Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sau mưa lớn kéo dài, hàng chục nghìn hecta lúa ở Nam Định có nguy cơ mất trắng

Mai Văn - 07:44 19/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhiều ngày qua, mưa lớn xảy ra liên tiếp đã khiến mực nước trên các con sông, dòng kênh ở tỉnh Nam Định dâng cao, cản trở việc tiêu thoát nước trong đồng ruộng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hecta lúa mới cấy.

Nông dân thấp thỏm chờ nước rút

Vụ Mùa năm 2024, gia đình nhà ông Mai Đình Chiểu (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) gieo cấy gần 3 sào lúa. Toàn bộ diện tích mới cấy xong khoảng 1 tuần nay. Tuy nhiên, lúa chưa kịp bén rễ thì liên tiếp gặp mưa lớn.

Các trận mưa lớn xảy ra liên tục trong những ngày gần đây khiến mực nước trong cánh đồng và ngoài sông ngòi luôn ở ngưỡng cao nên cây lúa bị tạp hết lá, đổ, ngập sâu trong “biển” nước, ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của cây lúa. Thậm chí, nhiều khóm lúa đang có dấu hiệu bị thối rễ, đen gốc và chết dần. Không những thế, việc nước trong đồng luôn ở ngưỡng cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho ốc bươu vàng thi nhau cắn phá lúa.

“Nhìn ruộng lúa bị ngập sâu trong nước mà buồn vô cùng, chẳng biết xử lý thế nào. Nếu vài ngày nữa, nước trong đồng không chảy ra ngoài được thì chắc chắn lúa sẽ bị chết, nếu có lên được thì cây lúa cũng èo ọt, bởi cây lúa đã bị nhũn, không có sức sống”, ông Chiểu buồn bã nói.

Nhiều diện lúa ở xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định bị ngập sâu trong nước.​​​​

Để cứu ruộng lúa mới cấy của gia đình, anh Mai Văn Chuyên (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã đưa máy bơm với công xuất lớn ra ruộng lúa để bơm nước ra sông ngòi nhưng chẳng thấm vào đâu. Mấy ngày nay, anh Chuyên vẫn thường trực ở cánh đồng để bơm nước trong ruộng ra sông ngòi, song bơm cạn chưa được bao lâu thì lại gặp các trận mưa lớn, mưa liên tục, khiến nước trong ruộng lại lớn mênh mông như “biển”.

Sau nhiều ngày cứu lúa chẳng thành, hiện toàn bộ diện tích lúa mới cấy của gia đình anh Chuyên bị ngập trắng, không còn nhìn nổi ngọn lúa non. Máy bơm nước đành bất lực, nằm không trên bờ. Anh Chuyên bảo, mới đầu vụ sản xuất nhưng gia đình anh đã tốn 1 khoản chi phí tiền thuê người cấy, chi phí tiền dầu phục vụ bơm máy nước, nhưng đến thời điểm hiện tại coi như mất trắng.

Nước ngập trắng đồng, máy bơm nước của người dân cũng bất lực.

Theo Chi Cục Thủy lợi tỉnh Nam Định, tính đến ngày 18/7, toàn tỉnh có 37.000ha lúa bị ảnh hưởng do mưa, cụ thể bị ngập trắng hơn 27.300ha, phất phơ trên 6.600ha, sâu nước hơn 3.300ha. Một số nơi có diện tích ngập nhiều như: xã Nam Tiến, Nam Lợi… (huyện Nam Trực); Trực Nội, Trực Thuận... (huyện Trực Ninh); Yên Trị, Yên Đồng, Yên Khánh… (huyện Ý Yên); Mỹ Thành, Thị trấn Mỹ Lộc, Lộc An (huyện Mỹ Lộc); Hiển Khánh, Cộng Hoà, Hợp Hưng (huyện Vụ Bản); Xuân Nghĩa, Xuân Lạc... (huyện Xuân Trường); Hải Tân, Hải Long, Hải Đường, Hải Phong,... (huyện Hải Hậu)…

Khẩn trương cứu lúa

Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Nam Định cho biết, tính đến ngày 15/7, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa Mùa, đạt 92%. Tuy nhiên một số địa phương tiến độ gieo cấy còn chậm, như huyện Nghĩa Hưng (các xã phía nam của huyện) và thành phố Nam Định, mới đạt 60% diện tích. Toàn tỉnh, diện tích gieo sạ khoảng 40%, trong đó các huyện gieo sạ nhiều 50 - 60% diện tích như: Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc…

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên trên địa bàn tỉnh Nam Định trong những ngày tới có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm, nơi cao > 200 mm. Do đó, có thể xảy ra ngập úng trên diện rộng, nhất là diện tích thấp trũng đối với lúa mới gieo cấy.

Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định đề nghị UBND các huyện thành phố, các Công ty KTCTTL chủ động phối hhợp với các xã, thị trấn khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý cho từng diện tích lúa mới gieo cấy.

Nhiều khóm lúa có dấu hiệu đen gốc, thối rễ và chết.

Chủ động tiêu rút nước đệm trên các tuyến kênh mương, nhất là ở những vùng trũng, thấp khi có mưa lớn. Đồng thời có phương án huy động mọi lực lượng, phương tiện máy móc (các máy bơm di động...) để chống úng cho lúa, màu. Đặc biệt quan tâm chỉ đạo chống úng cho các vùng lúa gieo sạ nhiều.

UBND tỉnh Nam Định cũng vừa ban hành công văn gửi UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành có liên quan về việc phòng, chống ngập úng do mưa lớn và đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ các hồ thủy điện. Trong đó, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, HTX khẩn trương khơi thông dòng chảy, vận hành các công trình được giao quản lý theo phân cấp, phối hợp với các Công ty TNHH 1TV KTCTTL tổ chức tiêu thoát nước chống ngập úng.

Mực nước trên các sông luôn ở ngưỡng cao nên việc tiêu thoát nước trong đồng là rất khó.

Yêu cầu các Công ty TNHH 1TV Khai KTCTTL trên địa bàn tỉnh tổ chức tiêu thoát nước để chủ động phòng, chống ngập úng cho các diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích lúa mới sạ, mới cấy.

Đối với các diện tích sản xuất nông nghiệp đã xảy ra ngập, hoặc có nguy cơ xảy ra ngập phải khẩn trương vận hành tối đa năng lực của công trình được giao quản lý khai thác, nhất là các trạm bơm để tiêu thoát nước nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân…

Bắc Kạn công bố tình huống khẩn cấp, Điện Biên khắc phục hậu quả mưa lũ
Từ đầu tháng, nhiều địa phương liên tục phải hứng chịu các vụ lũ quét, sạt lở đất gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, trong đó có các vụ sạt lở đất tại Bắc Kạn, mưa lũ tại Điện Biên.