Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khi “quan lớn” cũng đá bóng hay

22:56 28/01/2018 GMT+7

Bao năm qua BOT được người dân gọi phiếm là “Bố Ông Trời”. Muốn làm thế nào cũng được, muốn nói ra sao cũng xong! Nên những bất ổn liên quan tới BOT trong thời gian qua đến nay vẫn chưa có hồi kết, nó đã, đang và sẽ gây các hệ lụy khôn lường.

Thế mới có chuyện đầu năm mới 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải rà soát lại các dự án BOT. Mới đây, Thủ tướng lại vừa có công điện yêu cầu xử lý các đối tượng quá khích, có hành vi chống đối và lập lại trật tự tại các trạm BOT… làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải rà soát lại các dự án BOT.

Việc người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo “rốt ráo” vấn đề liên quan đến BOT góp phần trấn an dư luận, không có gì phải bàn cãi. Vấn đề khiến dư luận thật sự bị sốc là chuyện một thành viên của Chính phủ đã có cách nhìn nhận khác người, kèm phát ngôn gây “bão”.

Đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể. Ông Thể khẳng định: “Không có trạm thu phí đặt nhầm chỗ! Làm gì có chuyện không tính. Tuy nhiên, thời điểm đó là hợp lý, thời điểm đó chủ trương là vậy nên làm vậy. Bây giờ, chính sách thay đổi nên cảm thấy không còn hợp lí. Không bao giờ có chuyện nhầm, nhầm là sai từ đầu, còn ở đây không phải là sai từ đầu mà là do thời điểm nên không còn hợp lí. Ngay từ đầu là phải chuẩn…”.

Vâng! Ông Nguyễn Văn Thể khẳng định là đã có sự tính toán. Thế nhưng, người dân muốn hỏi: Bộ tính toán kiểu gì mà lại “thời điểm đó là hợp lý, thời điểm đó chủ trương là vậy nên làm vậy” để rồi khi chính sách thay đổi thì… không còn hợp lý nữa?

Dư luận xã hội có cảm giác Bộ GTVT đang cố bao biện để tự bảo vệ mình và doanh nghiệp, hơn là tập trung để giải quyết các vấn đề. Sự chậm trễ giải quyết những bất cập xung quanh BOT là nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát có tính lan truyền từ dự án này sang dự án khác, từ địa phương này sang địa phương kia, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ổn định xã hội.

Tức là, bên cạnh các biện pháp kiên quyết nghiêm trị những hành vi cố tình gây bất ổn, lợi dụng tình hình kích động gây mất an ninh trật tự, thì rất cần Bộ GTVT phải đưa ra được các giải pháp đúng đắn nhất, nghiêm túc nhất, có tính khả thi cao nhất, đừng loanh quanh đổ thừa cho cơ chế, chính sách nữa.

Dẫu biết, chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn. Và cũng đúng là, không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao.

Nhưng làm BOT là để người dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi để cùng phát triển kinh tế, chứ không phải làm BOT xong rồi phía Bộ GTVT lúc nào cũng kè kè bằng mọi cách thu bằng được phí cho doanh nghiệp đầu tư BOT. Trong khi đó không quan tâm đến doanh nghiệp vận tải lẫn người dân sống ra sao?

Dân đâu có mù và trình độ dân trí cũng đâu có thấp. Người dân chỉ muốn được bỏ đồng tiền ra sử dụng dịch vụ thì nó phải “đáng đồng tiền bát gạo”. Người dân cần ngài Bộ trưởng đi vào thẳng vấn đề làm sao công khai minh bạch để người dân tâm phục khẩu phục mà trả phí. Vấn đề chỉ có vậy thôi mà!

Sao lại cứ để cho dư luận hoài nghi người có trách nhiệm ở Bộ GTVT vì lợi ích cá nhân, lợi ích của chủ đầu tư BOT mà hết đổ lỗi cho cơ chế, rồi lại nói do khách quan thế này? Chơi trò “đá bóng trách nhiệm” vậy, liệu có đáng mặt quan lớn khoác lên mình tấm áo “công bộc của dân”?!