Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giải pháp để đưa sầu riêng Việt Nam vươn xa

Vân Nguyễn - 08:21 22/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 21/7, tại tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp Trung ương Hội làm vườn Việt Nam và Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Cơ hội và thách thức phát triển ngành Sầu riêng Việt Nam".

Giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích sầu riêng tăng rất nhanh trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, cả nước phát triển được hơn 110.000ha sầu riêng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2017 là 37.000ha. Trung bình mỗi năm diện tích sầu riêng tăng 24,5% trong giai đoạn này.

Trong số đó, có hơn 54.000ha sầu riêng đang cho thu hoạch với năng suất bình quân khoảng 16,5 tấn/ha, sản lượng gần 850.000 tấn. Cây sầu riêng chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên  hơn 47%, Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 30%, Đông Nam Bộ khoảng 19%...Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng kỷ lục, đạt khoảng 850 triệu USD, gấp đôi cả năm 2022. Dự kiến trong năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của cả nước đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ USD.

GS.TS Trần Văn Hâu cho biết: Giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan. Trong khi Thái Lan đã phát triển rất lâu đời giống cây trồng này thì Việt Nam mới bắt đầu cuộc chơi, do đó có thể chấp nhận được.

Thái Lan có hai vùng trồng sầu riêng chính ở phía Đông và phía Nam, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12. Riêng tháng 1-2 Thái Lan hầu như không có sầu riêng. Hiện nay, sầu riêng chính vụ trong nước kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10, vụ nghịch kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Trong khi nước ta có điều kiện trồng sầu riêng nghịch vụ ở miền Tây, đây là cơ hội rất tốt để cạnh tranh với Thái Lan.

Theo thống kê, đến nay Việt Nam có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sang thị trường này. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng. Việc có thêm nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt là tín hiệu vui đối với các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này rất lớn.

Sự tăng trưởng đột phá của sầu riêng đã nâng trị giá xuất khẩu rau quả trong 5 tháng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Đây là trị giá xuất khẩu trong 5 tháng cao nhất từ trước tới nay của ngành rau quả. Theo thống kê, sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc chiếm 85% sản lượng lên đến 60.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2023.

Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: Vân Nguyễn

Nên đa dạng hoá hình thức xuất khẩu sầu riêng

Đồng Nai là tỉnh tăng mạnh diện tích cây ăn trái và là tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về phát triển diện tích của loại cây ăn trái chủ lực đang đứng đầu danh mục xuất khẩu là sầu riêng. Với hơn 11,3 ngàn héc ta, Đồng Nai vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ 4 cả nước về diện tích sầu riêng. Đồng Nai hiện có 11 vùng với diện tích 820ha được cấp mã vùng trồng sầu riêng. Tính đến giữa tháng 6/2023, Đồng Nai đã xuất khẩu 360 tấn sầu riêng sang Trung Quốc và dự kiến năm 2023 sẽ xuất khẩu 20 ngàn tấn sầu riêng.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở đóng gói để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hiện tỉnh đã hoàn thiện 61 hồ sơ vùng trồng với diện tích gần 1.800ha và 4 cơ sở đóng gói sầu riêng gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số. Đây là cơ sở, tiền đề đảm bảo việc xuất khẩu sầu riêng chính thức, ổn định bền vững; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp mang lợi ích cho người nông dân Đồng Nai.

Năm 2022, giá sầu riêng tăng mạnh và có thời điểm chạm mốc gần 200.000 đồng/kg, mức giá cao nhất kể từ trước đến nay khiến sầu riêng trở thành cơn sốt với người dân. Hiện nay, thị trường Trung Quốc mua tới 95% lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam tăng mạnh, nhưng trị giá xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chỉ bằng 1/3 mà sầu riêng Thái Lan thu được tại thị trường Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam giá bán thường thấp hơn 20% so với sầu riêng Thái Lan.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng. Các đơn vị có liên quan phải khẩn trương rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn, xây dựng đề án phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; quy mô phù hợp.

Cần quy hoạch toàn diện vùng trồng cây ăn quả tập trung và phát triển thành vùng chuyên canh để thuận lợi cho sản xuất áp dụng cơ giới hóa và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, quy hoạch phù hợp với từng địa phương, hạn chế tình trạng cung vượt cầu; Phổ biến các thông tin về quy hoạch trồng sầu riêng thông qua các kênh truyền thông cho nông dân cập nhật.

Các tỉnh không chuyển đổi tự phát, phát triển nóng theo phong trào và tại các vùng đất phèn nặng có thể gây ngộ độc cho cây sầu riêng; tăng cường hỗ trợ hình thành các kho bảo quản, kho lạnh, chế biến sầu riêng. Đồng thời, nên đa dạng hoá hình thức xuất khẩu không chỉ xuất khẩu nguyên trái tươi, cần tăng cường xuất khẩu dạng múi đông lạnh, nhằm bảo quản được lâu hơn, giảm chi phí vận chuyển khi xuất khẩu; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để mời gọi các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu và chế biến nông sản, trong đó có sầu riêng tại các vùng mới chuyển đổi để dễ dàng trong việc tiêu thụ sản phẩm.