Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nghệ An hạn chế xây mới lò đốt rác cỡ nhỏ

08:39 27/11/2020 GMT+7
Nhiều xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An sử dụng các lò đốt rác thải cỡ nhỏ để giải quyết rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc sử dụng lò đốt rác thải cỡ nhỏ cũng

Nhiều xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An sử dụng các lò đốt rác thải cỡ nhỏ để giải quyết rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc sử dụng lò đốt rác thải cỡ nhỏ cũng chỉ là giải pháp tình thế, vừa qua, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nghệ An đã khuyến cáo cần hạn chế việc sử dụng lò đốt kiểu này trên địa bàn.

Lò đốt rác thải sinh hoạt cỡ nhỏ tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn mới hoạt động được vài năm nhưng nhiều người dân đã kêu ca vì hít phải khói.

Dân khổ vì hít khói lò đốt

Tại lò đốt rác thải sinh hoạt của xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn), trong khu vực lò, rác thải được tập kết ngổn ngang, phía sau, một khối lượng xỉ đốt lò được đổ thẳng ra bãi đất bên cạnh. Tại lò này, có 3 người vừa phân loại vừa đưa rác vào đốt. Nói là phân loại nhưng thực chất là nhặt nhạnh những thứ phế liệu, vật liệu xây dựng hoặc những thứ không thể cháy được mới bị loại ra ngoài. Còn đa số rác thải ở đây được đưa thẳng vào lò từng bao tải phó mặc cho ngọn lửa. Bước chân lại gần cửa lò, chúng tôi còn được người vận hành cảnh báo lùi xa lỡ không may có bình ga mi ni phát nổ.

Ông Đặng Trọng Thế, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Khánh Sơn cho biết, công nhân ở đây đốt lò cũng chỉ được hướng dẫn sơ qua chứ không được đào tạo qua trường lớp. Lượng khí thải cũng không ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với người dân ở xóm 3 xã Khánh Sơn, nơi cách lò đốt khoảng 400m theo đường chim bay thì nhiều người kêu ca, phàn nàn do thường hít phải khói của lò đốt này. Ông Hồ Đình Thắng ở xóm 3 than thở: “Những ngày nhiệt độ thấp, độ ẩm lớn đêm ngủ không được vì mùi khét lẹt. Nhất là vào mùa mưa, rác bị ướt khó cháy khói mù mịt, nhiều người đi làm đồng không chịu được phải bỏ ruộng về giữa chừng”.

Lò đốt rác xã Văn Thành, huyện Yên Thành có công suất 330kg/giờ, chi phí xây dựng 3,8 tỷ đồng, cách xóm 8 khoảng 300m. Hoạt động gần 1 năm nay, nhưng nhiều hộ dân quanh khu vực đã khốn khổ vì khói thải. Bà Nguyễn Thị Cúc ở xóm 8 bức xúc: “Lúc đầu, xã chọn xây ở xóm 3 là nơi có đồi núi nhưng người dân ở đó không cho nên chuyển về làm ở xóm 8. Từ khi hoạt động đến giờ, mùi khói nồng nặc, từ cao bay là là xuống thấp lại rất lâu tan nên người dân chúng tôi luôn phải hứng chịu”.

Tại xã Minh Thành (huyện Yên Thành ), lò đốt rác cỡ nhỏ của xã được xây dựng trên nền bãi tập kết rác thải trước đây. Thời điểm chúng tôi tới, lò không vận hành, rác chất đống, xung quanh không hàng rào che chắn. Lò cách khu dân cư của xã Minh Thành hơn 1km nhưng chỉ cách nhà dân xóm 3, xã Đại Thành (huyện Yên Thành) chỉ khoảng… 200m, đây là mối ẩn họa của nhiều người dân nơi đây. Anh Phạm Xuân Diện ở xóm 3, xã Đại Thành cho biết: “Mùi khói cay, hôi nồng nặc mỗi khi gió thốc vào nhà. Họ không những đốt trong lò mà còn đốt ngoài lò để cháy cho nhanh. Người dân không những hưởng khói của lò, mà còn “hưởng” cả mùi của nguồn nước rỉ từ bãi rác cũ”.

