Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

CLB Nông dân với Pháp luật:

Vừa là nơi giao lưu văn hóa, vừa cung cấp các kiến thức pháp luật cần thiết cho nông dân

Lê Tuấn Anh - 15:48 22/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng của các “Câu lạc bộ (CLB) nông dân với pháp luật”. Đây là địa chỉ tin cậy của cán bộ, hội viên nông dân chia sẻ tâm tư, gửi gắm những thắc mắc, băn khoăn; là nơi giúp nông dân nâng cao hiểu biết pháp luật, chỗ dựa trong tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên ở cơ sở.
Tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cơ sở với nông dân ở xã Mậu Lâm (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa).

Địa chỉ tin cậy của cán bộ hội viên, nông dân

Thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”. Hàng năm, Hội Nông dân (ND) tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội chủ động phối hợp với UBND các cấp thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra, góp phần tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải, trợ giúp pháp lý, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Mô hình Câu lạc bộ (CLB) Nông dân với pháp luật là một trong những nội dung thiết thực, là nền tảng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện từ cơ sở.

Với mục đích là một tổ chức sinh hoạt pháp lý tự nguyện của những người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, nhiệt tình tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động chấp hành pháp luật và có tinh thần tham gia đấu tranh bảo vệ pháp luật. Hoạt động của CLB có tính chất thường kỳ, theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng giữa các thành viên và tuân thủ các quy định của Quy chế tổ chức, hoạt động của CLB và pháp luật Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ban chủ nhiệm CLB nông dân với pháp luật gồm lãnh đạo UBND xã, lãnh đạo HND cơ sở, Ban Tư pháp, Công an xã và một số ban, ngành có liên quan, thành viên là những người tự nguyện tham gia câu lạc bộ. Vì vậy đã đi đúng với nguyện vọng và mong muốn của cán bộ, hội viên nông dân và Nhân dân, nên nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao.

Đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã hướng dẫn, trực tiếp thành lập và quản lý 39 CLB với 1.900 hội viên tham gia sinh hoạt, cùng với hàng chục CLB do các cấp huyện thành lập đã tạo nên mạng lưới tư vấn pháp luật tích cực, hiệu quả trong nhân dân toàn tỉnh. Hàng tháng và theo chuyên đề, CLB tổ chức tuyên truyên, học tập, nghiên cứu các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Chỉ thị, Nghị quyết của Hội, Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, Hiến pháp 2013 Luật Đất đai 2013, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Môi trường, Quy chế dân chủ cơ sở...

Qua học tập, trình độ nhận thức hiểu biết của nông dân đã được nâng lên, góp phần củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước. Từ những hoạt động đó, CLB nông dân với pháp luật đã duy trì, ổn định nề nếp sinh hoạt, với tỷ lệ 85% hội viên CLB trở lên tham gia sinh hoạt định kỳ. Kiến thức pháp luật của bà con nông dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Hội ND và UBND; ra mắt CLB nông dân với pháp luật ở xã Minh Sơn (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Nơi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân

Đối với cán bộ làm công tác Hội thì việc sinh hoạt CLB Nông dân với pháp luật góp phần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nông dân, đồng thời giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân ngay từ cơ sở. Sinh hoạt CLB thật sự giúp người nông dân có đủ điều kiện tiếp cận pháp luật và biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và của cộng đồng. Tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân được đề xuất, chất vấn, đối thoại trong các kỳ sinh hoạt. Những vướng mắc, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân luôn được giải quyết kịp thời theo quan điểm thấu tình đạt lý.

Riêng về công tác hòa giải, vai trò nòng cốt của CLB có thể khẳng định là một thành công lớn, góp phần đáng kể vào ổn định an ninh trật tự địa phương. Hàng năm các chi, tổ Hội Nông dân trong tỉnh chủ động tham gia phối hợp hòa giải thành công trên 1.000 vụ việc, trực tiếp tư vấn hàng ngàn đối tượng với nhiều vụ việc khác nhau.

 Bên cạnh đó, Hội ND đã phối hợp với Ban chủ nhiệm CLB, chính quyền xã triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và giám sát việc thực thi của chính quyền trong việc công khai chính sách quy hoạch đất đai, đầu tư  xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các loại quỹ dân đóng góp thu trên đầu sào, đầu khẩu, giá đất giải phóng mặt bằng...

Ngoài ra, CLB còn đại diện cho nông dân trong một số hoạt động như: Tham gia giám sát, phản biện xã hội các vấn đề liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên, nông dân, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của Hội, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Phối hợp tiếp nông dân hàng tuần, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, phối hợp hoà giải những vấn đề bức xúc của nông dân về vi phạm quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu chi các loại quỹ dân đóng góp, thuỷ lợi phí, bảo vệ môi trường đã được chính quyền cơ sở ban, ngành chức năng quan tâm giải quyết kịp thời không có đơn thư vượt cấp. 

Qua thực tiễn xây dựng mô hình CLB Nông dân với pháp luật đã khẳng định được những ưu thế và hiệu quả thiết thực tại cơ sở, vừa là nơi giao lưu văn hóa, vừa cung cấp các kiến thức pháp luật cần thiết cho bà con nông dân. Cùng với các hình thức khác qua mỗi lần sinh hoạt như: Hái hoa dân chủ, đố vui pháp luật, tôi làm luật sư... là sân chơi để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của các hội viên, qua đó mọi thành viên trong CLB sẽ mạnh dạn hơn trong sinh hoạt, những nhu cầu pháp luật cần thiết của bà con nông dân được CLB tập trung bàn bạc sôi nổi.

Không chỉ có tủ sách pháp luật với các tài liệu pháp luật, các CLB cũng kết hợp với bưu điện văn hóa xã để mượn báo, tạp chí trang bị thêm để bà con nông dân nghiên cứu trong những lúc nông nhàn hoặc khi có nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu. Địa điểm đặt tủ sách pháp luật là nơi thuận lợi, gần gũi với nông dân. Trong quá trình tìm hiểu, nếu có vướng mắc họ sẵn sàng trao đổi với người quản lý tủ sách hoặc thông qua CLB để giải thích, có như vậy thì tủ sách pháp luật của nông dân mới phát huy được hiệu quả, là nơi cung cấp các kiến thức pháp luật cần thiết cho nông dân.

Có kiến thức và hiểu biết pháp luật, nông dân canh tác an toàn, nâng cao chất lượng.

Trong trong giai đoạn từ 2018 đến nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 41.010 buổi tuyên truyền cho 2.608.273 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; biên soạn, cung cấp cấp phát hơn 26.000 cuốn tài liệu và 30.500 tờ rơi Hỏi - đáp pháp luật đến các cấp Hội. Phối hợp tư vấn, trợ giúp pháp lý 14.926 buổi cho 2.037.522 lượt người về chính sách liên quan đến quyền sử dụng đất đai và các nội dung chính sách liên quan đến nông dân...

Có thể nói, việc xây dựng mô hình CLB Nông dân với pháp luật ở Hội các cấp của tỉnh Thanh Hóa đã trở thành địa chỉ tin cậy cho cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân trong việc tìm hiểu pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nông dân. Thực tiễn qua các năm cũng cho thấy, nông dân đã có điều kiện tiếp cận pháp luật, biết sử đụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và của cộng đồng, hạn chế thấp nhất tình trạng nông dân vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật. Từ đó đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện dân chủ cơ sở, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn, góp phần xây dựng tổ chức Hội, xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh.

*THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