Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tam Dương triển khai nhiều giải pháp hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững

Đức Vượng - 07:44 11/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Xuất phát điểm là một huyện thuần nông, những năm qua, huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, coi đây là hướng đi chủ đạo tạo động lực phát triển kinh tế. Để hướng tới một nền nông nghiệp sạch và an toàn, huyện Tam Dương đã triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện giúp nông dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung, gia tăng giá trị.

Sản xuất nông nghiệp sạchan toàn

Chủ trương lấy sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Huyện Tam Dương cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất sạch, an toàn được các hợp tác xã (HTX), người dân quan tâm bởi giá trị kinh tế, sức khoẻ, môi trường và mang tính bền vững.

Điển hình trong việc sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp sạch và an toàn tại huyện Tam Dương phải nhắc đến HTX Nông sản Tam Dương; HTX Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh hàng nông sản An Hòa. Đây là những đơn vị tiêu biểu, điển hình trên địa bàn huyện đã chủ động đầu tư, sản xuất theo hướng công nghệ cao với những sản phẩm rau củ quả trong nhà kính. Các sản phẩm sau thu hoạch của những HTX trên đều được tập trung tại khu vực sơ chế rộng rãi, sau đó doanh nghiệp đến tận nơi thu mua.

Bình quân 1 năm, HTX Nông sản Tam Dương trồng được 3 vụ dưa lưới cho thu hoạch từ 9 -10 tấn quả thu về gần 500 triệu đồng; 3 vụ dưa chuột thu được 7,5 tấn thu về gần 180 triệu đồng. Ngoài ra, diện tích hoa đồng tiền, ớt chuông được trồng theo hình thức cuốn chiếu giúp HTX Nông sản Tam Dương có nguồn thu nhập cao.

Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh hàng nông sản An Hòa thị trấn An Hoà, huyện Tam Dương cho biết: “Để tạo ra sản phẩm rau củ quả an toàn cho sức khỏe sẽ tốn công sức và thời gian hơn so với quy trình sản xuất rau thông thường. Với quy trình sản xuất đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, các sản phẩm của hợp tác xã được người tiêu dùng ưa chuộng, được các siêu thị trên địa bàn và một số công ty chế biến các mặt hàng nông sản hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Giá bán của các mặt hàng này thường cao hơn khoảng 20% so với các loại rau củ quả được sản xuất theo quy trình thông thường. Khi tham gia mô hình sản xuất của hợp tác xã, bà con nông dân không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm, hiệu quả kinh tế đạt cao”.

Nhờ những giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hiện trên địa bàn huyện Tam Dương đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường như vùng sản xuất dưa chuột tại các xã, thị trấn An Hòa, Hợp Hòa, Hướng Đạo, Duy Phiên; vùng sản xuất bí đỏ tại thị trấn Hợp Hòa, xã Hoàng Lâu, Thanh Vân, Đạo Tú.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ngày một phát triển trên địa bàn huyện Tam Dương

Được biết, nửa đầu năm 2024, giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp của huyện Tam Dương đạt hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,73% so với cùng kỳ chiếm 26,87% cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn. Tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông Xuân 2023-2024 đạt hơn 3.675ha. Trong đó, cây lúa đạt hơn 3.145ha, năng suất đạt 61,6 tạ/ha, tăng 0,46% so với cùng kỳ; rau, đậu các loại đạt gần 297ha. Đáng chú ý, mặc dù diện tích cây trồng giảm so cùng kỳ nhưng giá trị kinh tế lại cao hơn. Điều này là do người dân chuyển sang trồng các loại cây màu chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về lĩnh vực chăn nuôi cũng đạt được kết quả khá tốt. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện hiện có hơn 4,1 triệu con, tăng 0,26% so với cùng kỳ. Trong đó, đàn trâu 1.205 con; đàn bò 10.060 con; đàn lợn 88.000 con, tăng 1,15% so với cùng kỳ; tổng đàn gia cầm hơn 4 triệu con, tăng 0,25% so với cùng kỳ.

Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Huyện Tam Dương chính thức được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/9/1998. Ngay từ những năm đầu tái lập huyện, với tư duy đúng đắn, cách làm sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ một huyện thuần nông với xuất phát điểm kinh tế thấp, Tam Dương trở thành điểm sáng về sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Đặc biệt, chính khởi nguồn từ cây ngô Đông trồng bầu trên nền đất ướt ở HTX Nông nghiệp Hợp Thịnh đã mở đầu cho phong trào sản xuất vụ Đông của tỉnh và toàn miền Bắc, góp phần tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc và cả nước.

Máy gặt đập liên hoàn được đưa vào thu hoạch lúa mùa tại huyện Tam Dương

Nhận thấy lợi thế về đất đai thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, Đảng bộ và chính quyền huyện Tam Dương đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp. Những năm qua, ngành Nông nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm trên 4%. Các vùng sản xuất cây rau màu được duy trì, phát triển, đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao như các xã Vân Hội, Hoàng Lâu, An Hòa, Kim Long, thị trấn Hợp Hòa.

Bên cạnh đó, xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Tam Dương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bố trí mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, xã Vân Hội, xã Hoàng Hoa đã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu; xã Hợp Thịnh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Huyện tiếp tục chỉ đạo, thực hiện đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao tại 3 xã Thanh Vân, Đạo Tú, Duy Phiên. Đến nay, huyện Tam Dương đã cơ bản hoàn thành 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo chuẩn giai đoạn 2021-2025.

Sau thu hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 14 tỷ đồng để nông dân xử lý rơm, rạ trên đồng ruộng
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tỉnh Vĩnh Phúc đã có chính sách hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý rơm, rạ trên cây lúa giai đoạn 2022 - 2024. Cụ thể, năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ hơn 14 tỉ đồng để mua chế phẩm vi sinh xử lý rơm, rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa vụ Xuân chuyển sang vụ Mùa.