồm 3 gian thờ chính và hậu cung, được xây 2 tầng tựa vào núi. Trong đền không chỉ thờ bà Chúa Thác Bờ mà còn thờ các vị thần thánh khác như công đồng quan lớn, ngũ vị tôn ông, bà chúa Sơn Trang, tứ phủ Thánh Cô, tứ phủ Thánh Cậu, Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn, tứ phủ Chầu Bà…

Đầu Xuân, rất đông du khách đã đến Đền Chúa Thác Bờ chiem bái, vãn cảnh

Đền phía Thung Nai, Cao Phong được xây hẳn trong lòng động Thác Bờ với đỉnh trần hang cao hàng chục mét, uy nghi, lồng lộng. Từ trên thuyền máy, trước khi bước vào cửa động, du khách có thể nhìn xuyên qua làn nước trong vắt, thấy một ngôi đền quy mô khổng lồ chìm sâu hàng chục mét dưới nước.

Du khách ngỡ mình đi lạc vào Vịnh Hạ Long với cảnh trời, nước hùng vỹ

Đến với Đền Thác Bờ, du khách không chỉ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản với phong cách ẩm thực đậm chất Mường và đặc biệt, món cá sông Đà lừng danh bốn phương.

Món bánh sắn truyền thống của người Mường Hòa Bình
Món cá sông Đà lừng danh bốn phương

Ngày 27/8/2008, Đền Thác Bờ đã được UBND tỉnh Hòa Bình xếp

hạng Di tích cấp Tỉnh, Thành phố theo Quyết định số 1858/QĐ-UBND. Hàng năm, đền không chỉ đón khách hành hương đến chiêm bái Chúa Bà, du lịch tâm linh mà còn đón nhiều khách du lịch tới thăm quan, ngắm cảnh và tận hưởng không khí trong lành. Lễ hội đền diễn ra từ ngày mồng 7 tháng Giêng, kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. 

Du Xuân, cầu an, nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt
Mùa Xuân là khi đất trời giao hòa, vạn vật sinh sôi, nảy nở và bắt đầu một năm mới với nhiều hy vọng cho muôn nhà. Du Xuân, cầu an nơi cửa Phật dịp đầu năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt. Không chỉ cầu sức khoẻ, tài lộc, vạn sự như ý mà người Việt tìm về cửa Phật đầu Xuân như một chuyến hành hương về cội nguồn linh thiêng, về chốn bình an sâu thẳm trong tâm hồn.