Hạn chế sử dụng lò đốt rác cỡ nhỏ

Vừa qua, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, việc xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt hiện nay có tình trạng ở một số địa phương đầu tư xây dựng các lò đốt ở quy mô cấp xã. Trong số đó, nhiều lò đốt không đáp ứng yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (QCVN 61-MT:2016/BTNMT) như: công suất còn nhỏ hơn 300kg/giờ, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu. Một số lò đốt mặc dù đáp ứng yêu cầu theo QCVN 61:2016/BTNMT nhưng khi áp dụng thì trình độ vận hành của các công nhân còn yếu kém, không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường… Việc này dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, không phù hợp với mục tiêu xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung.

Dù đặt ở giữa cánh đồng nhưng nhiều người dân ở xóm 8, xã Văn Thành, huyện Yên Thành vẫn khổ sở vì khói đốt từ lò bay vào làng theo chiều gió.

Trước bất cập này, từ năm 2015, Bộ TN&MT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương hạn chế việc đầu tư các lò đốt chất thải cấp thôn, xã. Năm 2016, Bộ TN&MT đã ban hành QCVN 61-MT:2016/BTNMT, theo đó, đến cuối năm 2016, các địa phương phải cải tạo nâng cấp các lò đốt chất thải rác sinh hoạt đảm bảo khí thải sau xử lý đạt quy chuẩn cho phép; trong lộ trình từ 1.5.2016 – 1.5.2019, phải đáp ứng toàn bộ các yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; các địa phương không được đầu tư mới các lò đốt cỡ nhỏ cấp xã dưới 300kg/giờ kể từ ngày 1.5.2016; xây dựng cơ sở xử lý chất thải tập trung liên xã, liên huyện với công nghệ tiên tiến, hạn chế chôn lấp.

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 4 xã đã xây dựng lò đốt rác cỡ nhỏ có công suất đốt từ 300kg đến 700kg/giờ và nhiều xã đang khảo sát để xây dựng. Ngày 27.12.2019, Sở TN&MT Nghệ An có công văn số 7525 đề nghị các huyện, thành phố, thị xã không đầu tư mới lò đốt rác thải rắn sinh hoạt công suất nhỏ hơn 300 kg/giờ theo quy định tại QCVN61-MT:2016/BTNMT. Trường hợp cần thiết đầu tư để xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương, đề nghị UBND các huyện, thành, thị nghiên cứu, lựa chọn công nghệ lò đốt đảm bảo yêu cầu của pháp luật và đề nghị lấy ý kiến của Sở TN&MT tỉnh đối với việc đầu tư mới lò đốt rác thải rắn sinh hoạt công suất trên 300kg/giờ trong quá trình lập dự án đầu tư. Các địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá việc đáp ứng các quy định kỹ thuật và yêu cầu bảo vệ môi trường tại QCVN61-MT:2016/BTNMT của các lò đốt chất thải rắn đang hoạt động trên địa bàn quản lý của mình báo cáo Sở TN&MT Nghệ An để có cơ sở cho việc quản lý theo quy định của pháp luật.

Ông Hồ Sỹ Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An nói, nhiều xã sử dụng lò đốt để giải quyết khó khăn trong xử lý rác thải ở vùng nông thôn. Để tìm một công nghệ mới có thể thay thế lò đốt cỡ nhỏ cũng chưa có. Về mặt cơ quan quản lý, Chi cục Bảo vệ môi trường cũng đã có văn bản tham mưu cho Sở TN&MT với quan điểm là không khuyến khích xây dựng thêm các lò đốt rác cỡ nhỏ tại các địa phương.

Bài, ảnh: Cao Sơn