Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Ngọc Lặc

Bùi Ánh - Lương Hà - 07:06 14/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (Nông dân SXKD giỏi) đã được Hội Nông dân (HND) huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa triển khai sâu rộng, có hiệu quả. Hiệu quả của phong trào đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu trong mỗi hội viên, nông dân ở địa phương.
Mỗi năm huyện Ngọc Lặc có khoảng 14.698 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Ngọc Lặc xác định là một trong những phong trào lớn của Hội nhằm góp phần nâng cao đời sống của hội viên, nông dân. Các cơ sở Hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất; Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi hội nghề nghiệp tại địa phương. Hội khuyến khích xây dựng các mô hình nông dân liên kết sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thị trường, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhờ đó, phong trào đã tạo được sức hút mạnh mẽ, trung bình mỗi năm, toàn huyện có 14.698 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Ông Vũ Văn Long, Chủ tịch HND huyện Ngọc Lặc cho biết: Sau khi hội viên đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, HND huyện chỉ đạo các cơ sở Hội thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của từng hội viên để kịp thời có những giải pháp hỗ trợ. Cùng với đó, khuyến khích, vận động hội viên chủ động khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, giống, vốn của gia đình, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mô hình trồng dưa hữu cơ trong nhà màng của gia đình anh Hà Minh Châu xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc cho thu nhập hằng năm sau khi trừ chi phí gần 1 tỷ đồng

Xác định hỗ trợ vốn là mục tiêu hàng đầu để tạo đòn bẩy cho hội viên tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho nông dân vay vốn với tổng dư nợ gần 800 tỷ đồng cho 9.466 hộ vay vốn.

Cùng với đó, các cấp Hội đã chủ động phối hợp mở các lớp tập huấn về khoa học - kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, động viên hội viên, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực tế; Phối hợp mở 3 lớp dạy nghề cho 160 người tham gia; cung ứng 1.324 tấn phân bón các loại; tập huấn chuyển giao KHKT cho 11.569 lượt người; tuyên truyền, vận động phát triển mới 2 trang trại, 58 gia trại; hướng dẫn thành lập 8 tổ hợp tác, 7 tổ hội nghề nghiệp, 1 chi hội nông dân nghề nghiệp, 1 hợp tác xã.

Với sự hỗ trợ đó, chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động, cho thu nhập hàng năm hàng trăm đến hàng tỷ đồng đã góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống, ổn định xã hội, tiêu biểu như hộ ông Phạm Văn Dũng (xã Thúy Sơn); ông Bùi Văn Quang (xã Quang Trung), ông Hà Công Bồng (xã Kiên Thọ), ông Nguyễn Hải Sơn (xã Nguyệt Ấn), ông Đào Đức Sáu (xã Ngọc Liên) ...

Hội Nông dân tỉnh tập huấn kỹ thuật nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ cho hội viên nông dân huyện Ngọc Lặc

Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã quan tâm việc tính toán, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, quy mô đầu tư và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngay cả ở vùng sâu, vùng xa, phong trào đã có những tác động tích cực tới việc phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện, nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã phát triển lên doanh nghiệp hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, HTX hoạt động có hiệu quả, như: HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Thịnh, HTX Đồng Tâm xã Ngọc Trung, HTX chăn nuôi dê Cao Ngọc...

Với những việc làm thiết thực và hiệu quả, trên địa bàn toàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp áp dụng KH-KT vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Cũng từ đó, xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, chủ động tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới vào sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất theo hướng công nghệ, công nghệ cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, cho những sản phẩm sạch, chất lượng, có giá trị cao như: Mô hình trồng dứa gai, bưởi, sắn dây, củ từ sử dụng kỹ thuật tưới phun, tưới nhỏ giọt của hộ ông Đào Đức Sáu, hộ ông Phạm Phú Phục ở xã Ngọc Liên; mô hình trồng bưởi Tân Lạc sử dụng hệ thống ống tưới nhỏ giọt, áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ của ông Nguyễn Mậu Tứ ở xã Cao Thịnh; mô hình trồng cây ăn quả của ông Bùi Văn Quang ở xã Quang Trung...

Với 4ha trồng măng lục trúc, gia đình chị Đinh Thị Lệ, thôn Minh Thái, xã Minh Sơn (huyện Ngọc Lặc) phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và bước đầu cho thấy hiệu quả rất khả quan

Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 11 mô hình nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (với diện tích 3,75ha nhà màng, 0,6ha nhà lưới) sản xuất dưa vàng kim hoàng hậu, cây rau, củ, quả áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ VietGAP năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị thu nhập và hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường từ 1,2 đến 2 lần. Các cấp HND đã phối hợp với chính quyền, các ngành, doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, để xây dựng các sản phẩm OCOP, VietGAP, VietGAHP. Nhờ đó, toàn huyện đã có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Thông qua phong trào, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, thực hiện phương châm “không để ai bỏ lại phía sau”. Không chỉ làm giàu cho gia đình, các hộ kinh doanh giỏi còn góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở nông thôn với thu nhập ổn định, tiêu biểu như: Hộ bà Hà Thị Yên ở xã Minh Tiến đã tạo việc làm cho 12 lao động thời vụ, hàng năm còn hỗ trợ 21 triệu mua trâu giống cho 2 hộ nghèo trong thôn; hộ ông Quách Văn Huy ở xã Đồng Thịnh đã hỗ trợ 4 triệu đồng cho 2 hộ nghèo làm công trình vệ sinh và 2 con lợn giống cho hộ nghèo chăn nuôi; Phạm Văn Chung, xã Minh Sơn tạo việc làm cho 11 lao động, hướng dẫn về kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn và hỗ trợ 12 triệu đồng mua giống lợn cho hộ nghèo để chăn nuôi…

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng cam hữu cơ của gia đình anh Lương Văn Tưởng, thôn Đức Thịnh, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc

Phong trào cũng đã tạo động lực khích lệ, động viên hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác thế mạnh, tiềm năng về đất đai, nguồn lao động, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, qua đó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.