Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lễ Vu Lan – Rằm tháng 7 giữa đại dịch Covid-19

10:54 22/08/2021 GMT+7
Thiện tại Tâm. Tu tại Tâm. Do vậy, việc mình làm chứng tỏ lòng thành, tâm tốt không nằm ở việc đồ lễ trong lễ Vu Lan nhiều hay ít.

Ngày rằm tháng 7 âm lịch của người Việt được gọi là lễ Vu Lan hoặc ngày Xá tội vong nhân hay tết Trung Nguyên. Những tên gọi khác nhau về ngày rằm tháng 7 cũng là do sự giao thoa văn hóa, pha trộn tín ngưỡng, phong tục tập quán truyền thống giữa các vùng miền với nhau.

Năm 2021, lễ Vu Lan rơi vào Chủ nhật, ngày 22/8 dương lịch khi mà cả nước đang gồng mình chống dịch covid-19, nhiều thành phố lớn đang thực hiện Chỉ thị 16, giãn cách toàn xã hội. Chính vì sự khác biệt đó mà người dân Việt cũng thay đổi thói quen cho phong tục này.

Nhớ về ngày lễ Vu Lan – Rằm tháng 7

Thay vì làm lễ ở chùa như mọi năm, năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị tăng ni phát huy sáng tạo các hình thức sinh hoạt trực tuyến online trong mùa Vu Lan. Các phật tử ở nhà tụng kinh Vu Lan báo hiếu mẹ cha và hồi hướng tới cửu huyền thất tổ, anh hùng liệt sĩ, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an… Không phải cứ đến chùa làm lễ mới là bày tỏ lòng thành kính với cha mẹ, tổ tiên. Thượng toạ Thích Đạo Hiển – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội chia sẻ: “Sẽ không có ảnh hưởng gì trong phương thức bày tỏ lòng thành kính bởi lẽ “Phật tại tâm”.

Đức Phật dạy tri ân, báo ân, tưởng niệm trong tâm thức của mình, chứ không phải cách mình bày tỏ ở đâu, như thế nào. Cái chính ở lòng thành, con cháu trong những ngày này nhớ về ông bà tổ tiên, nhớ về truyền thống gia đình, nhớ về những lễ nghĩa tốt đẹp của cha ông để noi theo và thực hiện cho tốt. Gìn giữ được những giá trị đó mới là điều quan trọng”.

“Vu lan” là cách viết tắt của “Vu lan bồn”, tiếng Phạn là “Ullambana”. Trong đó, Ullam dịch là “treo ngược” (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược; chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana” tạm dịch là “cứu giúp”. Như vậy chúng ta có thể hiểu từ “Vu lan bồn” có nghĩa là giải cứu người bị tội thống khổ tột cùng. Còn “báo hiếu”, đó là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ.

Lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Qua hàng ngàn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, giờ đây lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ của Phật giáo mà trở thành ngày lễ báo hiếu của người dân Việt Nam.

Trong văn hóa dân tộc Việt Nam ta thì tháng cô hồn chỉ tháng 7 âm lịch và thường sẽ được tổ chức ngày “Xá tội vong nhân” vào ngày rằm tức 15 âm lịch – ngày mà được cho là Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế.

Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng và quần áo cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Ngày Xá tội vong nhân chính là tết Trung Nguyên, là một trong những ngày tết quan trọng trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lễ Vu Lan trọn vẹn trong đại dịch Covid-19

Theo truyền thống, trong dịp rằm tháng 7, các gia đình nên chuẩn bị đủ ba lễ riêng: lễ cúng Phật, lễ cúng thần linh, gia tiên, lễ cúng chúng sinh. Theo Thượng toạ Thích Đạo Hiển – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, lễ Vu Lan báo hiếu cần chuẩn bị thành tâm và thể hiện được lòng biết ơn, thành kính đối với ông bà, cha mẹ đã khuất: “Để có một lễ cúng Vu Lan trọn vẹn ý nghĩa trong đại dịch chúng ta cần chuẩn bị  lễ vật đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo phong tục truyền thống: hương, đăng, hoa, quả, một chút lễ cúng chay…”.

Năm 2021, Lễ Vu Lan khác với mọi năm bởi dịch covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy, việc chuẩn bị lễ cúng sao cho trọn vẹn ý nghĩa cũng khiến nhiều gia đình phải thay đổi hẳn thói quen, truyền thống của gia đình.

