Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hiệp sĩ đường phố: Cổ súy hành vi bạo lực?

12:39 22/05/2018 GMT+7

Những ngày qua, dư luận mạng xã hội lại nảy sinh những chê bai, đánh giá phủ nhận vai trò và hình ảnh hiệp sĩ đường phố. Một số video clip được tung ra ở góc độ cắt gọt hình ảnh hành động của các hiệp sĩ đường phố mang tính chất bạo lực và côn đồ. Điều này càng khiến dư luận thêm nghi hoặc về vấn đề có nên cổ súy hoạt động hiệp sĩ đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hiệp sĩ đường phố có quyền dùng vũ lực để tấn công trấn áp tội phạm?

Những thông tin đả kích chê bai được xem là nảy sinh, sau khi sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM ra công văn vận động học tập những hiệp sĩ đường phố đối với các học sinh và sinh viên trên địa bàn. Dư luận lập tức cho rằng, ngành giáo dục địa phương đề cao một vấn đề đang tranh luận nhiều chiều là không nên, và sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục tư tưởng thanh thiếu niên trong thời điểm hiện nay.

Những hình ảnh ghi nhận thể hiện một hiệp sĩ đường phố dùng vũ lực tấn công vào mặt một thanh niên ốm yếu không có khả năng kháng cự, một hiệp sĩ khác sau khi đánh ngã đổi phương, đã dùng chân đá vào mặt người nằm dưới đất. “Thật sự đó là những hình ảnh bạo lực kinh khủng, không thể chấp nhận đối với một xã hội văn minh, lại càng không thể chấp nhận khi đó là hành vi của một kẻ xưng danh hiệp sĩ đường phố”. Một luật sư làm việc tại thành phố Tp Hồ Chí Minh sau khi xem các clip nhận xét.

Các ý kiến trên mạng xã hội đều khẳng định không thể chấp nhận những hành vi bạo lực có tính chất côn đồ, cố tình hành hung và nhục mạ người khác mà một số người nằm trong các nhóm hiệp sĩ đường phố đã thực hiện thời gian qua. Dĩ nhiên, người ta có thể nhìn thấy có ý đồ và động cơ nhất định nằm phía sau việc phát tán những hình ảnh, video clip như vậy, song đa phần người xem điều không thể thiện cảm nổi với những nhân vật xuất hiện trong vị thế hiệp sĩ đường phố mà hành vi lại quá sức hung hãn.

Không ít người khẳng định, họ bất ngờ và thất vọng trước những hành vi đó, bởi không ai có thể cho phép mình quyền hành hung tấn công người khác vì nghĩ mình đang làm việc đúng đắn. Ngay cả những lực lượng chức năng đã có đào tạo và chuyên trách rõ ràng, như lực lượng 141 Hà Nội, khi tấn công tội phạm, cũng rất thận trọng và không hề thể hiện hành động bạo lực. Lực lượng cảnh sát khi thi hành nhiệm vụ gặp đối tượng quá khích chống cự cũng không sử dụng súng một cách bừa bãi.

Với những người được đào tạo và giao trọng trách rõ ràng mà còn bị giới hạn hành vi không làm tổn thương người khác như thế, thì các hiệp sĩ đường phố căn cứ vào đâu, văn bản quyền hành nào để thực hiện những hành động trấn áp tội phạm mạnh mẽ và hung bạo như vậy?”. Không ít người thắc mắc.

Một số người cho rằng, hành động hung bạo với biểu hiện tiêu cực của các hiệp sĩ đường phố là hệ quả tất yếu từ việc xã hội ra sức tôn vinh, đề cao hoạt động của họ. “Khi người khác quá tôn trọng và sợ hãi một thế lực nào ra đó sẽ nảy sinh vấn đề kiêu binh, mà các hiệp sĩ đường phố là minh chứng. Cần sớm có những dư luận, đánh giá, phân tích rõ ràng những mặt lợi hại về hoạt động này, từ các cơ quan quản lý, đơn vị hành pháp, chuyên trách. Bởi ai cũng có thể đề cao nghĩa khí, nhưng không thể chấp nhận việc vi phạm pháp quyền và sai lệch trong định hướng hành vi của các thành viên xã hội”. Luật sư tại Tp Hồ Chí Minh nhận xét như vậy.

Có thể thấy, dư luận hiện nay có dấu hiệu cực đoan, có lúc cực tả có lúc cực hữu khi nhìn nhận một vấn đề. Rường mối ở đây là thái độ cộng đồng ứng xử với các hoạt động xã hội ra sao. Cần có sự minh bạch rõ ràng từ các nhà quản lý chính quyền, và nhất là thái độ thống nhất của cộng đồng, dựa trên cả nền tảng đạo đức lẫn hành vi thượng tôn pháp luật, bảo đảm lựa chọn “danh chính ngôn thuận” ở mọi cá nhân trong xã hội, để hoạt động hiệp sĩ đường phố được định danh một cách nghiêm túc, qua đó mới tránh được những biểu hiện tiêu cực khi cổ súy bạo lực đường phố!

Duy Lâm