Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nâng cao vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới  

18:16 04/11/2020 GMT+7
Nhiều ý kiến tâm huyết, có chất lượng được thẳng thắn đóng góp tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức trong Cụm thi đua số 4 – khu vực

Nhiều ý kiến tâm huyết, có chất lượng được thẳng thắn đóng góp tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức trong Cụm thi đua số 4 – khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, diễn ra tại TP. Đà Nẵng vào chiều 4/11. Trong đó, nổi lên là vấn đề nâng cao vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới.

Đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đến dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng T.Ư Đảng; đại diện Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; đại diện lãnh đạo Hội ND các tỉnh, thành trong Cụm; các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi… các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Hội nghị lần này nhằm lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN một lần nữa khẳng định, dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là sản phẩm tập trung trí tuệ của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghi quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước qua 35 đổi mới. Dự thảo các các văn kiện tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta. Đây là quá trình tổng kết thực tiễn và phát triển tư duy lý luận của Đảng ta trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh – quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Đồng chí Đinh Khắc Đính cho rằng, Hội nghị lần này nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và cán bộ, hội viên nông dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để có nhiều ý kiến đóng góp đạt chất lượng vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Đinh Khắc Đính lưu ý với Hội nghị nhiều vấn đề mang tính chiến lược như năm quan điểm của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nước ta trong thời gian tới. Các chỉ tiêu chủ yếu, ba đột phá chiến lược và mười nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đây là các vấn đề rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới.

“Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Vì vậy Hội nghị thảo luận, cho ý kiến tập trung vào các vấn đề lớn như đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh. Mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045; định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược. Cùng đó là các chương, mục cụ thể như về chủ đề Đại hội; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc…”, đồng chí Đinh Khắc Đính nhấn mạnh.

Về Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, đồng chí Phó Chủ tịch Hội NDVN gợi mở với Hội nghị các vấn đề đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020; Mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 2021 – 2025, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường; 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; về trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện…

Riêng đối với Dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, đồng chí Đinh Khắc Đính khẳng định, đây là một báo cáo chuyên đề rất quan trọng, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ then chốt của Đảng. Theo đó, đồng chí đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhất là 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; 3 nhiệm vụ trọng tâm và ba giải pháp đột phá. Đồng thời đánh giá tổng quát, những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thi hành Điều lệ Đảng.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, hầu hết các ý kiến thống nhất với đánh giá về thực trạng tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế, những dự báo tình hình và định hướng mục tiêu, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực trong thời gian tới khá cụ thể, phù hợp với tình hình đất nước. Gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, có nhiều điểm mới phản ánh được tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng, đây là những nhân tố cơ bản và cần thiết để đưa đất nước ta tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.

Đối với dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững, ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội ND TP. Đà Nẵng bày tỏ thống nhất cao với quan điểm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, phát triển kinh tế thị trường phải có định hướng chiến lược lâu dài, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, địa phương và của doanh nghiệp.

Theo đại diện Hội ND tỉnh Đắk Nông, đối với dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, cần bổ sung làm rõ sự lãnh đạo của Đảng đã kịp thời đưa ra nhiều Nghị quyết định hướng phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới; chủ trương đẩy mạnh ký kết và thực hiện các hiệp định thị trường tự do với các nước lớn đã tạo ra sự khởi sắc và đẩy mạnh tính cạnh tranh để tồn tại của nền kinh tế, tạo ra sự phát triển vượt bậc, nhất là 05 năm gần đây (2016 – 2020). Nhờ đó, nước ta có chỉ số tăng trưởng nằm trong nhóm đầu của thế giới: 4 năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; cân đối giữa xuất – nhập khẩu và thực hiện được xuất siêu; dự trữ ngoại tệ tăng lên; xóa đói giảm nghèo là điển hình của thế giới; giải quyết an sinh xã hội tốt; đặc biệt, chính sách xây dựng nông thôn mới đem lại hiệu quả cao; chống tham nhũng, lãng phí đạt kết quả khích lệ, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Đối với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cùng với trao đổi góp ý chung, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên BCH Hội ND tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia sâu các vấn đề có liên quan trực tiếp với vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên như phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển; về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; về tăng cường bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, nhất là trước những sự cố của bão lũ, sạt lở vừa qua tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam…

Cùng với thảo luận góp ý kiến trực tiếp vào Dự thảo các Văn kiện, đồng chí Đinh Khắc Đính yêu cầu Hội nghị tập trung tham gia góp ý làm rõ thêm những nội dung như vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Cùng đó là vai trò chủ thể của nông dân, về giải pháp để Hội kiến tạo, hiến kế, hỗ trợ nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…

Theo ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội ND TP. Đà Nẵng, cần làm rõ vai trò của nền nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, giúp đất nước vượt qua khủng hoảng, khó khăn. Thực thế đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, dịch bệnh Covid-19 đất nước ổn định là nhờ nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực… Tập trung quy hoạch phát triển nông nghiệp quốc gia dài hạn làm cơ sở cho phát triển nông nghiệp từng vùng, địa phương, góp phần gia tăng năng suất và hiệu quả kinh tế đối với sản phẩm nông nghiệp và bảo vệ môi trường, tránh được mùa mất giá.

Liên quan vấn đề này, đại diện Hội ND tỉnh Bình Định cho rằng, các Dự thảo Văn kiện cần khẳng định: Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nông dân là lực lượng nòng cốt trong “Phát triển nền nông nghiệp thịnh vượng – nông dân giàu có – nông thôn văn minh, hiện đại” như Nghị quyết Đại hội Hội NDVN lần thứ VII nhiệm kỳ 2018 – 2023 đề ra. Đồng thời, tập trung chỉ đạo xây dựng và chuyển nhanh từ nền nông nghiệp quan tâm về sản lượng sang nền nông nghiệp có giá trị và hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích; hàng hóa nông sản đủ sức cạnh tranh thị trường kết hợp với chế biến, xuất khẩu.

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị tiếp tục làm rõ thêm về vai trò trung tâm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trong việc liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân để phát triển các hình thức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị…

Phát biểu tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Đinh Khắc Đính trân trọng ghi nhận các ý kiến đóng góp và khẳng định T.Ư Hội NDVN sẽ tiếp thu, tổng hợp, báo cáo với Hội đồng Lý luận và các cơ quan T.Ư để góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhận định về các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cho rằng, có nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng được thẳng thắn đóng góp tại Hội nghị. Trong đó, nổi lên là các ý kiến phân tích về vấn đề nâng cao vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới. Theo đó, đồng chí Đinh Khắc Đính nhấn mạnh việc bổ sung vào văn kiện cụm từ: “Phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân khá giả, nông thôn văn minh, hiện đại”.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao việc Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN tổ chức các Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí Bùi Tuấn Quang khẳng định, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý các văn kiện dự thảo của Đại hội XIII là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy tinh thần dân chủ, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Qua đó, góp phần củng cố, bồi đắp, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, làm sâu sắc thêm truyền thống “Ý Đảng hợp lòng dân”.

Bài, ảnh: Bá Trí