Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hậu Giang: Tăng thu nhập nhờ nuôi ốc bươu đen

08:06 02/05/2021 GMT+7

Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thử nghiệm mô hình nuôi ốc bươu đen và đạt hiệu quả kinh tế cao. Hướng đi này vừa giúp cho nhiều hộ nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống đồng thời mở ra một cách làm mới để nhân rộng tại địa phương.

Anh Nguyễn Minh Chiến (áo đen), chia sẻ về “Mô hình nuôi ốc bươu đen trải sàn” của mình.

Phù hợp với diện tích nhỏ

Được cha mẹ chia cho 2 công đất, vợ chồng anh Võ Kim Vương Tân, ở ấp Đông Lợi A (xã Đông Phước, huyện Châu Thành, Hậu Giang) đã nhiều lần thử nghiệm các vật nuôi, cây trồng thế nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2019, anh Tân đã lên mạng mày mò, nhận thấy con ốc bươu đen từ kênh Youtube khá phù hợp trên mảnh vườn nhỏ của mình nên quyết định chuyển sang nuôi ốc bươu đen.

“Tham khảo từ trên mạng và anh em bạn bè, nhận thấy con ốc bươu đen khá phù hợp với điều kiện gia đình nên tôi đã bỏ hết những cây xoài không hiệu quả chuyển qua nuôi ốc”, vợ anh Tân chia sẻ.

Sau một thời gian thực hiện mô hình, đến nay, gia đình anh Tân đã nuôi thành công ốc thương phẩm để cung ứng ra thị trường. Đồng thời, anh còn tập trung sản xuất giống cho các hộ nuôi tại địa phương. Hiện tại, anh đang đầu tư thêm một số bể nuôi ốc thương phẩm và tiếp tục nhân ốc giống bán.

Theo anh Tân, ốc bươu đen rất dễ nuôi dưới nhiều hình thức như: Nuôi thả trực tiếp trong ao, nuôi vào vèo lưới trong mương vườn hoặc nuôi trên bể bạt. Tuy nhiên, thông dụng và dễ quản lý nhất là nuôi trên bể bạt và nuôi vèo. Nuôi ốc không cần nhiều diện tích, chỉ cần 1 bể bạt từ 6m2 trở lên. Mật độ nuôi bình quân từ 100-130 con trên/m2. Nguồn thức ăn cho ốc rất thông dụng, dễ tìm, chủ yếu là các loại rau củ, bèo và bổ sung thêm cám gạo.

“Nếu ai có mương vườn thì nuôi trong vèo sẽ đỡ tốn công thay nước cho ốc. Còn nuôi bể bạt thì phải đảm bảo mỗi tuần thay nước 1 lần và xử lý nước kỹ để đảm bảo môi trường sống tốt cho ốc, tránh nhiễm bệnh dẫn đến hao hụt”, anh Tân cho biết thêm.

Cũng bén duyên với con ốc bươu đen, từ năm 2019, anh Nguyễn Minh Chiến ở ấp Long Trường 3 (xã Long Thạnh, tỉnh Hậu Giang), bỏ công việc quản lý trong khu công nghiệp về đầu tư thử nghiệm trên diện tích khiêm tốn 300m2 ao nuôi. Chỉ sau 3 năm thực hiện, mô hình này đã mang lại thu nhập cho gia đình hơn tỷ đồng mỗi năm.

Anh Chiến cho biết, gia đình anh có thâm niên về kinh doanh ốc bươu đen ở địa phương. Tuy có nhiều mối tiêu thụ nhưng luôn không đủ sản lượng để cung cấp. “Từ lợi thế sẵn có, mỗi tháng tôi cung cấp ra Hà Nội khoảng 4 tấn ốc thương phẩm. Do diện tích đất ít, tôi tập trung chủ yếu vào nuôi ốc bố mẹ để cung cấp giống cho các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi tháng tôi cung ứng được 20 vạn ốc giống. Sau khi nuôi đủ lớn, tôi thu mua lại toàn bộ sản lượng cho những hộ này với giá luôn cao hơn so với thị trường khoảng 10 ngàn đồng”, anh Chiến nói.