Chị Lê Minh Hoa ở khu Linh Đàm chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh và trong thời điểm giãn cách theo CT 16 gia đình tôi thành tâm tu khoá Lễ tại gia. Làm tại gia, tuy không đầy đủ vật chất như mọi năm để dâng lên ông bà tổ tiên, không mua được quần áo vàng mã để biếu các cụ nhưng gia đình cùng nhau cúng khoá tu niệm Phật và tụng kinh sám nguyện hồi hướng tới ơn đức tổ tiên. Mâm cao cỗ đầy nhiều khi cũng chỉ là hình thức, điều quan trọng là lòng thành và tâm luôn hướng thiện”.

Cũng theo chị Hoa, mỗi dịp đến lễ Vu Lan báo hiếu – rằm tháng 7, gia đình chị không đi chùa cùng nhau thì cũng ở nhà làm lễ, tham gia vào các hoạt động từ thiện. Chị Hoa muốn các con biết và hiểu hơn về ngày lễ Vu Lan để sống tốt hơn, tâm hồn đẹp hơn, hướng thiện nhiều hơn và đặc biệt phải có hiếu với cha mẹ, biết nghĩ tới tổ tiên, tới dòng họ.

Bà Bùi Thị Kim Thanh phố Chùa Hà, phường Quan Hoa cho hay “Nhà tôi có truyền thống, ngày rằm tháng 7 đều tổ chức làm mâm cỗ, lễ vật đủ đầy cùng với vàng mã “gửi” xuống cho các cụ, như một sự tri ân, báo hiếu. Nhưng năm nay, tình hình dịch bệnh căng thẳng, các chợ xung quanh khu nhà đóng hết chỉ còn 1 số siêu thị lớn, rồi các hàng bán mã quanh chùa Hà cũng theo chỉ thị của nhà nước mà đóng cửa. Nên tôi cùng với các con thành tâm làm lễ với phương châm trong nhà có gì thì làm mâm cơm canh lễ các cụ, tổ tiên”.

Theo bà Thanh, thực ra dù hàng quán đóng cửa khiến cho việc mua sắm gặp khó khăn nhưng chỉ cần nhấc máy gọi điện đặt nấu cỗ mang đến tận nhà là có đủ nhưng để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và tuân thủ nghiêm về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch covid-19 nên trong nhà có gì thì sẽ chế biến dâng lên tổ tiên. “Mọi năm gia đình có thói quen sắm vàng mã rất nhiều nhưng năm nay cũng vì Covid-19 mà thay đổi hẳn việc này. Suy nghĩ thấu đáo thì thấy việc đốt vàng mã thật là lãng phí nhưng với suy nghĩ ‘trần sao, âm vậy” nên bao năm qua ngoài sự thành tâm thì gia đình cũng rất chú trọng đến những vấn đề mâm cỗ rồi vàng mã. Tôi nghĩ chắc từ giờ trở đi, gia đình tôi, các con tôi cũng sẽ đồng lòng với nhau trong việc này. Đặc biệt năm nay nhân dịp lễ Vu Lan báo hiếu, xá tội vong nhân, tôi cũng động viên các con hỗ trợ những người nghèo, người lao động ngoại tỉnh quanh khu mình một ít đồ ăn thực phẩm gạo để họ sinh sống lúc này. Đó cũng là việc nên làm để tích phúc”.

Không chỉ đến bây giờ chị Kim Hoa ở khu đô thị Mỹ Đình mới thay đổi thói quen về việc đốt vàng mã trong các ngày lễ, đặc biệt là vào ngày rằm tháng 7. Chị Hoa cho biết, chị suy nghĩ rất đơn giản “Thiện tại Tâm. Tu tại Tâm. Do vậy việc mình làm chứng tỏ lòng thành, tâm tốt không nằm ở việc đồ lễ nhiều hay ít hay là ở nội dung bài cúng. Khi thắp hương là bày tỏ lòng thành kính đến tổ tiên, ông bà, những người đã khuất và thể hiện sự tôn nghiêm đến các thánh thần, Phật, Bồ tát. Mọi thứ phải xuất phát từ tâm. Còn việc đốt vàng mã thì lâu nay tôi đã không dùng để cúng bởi ảnh hưởng đến môi trường. Mỗi người có một quan niệm khác nhau vì vậy đồ cúng cũng khác nhau. Vì vậy, dù không được ra ngoài đi chợ mua sắm nhưng mầm cỗ dâng lên tổ tiên vẫn đầy đủ và thể hiện lòng thành của các thành viên trong gia đình”.

Trong thời điểm dịch bệnh, mỗi gia đình nên đơn giản, tránh lãng phí và đặc biệt là tổ chức nghi lễ trong khuôn viên của gia đình, tránh tiếp xúc đông người và luôn đề phòng nguy cơ cháy nổ. Điều quan trọng nhất hãy thành kính, tâm trong sáng, hướng thiện, giữ trọn đạo hiếu với đấng sinh thành để mỗi mùa Vu Lan thấy ý nghĩa hơn/.