Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội thảo bàn giải pháp quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Thái Nguyên

Hoàng Tính - 07:40 06/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong ngày 5/7, Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo “Bàn giải pháp quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên năm 2023”

Chủ trì Hội thảo có ông Dương Sơn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên; ông Trần Nho Hưởng - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì.

Văn phòng ĐP Chương trình MTQG XDNTM tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo để phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn. (Ảnh VP NTM Thái Nguyên)

Tham dự Hội thảo còn có Tiến sĩ Bùi Đình Hoà - Chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP; bà Vũ Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên; đại biểu Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên; cùng đại diện các huyện, thành phố; các hợp tác xã, siêu thị… trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tính đến nay trên cả nước đã công nhận 9.160 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên (20 sản phẩm 5 sao); Chương trình đã có 4.704 chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó (38,6% chủ thể là Hợp tác xã; 25,4% là doanh nghiệp; 33,2% thuộc các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh; còn lại là các tổ hợp tác). Đối với tỉnh Thái Nguyên, hiện nay toàn tỉnh đang có 173 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 - 5 sao; trong đó (91 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao; chủ yếu là các sản phẩm chè với 121 sản phẩm chiếm 70%).

Những năm qua sản phẩm OCOP Thái Nguyên đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống…

Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh VP NTM Thái Nguyên)

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về thực trạng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; kết quả hoạt động giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hiệu quả của các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP; kết quả triển khai bộ nhận diện sản phẩm OCOP (Logo, bao bì, nhãn mác…); những thuận lơi, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm OCOP; kinh nghiệm trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và các Giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo ông Dương Sơn Hà – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Chương trình OCOP sau 4 năm thực hiện tại Thái Nguyên đã đạt được kết quả tích cực, chương trình đã thúc đẩy sản xuất tập trung, quy mô lớn theo gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; gắn với phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp với du lịch cộng đồng. Nhiều sản phẩm OCOP đã có mẫu mã đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng… cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và đẩy mạnh phát triển, tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong thời gian tới, Thái Nguyên cần tiếp tục phát huy lợi thế của các địa phương, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP theo các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất: VietGAP, GlobalGAP, Organic.

Hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý chất lượng đồng bộ, tăng cường năng lực chế biến và phát triển thị trường gắn với Chương trình OCOP. Chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với cấp mã số vùng trồng, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng để đưa vào các chuỗi, siêu thị, kênh tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu sản phẩm. Thúc đẩy quảng bá, thông tin, tuyên truyền cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP bằng nhiều biện pháp, hình thức phong phú thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, mạng xã hội, các hội chợ triển lãm...

Đã có nhiều ý kiến, giải pháp được đưa ra để Thái Nguyên phát triển các sản phẩm OCOP trong thời gian tới.(Ảnh VP NTM Thái Nguyên)

Kết nối hỗ trợ các DN, HTX để đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vào các chuỗi nhà hàng, siêu thị, kênh phân phối, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Đồng thời cũng cần trưng bày sản phẩm OCOP trong các hội nghị, hội thảo, đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước khi đến với tỉnh Thái Nguyên; Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn, các điểm bán tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng... trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tăng cường tổ chức các tuần lễ quảng bá, giới thiệu và bản sản phẩm OCOP, kết hợp tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP với các kênh phân phối, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP Thái Nguyên…