Liên kết nuôi ốc bươu đen đã mang lại thu nhập cho gia đình anh Nguyễn Minh Tiến hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Nhận định về hiệu quả lâu dài của nghề nuôi ốc bươu đen, anh Chiến cho rằng, đây là vật nuôi còn nhiều tiềm năng. Đặc biệt, mới đây anh đã thử nghiệm thành công phương thức nuôi mới. Hiện anh đã đầu tư mở rộng diện tích nuôi của gia đình, ngoài ra anh còn chuyển giao và chia sẻ phương thức nuôi mình cho các hộ nuôi khác. Anh Chiến đặt tên phương thức mới này là “Mô hình nuôi ốc bươu đen trải sàn”.

Nói về cách làm mới này, anh Chiến cho biết: Con ốc bệnh chủ yếu là do phân ốc thải ra và cặn đáy khi chưa được dọn, nên cần phải áp dụng phương pháp cách ly. Khi thực hiện chỉ cần căng 1 lớp lưới nhựa cách đáy khoảng 15cm để ốc cách ly với chất thải. Phía trên trải những tấm sàn bằng tre, gỗ, nhựa để làm giá thể cho ốc bám, thay cho những cây bèo như cách làm cũ. Phương pháp này đã giúp hạn chế thủy sinh ở mức độ phù hợp và dễ kiểm soát.
“Với cách làm này, con ốc không tiếp xúc với cặn đáy nên sẽ hạn chế dịch bệnh tỷ lệ đạt đầu con đến 80 – 90% và có thể nuôi với mật độ cao hơn gấp 3 lần so với cách cũ”, anh chiến tiết lộ.

Theo ông Phạm Thanh Hoài, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hậu Giang cho biết: Thời gian gần trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình nuôi ốc bươu đen với nhiều quy mô khác nhau. Qua theo dõi, đa phần các hộ nuôi đều đạt yêu cầu, ốc phát triển tốt, đầu ra ổn định, một số hộ còn nhân bán ốc giống…

Ngoài yếu tố dễ chăm sóc thì ốc bươu đen hiện thị trường đang có nhu cầu tiêu thụ cao với giá bán tương đối tốt nên được nhiều nông dân chọn nuôi. Vừa qua, Hội ND tỉnh hỗ trợ Hội ND huyện Châu Thành và Phụng Hiệp thành lập Tổ hợp tác nuôi ốc bươu đen. Bước đầu cho thấy, mô hình kinh tế tập thể bằng con ốc bươu đen đã đem lại hiệu quả tốt đang được nhiều hộ nông dân hưởng ứng, tích cực tham gia.

Cũng theo ông Hoài, so với những mô hình trồng trọt thì nuôi ốc giúp nông dân nhanh thu hồi vốn, không tốn diện tích đất, đầu ra ổn định, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Do vậy, Hội ND tỉnh đã tổ chức cho hội viên nông dân nghèo, cận nghèo tham gia Tổ hợp tác nói trên.

“Hiện tại, các mô hình nuôi ốc bươu đen đang phát triển tốt. Hội ND tỉnh sẽ tiến hành đánh giá lại hiệu quả từ mô hình này, từ đó có hướng nhân rộng, khuyến khích hộ nông dân nghèo thực hiện để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Phạm Thanh Hoài cho biết thêm.

Nuôi ốc không cần nhiều diện tích, chỉ cần 1 bể bạt từ khoảng 6m2 trở lên. Mật độ nuôi bình quân từ 100-130 con/m2. Nguồn thức ăn cho ốc rất thông dụng, dễ tìm, chủ yếu là các loại rau củ, bèo và bổ sung thêm cám gạo.

Hoàng Tuấn