Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hưng Yên: Tăng cường quản lý nuôi cá lồng bè trên sông

Ngô Chức - 07:19 18/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Thực hiện Công văn số 621/TS-NTTS của Cục Thủy sản về việc tăng cường quản lý nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa nước ngọt, Sở NN&PTNT Hưng Yên đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng liên quan triển khai một số nội dung trọng điểm.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hiện tượng El Nino kéo dài từ năm 2023 đến hết tháng 4/2024 làm mực nước trên các sông, hồ giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thuỷ sản lồng bè. 

Đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa, các yếu tố môi trường biến động mạnh ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của thuỷ sản nuôi. Thực hiện Công văn số 621/TS-NTTS ngày 09/4/2024 của Cục Thủy sản về việc tăng cường quản lý nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa nước ngọt, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng liên quan triển khai một số nội dung trọng điểm như:

Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng chuyên môn của địa phương thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường; tuân thủ các khuyến cáo, thông tin tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng và các hướng dẫn kỹ thuật kèm theo; làm tốt công tác kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi cá lồng bè; tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại các vùng nuôi.

Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hướng dẫn các hộ nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật; tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương.

Đối với việc quản lý nuôi cá lồng bè trên sông đề nghị cử cán bộ có chuyên môn hướng dẫn cho người nuôi tại địa phương các biện pháp kỹ thuật quản lý vùng nuôi, cụ thể: Giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, quy cỡ, trọng lượng và có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch bởi cơ quan thú y theo quy định; Bổ sung Vitamin, khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn của thủy sản nuôi để nâng cao sức đề kháng với diễn biến tiêu cực của dịch bệnh và môi trường. Thường xuyên treo túi vôi ở lồng nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi;

Đồng thời chuẩn bị sẵn máy bơm, máy tạo oxy tươi và đầu tạo vi bọt khí, nguyên, nhiên, vật liệu để sẵn sàng ứng phó khi môi trường nuôi diễn biến xấu. Thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường nước nuôi, dự báo thời tiết hàng ngày nhất là vào sáng sớm, chiều tối. Sớm phát hiện những biến động môi trường ảnh hưởng xấu đến thủy sản nuôi và kịp thời xử lý.

Theo dõi sát thông tin thị trường để thu hoạch vào thời điểm thích hợp; Tổ chức xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm thuỷ sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc; Có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh trên thuỷ sản nuôi theo hướng dẫn tại Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thuỷ sản.

Trước đó, tỉnh Hưng Yên cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển thủy sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, đến năm 2025, diện tích nuôi thả thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 6.000ha, với sản lượng đạt 65.000 tấn. Tỉnh chú trọng đến việc phát nuôi cá sông trong ao nước tĩnh, nuôi cá trong ao bán nổi, nuôi cá lồng trên sông nhằm từng bước nâng cao giá trị của sản phẩm.

Hải Dương: Hơn 300 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Thái Bình
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong tuần qua, hơn 300 tấn cá lồng của hàng chục hộ dân xã Tiền Tiến (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bỗng chết hàng loạt, khiến người dân nuôi cá hoang mang, lao đao, hiện vẫn chưa tìm ra cách khắc phục. Ngoài ra, trên sông Sặt cũng xuất hiện cá chết nổi trắng sông…