Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Muốn giữ thị trường trái cây xuất khẩu phải nâng cao chất lượng

22:31 27/03/2019 GMT+7
Thời gian để hoàn thành mở cửa thị trường thường kéo dài tới vài năm trời với rất nhiều công sức. Tuy nhiên, chỉ cần để xảy ra vi phạm, không đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu thì nguy cơ đánh mất thị trường sẽ rất cao.  Mất hàng chục năm mở cửa Thời

Thời gian để hoàn thành mở cửa thị trường thường kéo dài tới vài năm trời với rất nhiều công sức. Tuy nhiên, chỉ cần để xảy ra vi phạm, không đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu thì nguy cơ đánh mất thị trường sẽ rất cao. 

Việc đáp ứng các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu sẽ giúp trái cây Việt Nam giữ vững được thị trường.

Mất hàng chục năm mở cửa

Thời gian qua, công tác đàm phán tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan, đặc biệt là đối với mặt hàng quả tươi của Việt Nam xuất khẩu đi các nước. Những loại trái cây tươi chủ lực như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn đã được hầu hết các thị trường khó tính và có giá trị cao nhất như Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc… cho phép nhập khẩu. Kết quả này là sự công nhận của quốc tế đối với uy tín của chất lượng của rau, quả tươi Việt Nam. Kết quả này cũng đã góp phần tạo ra tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, từ khoảng 1 tỷ USD năm 2013 lên 3,8 tỷ USD trong năm 2018.

Giá cước vận chuyển hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn cao và nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ giá cước như một số nước đang áp dụng dẫn đến chi phí xuất khẩu cao là một yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu mặc dù thị trường đã được mở cửa.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), công tác mở cửa thị trường đối với các loại trái cây là rất gian nan và kéo dài. Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, để mở cửa đối với 1 loại quả tươi, Trung Quốc yêu cầu phải nộp hồ sơ kỹ thuật để đánh giá nguy cơ dịch hại, dựa vào kết quả đó để xây dựng các yêu cầu nhập khẩu và ký kết Nghị định thư (Protocol). Từ năm 2018, Trung Quốc yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Để đáp ứng yêu cầu trên, Cục BVTV đã tiến hành cấp trên 1.200 mã số vùng trồng và 564 nhà đóng gói và tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của các địa phương.

Các nước EU cũng đã xây dựng bộ quy định cụ thể đối với từng mặt hàng tại Chỉ thị 2000/29/EC. Vì vậy, dù không cần phải đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu sang EU, nhưng để duy trì thị trường thì phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu rất cao về kiểm dịch thực vật. EU có hệ thống kiểm soát rất chặt chẽ đối với hàng hóa nhập khẩu qua biên giới, các trường hợp vi phạm đều bị cảnh báo và tùy vào mức độ vi phạm có thể bị áp dụng biện trả về nơi xuất xứ, tiêu hủy hoặc tạm ngừng nhập khẩu.

Đối với thị trường phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand, Úc, Chile…, để mở cửa thị trường cho một loại sản phẩm trái cây tươi, Cục BVTV phải xây dựng hồ sơ kỹ thuật bao gồm các thông tin kỹ thuật theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Sau đó, cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật nước nhập khẩu thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại đối với từng loại quả tươi của Việt Nam. Quá trình này đòi hỏi thời gian đàm phán để thống nhất danh mục các loại dịch hại phải kiểm soát và các biện pháp áp dụng để quản lý các loại dịch hại. Theo đó, thời gian để hoàn thành mở cửa thị trường thường kéo dài 3 – 15 năm tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Nguy cơ mất thị trường

Việc mở cửa thị trường đòi hỏi đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, song nếu không đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu thì nguy cơ đánh mất thị trường sẽ rất cao. Theo Cục BVTV, khi nước nhập khẩu kiểm tra hàng hóa tại cảng đến và phát hiện vi phạm như nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, khử trùng thất bại, sai sót hồ sơ… thì sẽ gửi cảnh báo cho nước xuất khẩu để có hành động khắc phục. Tuy nhiên, tùy mức độ vi phạm hoặc số lần lặp lại vi phạm, nước nhập khẩu có thể áp dụng nhiều biện pháp như: Xử lý lại, tiêu hủy, trả về nơi xuất xuất thậm chí là áp dụng tạm ngừng nhập khẩu để đánh giá lại nguy cơ dịch hại. Từ kết quả đánh giá lại nguy cơ dịch hại nước nhập khẩu sẽ áp dụng các biện pháp bổ sung với yêu cầu cao hơn, thậm chí cấm nhập khẩu.

Thêm vào đó, hiện nay các quốc gia đang có xu hướng ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ngay cả với thị trường Trung Quốc, vốn được coi là thị trường dễ tính. Do vậy, công tác mở cửa thị trường sẽ ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó, theo ông Lê Văn Đức, Cục trưởng Cục Trồng trọt, kinh phí để mở cửa thị trường xuất khẩu cho nông sản là một trong những khó khăn lớn nhất. Hiện nay, chưa có nguồn kinh phí phục vụ điều tra thu thập số liệu để xây dựng hồ sơ kỹ thuật theo yêu cầu của nước nhập khẩu, thực hiện việc nghiên cứu, khẳng định năng lực kỹ thuật trong việc đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, đặc biệt trong việc thực hiện các biện pháp xử lý mới với công nghệ hiện đại cũng như kinh phí bố trí cho đón tiếp các đoàn chuyên gia về kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu vào kiểm tra thực tế cơ sở trồng trọt, sơ chế, đóng gói và xử lý kiểm dịch thực vật.

Ngoài ra, dịch vụ vận tải quốc tế từ Việt Nam đến một số khu vực như Nam Mỹ, châu Phi hiện vẫn chưa thuận lợi, thường phải qua trung chuyển. Giá cước vận chuyển hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn cao và nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ giá cước như một số nước đang áp dụng dẫn đến chi phí xuất khẩu cao là một yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu mặc dù thị trường đã được mở cửa.

Trước tình hình đó, các chuyên gia cho rằng việc mở cửa thị trường cần tập trung vào các thị trường lớn, có dịch vụ vận chuyển thuận lợi và các sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như thanh long, nhãn, chôm chôm, bưởi, xoài… Nhà nước cũng cần quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung phục vụ cho các sản phẩm chủ lực xuất khẩu gắn với việc cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện giám sát, quản lý các mã số vùng trồng đã được cấp để bảo đảm tính bền vững của của việc cấp mã số.

Về phía các doanh nghiệp, cần kịp thời nắm bắt thông tin thị trường và các quy định pháp lý của nước nhập khẩu và của Việt Nam. Đồng thời chủ động liên kết trong sản xuất – tiêu thụ bền vững và cùng có lợi với người nông dân và các cơ quan nghiên cứu khoa học. Các DN cũng cần đầu tư cơ sở, trang thiết bị sản xuất, sơ chế… đáp ứng đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, cần tuân thủ quy định pháp luật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Việt Nam và các nước nhập khẩu, có ý thức gìn giữ và xây dựng uy tín cho nông sản của Việt Nam.

Khải Kỳ