Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bắc Ninh lan toả những điển hình nông dân mới

Vân Nhi - 07:05 06/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua, Phong trào “Nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi” đã được Hội Nông dân (ND) các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chú trọng triển khai sâu rộng. Từ đó, hình thành những ND thế hệ mới dám nghĩ, dám làm và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một góc trang trại trồng cây thanh long ruột đỏ của ông Trần Văn Hải. Ảnh: N.H

Những nông dân tiêu biểu

Về vùng đất bãi ven sông Đuống thuộc thôn Trại Than, xã Cao Đức (Gia Bình) ít ai ngờ được trước kia hầu hết là diện tích của những lò gạch thủ công, giờ đây tất cả được chuyển đổi thành các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả cao. Một trong những người tiên phong làm đổi thay vùng đất phục hóa này là ông Trần Văn Hải.

Hiện, với diện tích 8ha, ông Hải quy hoạch xây dựng trang trại tổng hợp VAC nuôi cá, nuôi trâu, trồng thanh long ruột đỏ, bưởi và các loại rau màu. Trung bình, mỗi năm ông Hải thu hoạch hàng chục tấn cá, 50 tấn cà rốt. Riêng thanh long ruột đỏ năng suất đạt khoảng 20-25 tạ/sào/năm, giá bán khoảng 15.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi sào thanh long thu về khoảng 40-50 triệu đồng. Trang trại trừ chi phí cho thu nhập 700 - 800 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ.

Thời gian tới, ông Hải tiếp tục duy trì trồng các cây màu có giá trị kinh tế cao; trồng thêm 2.000 cây thanh long ruột đỏ và tăng đàn trâu lên 100 con.  Ông chia sẻ: “Để làm một nhà nông giỏi không dễ, cần phải biết tổng hoà mọi kinh nghiệm trong thực tế, đi nhiều, tìm hiểu và ứng dụng ngay tại trang trại của mình là bí quyết giúp tôi thành công trong mô hình kinh tế VAC tổng hợp”.

Toàn huyện Gia Bình có 5.400 hộ hội viên đạt danh hiệu Nông dân SXKD giỏi. Ông Hoàng Văn Sơn - Chủ tịch Hội ND huyện Gia Bình cho biết: "Để tiếp thêm nguồn lực về vốn cho ND phục hồi sản xuất, Hội ND huyện cũng phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Thành lập được 76 Tổ tiết kiệm, vay vốn với số tiền dư nợ hơn 103,807 tỷ đồng, cho 2.783 hộ ND vay. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND toàn huyện đạt 12,881,5 tỷ đồng đang giải ngân cho 171 hộ ND vay để phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 520 lao động".

Hiện nay, Hội ND huyện Gia Bình đang phối hợp với Bưu điện huyện rà soát, cung cấp danh sách hộ sản xuất nông nghiệp đủ điều kiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Thông qua việc hỗ trợ giao thương, kết nối cung cầu giúp cho không ít sản phẩm nông sản được đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể, nhà hàng... 

Rời huyện Gia Bình, chúng tôi đến TP. Từ Sơn thăm  mô hình trồng rau công nghệ cao của hội viên Nguyễn Khắc Mạnh, phường Đình Bảng. Ông Mạnh chia sẻ, với niềm đam mê trồng trọt, vài năm trước, ông theo mấy người bạn rong ruổi khắp những vùng trồng rau công nghệ cao như Mộc Châu (Sơn La), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... thậm chí là vào cả nơi sản xuất của Tập đoàn VinGroup để tìm hiểu. Sau khi vững vàng về kinh nghiệm, kỹ thuật, ông quyết tâm xây dựng mô hình trồng rau hiện đại ngay tại quê hương mình với quy mô 3.000m2, trong đó khu nhà kính, nhà màng rộng 1.300m2. Mô hình sử dụng công nghệ tưới phun tự động, tiết kiệm nhân công lao động, lại tùy chỉnh được độ đồng đều. Ngoài ra, ông còn mua hai chiếc điều hòa lớn trị giá 160 triệu đồng có chức năng điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm theo từng thời điểm phát triển của rau và thời tiết.

Sau khi hoàn thiện cơ sở vật chất, ông bắt đầu thỏa sức đam mê sáng tạo với hàng loạt giống cây trồng mới. Trong đó, tiêu biểu là giống dưa chuột Israel với ưu điểm là đặc ruột, ít hạt, vị ngọt được thị trường ưa chuộng.

Cũng trên diện tích nhà kính, ông trồng gối thêm một vụ hoa lan Tết để tăng công suất sử dụng. Theo ông, trồng rau công nghệ cao có nhiều triển vọng phát triển, bởi mặc dù đầu tư lớn, nhưng thu hồi vốn cũng khá nhanh. Không chỉ hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất cây trồng, trồng rau công nghệ cao còn phù hợp với xu hướng sử dụng các sản phẩm an toàn của người tiêu dùng nên rất được giá. Mỗi năm mô hình của ông cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. 

Từ thành công của mình, ông Mạnh thường xuyên tư vấn, chuyển giao kĩ thuật cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu học hỏi, tìm hiểu, giúp đỡ mọi người cùng nhau phát triển.

Hình thành những nông dân mới

Theo thống kê, năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có gần 80.000 hộ hội viên ND đạt danh hiệu “Hộ sản xuất kinh doanh giỏi”. Trong đó, nhiều hội viên NDSXKD giỏi có mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho bà con.

Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Phong trào ND thi đua SXKD giỏi là phong trào trọng tâm do Hội ND Việt Nam phát động từ năm 1989, đến nay phong trào đã phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong tỉnh Bắc Ninh.
Hưởng ứng phong trào, giai đoạn 2016 - 2021 toàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 558.800 lượt hộ ND đăng ký đạt danh hiệu ND SXKD giỏi các cấp; trung bình có hơn 93.000 hộ đăng ký/năm. Qua bình xét, gần 483.660 lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (đạt 86,5% số hộ đăng ký). 

Để giúp ND sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Hội ND tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ ND về nguồn vốn, khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề… Cụ thể, về vốn Hội ND tỉnh đã giải ngân cho 323 dự án với 1.448 hộ vay 98 tỷ đồng vốn Quỹ Hỗ trợ ND (tăng hơn 65 tỷ đồng so với năm 2016). Cùng với tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND, các cấp Hội phối hợp với các ngân hàng tín chấp giúp gần 22.620 lượt hộ vay vốn 818 tỷ đồng.

Hội ND Bắc Ninh trực tiếp và phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... tổ chức hơn 4.600 buổi tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hơn 360.700 lượt hội viên, ND; mở 405 lớp đào tạo nghề cho hơn 12.000 ND.

Từ phong trào đã khuyến khích ND mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong SXKD. Đồng thời, tạo ra những liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thông qua việc tạo dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. 

“Thời gian tới Hội tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, đổi mới tác phong làm việc, tư duy sản xuất trong thời đại 4.0 để thích ứng tốt với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế”. 
Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh.