Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hải Dương: Tạo “cú huých” cho nông nghiệp hữu cơ

07:58 29/04/2021 GMT+7

Nhiều nông dân ở Hải Dương đã bỏ công sức, nguồn vốn để làm nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Mục tiêu của họ vừa đáp ứng nhu cầu nông sản sạch của người tiêu dùng vừa góp phần mở ra hướng phát triển nông nghiệp trong bối cảnh thị trường tiêu thụ cạnh tranh khốc liệt.

Tại vùng trồng vải huyện Thanh Hà người dân đã áp dụng quy trình VietGAP.

Tìm những lối đi riêng

Hải Dương là địa phương có thế mạnh phát triển các nông sản quy mô lớn nhất nhì miền Bắc. Phát huy lợi thế này, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ nhằm cung cấp cho thị trường những nông sản an toàn.

Từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Tuấn Anh ở thị trấn Nam Sách (huyện Nam Sách, Hải Dương) đã đầu tư 5ha rau theo hướng NNHC. Theo anh Tuấn Anh, NNHC đang có nhiều “đất sống” khi mức sống của người dân ngày càng cao và chú trọng hơn tới sức khỏe. Nắm bắt được xu hướng, anh đã mạnh dạn đầu tư, biến khu đất vốn cấy lúa bấp bênh thành trang trại rau hữu cơ tiền tỷ. Tuy nhiên, để có được cơ ngơi như hiện nay, anh phải trải qua nhiều khó khăn, thậm chí đối mặt với những thất bại liên tiếp. Đến nay, những loại rau của trang trại sản xuất đến đâu tiêu thụ hết tới đó.

Tại huyện Tứ Kỳ là địa phương có vùng sản xuất NNHC gắn với khai thác rươi, cáy tự nhiên lớn nhất tỉnh với 250ha. Hiện nay, huyện không chỉ có sản phẩm gạo hữu cơ bãi rươi được gắn OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) 5 sao mà chất lượng của rươi, cáy ở đây cũng đứng hàng đầu.

Từ những năm 1999-2000, nông dân xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ) đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học ở vùng khai thác rươi, cáy tự nhiên ngoài bãi sông Thái Bình. Vài năm gần đây, người dân chấm dứt hoàn toàn với phương thức canh tác hóa học, chuyển sang làm hữu cơ để tạo môi trường thuận lợi cho rươi, cáy sinh sôi. Từ đó, sản xuất hữu cơ trở nên quen thuộc và là yếu tố sống còn trong phát triển nông nghiệp ở địa phương này.

Theo ông Phạm Xuân Luận – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh cho biết: 137,2ha bãi sông của xã ngoài khai thác rươi, cáy, nông dân còn trồng lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dù năng suất lúa chỉ đạt từ 40-42 tạ/ha, thấp hơn từ 10-15 tạ/ha so với gieo cấy thông thường song lợi nhuận lại cao gấp đôi. Canh tác hữu cơ còn nhằm cải tạo đất, nước giúp rươi, cáy sinh trưởng thuận lợi, sản lượng cao. Hiện giá trị sản xuất nông nghiệp tại khu đất bãi sông đạt từ 400-450 triệu đồng/ha/năm. Thời gian tới, địa phương sẽ phát triển thêm 214ha lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy ở khu vực trong đồng.

Gắn bó với NNHC từ năm 2016, anh Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới khẳng định chỉ có sản xuất hữu cơ mới có thể phát huy hết tiềm năng nông nghiệp tại huyện Tứ Kỳ. Theo anh Tuân, NNHC là xu thế tất yếu khi con người ngày càng quan tâm tới sức khỏe và môi trường sống. Anh Tuân cũng là người đầu tiên thí điểm gieo cấy lúa hữu cơ ở vùng đất bãi sông của các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà. Công ty của anh đang liên kết sản xuất tiêu thụ gạo hữu cơ cho người dân với diện tích 120ha. Anh đã xây dựng thương hiệu gạo bãi rươi hữu cơ và sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

“Tôi đang ấp ủ kế hoạch xây dựng mô hình du lịch sinh thái để du khách được trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất hữu cơ. Tôi mong muốn thông qua dự án này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả người sản xuất và người tiêu dùng về NNHC. Từ đó, người dân sẽ quan tâm tới phương thức canh tác không mới nhưng cấp thiết này”, anh Tuân cho biết.

Mô hình trồng rau sạch tại xã Đoàn Thượng, Gia Lộc, Hải Dương.

Cần những chính sách gỡ nút thắt

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT Hải Dương, toàn tỉnh hiện có gần 10.000ha cây trồng sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó cấp giấy chứng nhận được 600ha. Có 60 cơ sở chăn nuôi tập trung được cấp chứng nhận VietGAP; trên 1.100 hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo VietGAP. Các sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP, sản xuất theo hướng hữu cơ thực sự đã phát huy hiệu quả vượt trội cả về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế.
Người dân đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm tăng giá trị nông sản. Mặc dù vậy, đa số mô hình NNHC của tỉnh đều có quy mô nhỏ và chủ yếu phát triển tự phát. Vì thế, để có thể phát huy hiệu quả bền vững của NNHC cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành với những chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.

Là người có nhiều năm làm NNHC, anh Mai Xuân Thịnh (thị trấn Gia Lộc) cho rằng, làm NNHC không khó, cái khó là phải kiên trì để dần thay đổi tư duy sản xuất. Nông sản hữu cơ không cho sản lượng nhiều, mẫu mã không đẹp nhưng giá trị thì rất cao. Mặc dù vậy, để sản phẩm hữu cơ được đặt ở vị trí tương xứng, cần có sự kết nối giữa người sản xuất với người tiêu thụ.

Cũng giống như ở nhiều địa phương khác, những người làm NNHC ở Hải Dương đang phải đối mặt với rào cản lớn nhất chính là thói quen của người sản xuất và tiêu dùng. Từ bao đời nay, người nông dân đã quá phụ thuộc vào phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ trong canh tác. Còn người tiêu dùng trong nước chưa biết đến thực phẩm hữu cơ hoặc e ngại với thực phẩm hữu cơ do giá cả đắt gấp rưỡi hoặc gấp đôi thực phẩm bình thường.

Nhằm tạo ra cú hích mạnh mẽ nhằm thúc đẩy phát triển NNHC, tỉnh Hải Dương đã đưa ra một số giải pháp. Trong đó, tỉnh tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực thông qua các hình thức đào tạo nghề nông cho nông dân. Thông qua các khóa đào tạo này cung cấp cho nông dân kiến thức, kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại, giúp người nông dân thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, tỉnh thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, dồn điền đổi thửa, hình thành nên các cánh đồng lớn, từng bước mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đáp ứng mọi nhu cầu.

Tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp để phát triển thị trường như: Tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đầu tư công nghệ chế biến sâu; gắn kết nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch sinh thái để vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, vừa quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Hải Dương áp dụng cơ chế “đặt hàng” các đề tài nghiên cứu về nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, áp dụng nhiều chính sách khuyến khích tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để kích thích, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. Bố trí tăng thêm nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện các chương trình, đề án, dự án của ngành nông nghiệp, nhất là các nội dung liên quan đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ; liên kết trong sản xuất; phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Tỉnh Hải Dương hiện có gần 10.000ha cây trồng sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó cấp giấy chứng nhận được 600ha. Có 60 cơ sở chăn nuôi tập trung được cấp chứng nhận VietGAP; trên 1.100 hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo VietGAP. Các sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP, sản xuất theo hướng hữu cơ thực sự đã phát huy hiệu quả vượt trội cả về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế.

Đan Dương