Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nghị quyết số 13-NQ/TW: Xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, sinh thái, văn minh

Kiều Anh - 15:02 22/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh tại Hội trường Ban chấp hành Trung ương. Ảnh: Nguồn VOV

Tại điểm cầu Hội trường Ban Chấp hành Trung ương, tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị; Ban Bí thư; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy...

Điểm cầu tại Trụ sở Trung ương Hội NDVN, các đại biểu tham dự trực tuyến Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045  . Ảnh: Trần Quảng

Điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn, Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Các đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ cơ quan; các đồng chí trưởng, phó ban các ban, đơn vị T.Ư Hội; các đồng chí trưởng, phó ban các đoàn thể cơ quan (Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên).

Tại hội nghị, các đại biểu nghe đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20-1-2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2020; kế hoạch của Bộ Chính trị triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW.

“ Nghị quyết 13- NQ/TW xác định mục tiêu năm 2030, phải xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc dân tộc văn hóa sông nước. Là vùng trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng của Quốc gia, khu vực và thế giới. Tầm nhìn năm 2045 là vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội  đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, tương đối phù hợp với điều kiện tự nhiên đa dạng sinh học, văn hóa và con người của Nam bộ, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030, Nghị quyết số 13 đã đưa ra 3 nhóm mục tiêu chính, 4 chỉ tiêu cụ thể cho phát triển vùng…”, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hội Nghị đã nghe các báo cáo tham luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Đảng bộ thành phố Cần Thơ… về tiềm năng phát triển kinh tế- xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long. Các ý kiến đều cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long cần được đầu tư về hạ tầng cơ sở giao thông, do  nằm ở vị trí liền kề với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; phía Bắc giáp nước bạn Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là biển Đông nên có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước. Trên cơ sở đó cần tận dụng thế mạnh để phát triển kinh tế theo từng tiểu vùng…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Nguồn VOV

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tập trung phân tích, làm rõ, trả lời 3 câu hỏi: Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045? Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này là gì? Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lý giải, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới lần này là để tạo ra một bước đột phá mới trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của vùng trong giai đoạn mới. Đồng bằng sông Cửu Long thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn và tiềm năng, lợi thế to lớn cho phát triển cần được khai thác có hiệu quả hơn trên cơ sở xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về phát triển vùng, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của vùng và cả nước trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới lần này là để tiếp tục phát huy những kết quả thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và vượt qua khó khăn, thách thức mới đang đặt ra…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu ngay sau Hội nghị này, để Nghị quyết sớm được triển khai phải xây dựng kế hoạch hành động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm sát hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng. 

“Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng cần cụ thể hoá Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.