Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhà vườn ở TP.HCM giảm sản lượng để điều tiết giá hoa Tết

Vinh Quang - 16:03 03/11/2021 GMT+7
Hàng loạt nhà vườn tại TP.HCM chủ động giảm sản lượng hoa kiểng phục vụ dịp cao điểm Tết. Thu gọn sản xuất là cách các đầu mối cung ứng cắt lỗ, giữ giá để điều tiết thị trường khi sức mua dịp Tết năm 2021 dự báo sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19.

Thời điểm này ở các năm trước, người dân trồng hoa kiểng ở quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn, TP.Thủ Đức... tất bật xuống giống để chuẩn bị cho vụ thu hoạch Tết thì năm nay hàng loạt nhà vườn đã chủ động giảm sản lượng.

Nhiều nhà vườn chủ động giảm sản lượng xuống còn 30% so với cùng kỳ.

Bà Trần Thị Năm, chủ vườn hoa trên đường Lê Thị Riêng, quận 12 cho biết, do lo ngại hoa Tết không có đầu ra nên đã thu hẹp diện tích trồng hoa từ 10.000 m2 xuống 4.000 m2; dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 3.000 đến 4.000 chậu mào gà, vạn thọ, hướng dương.... Theo bà Năm, do giá vật tư, phân bón, giá nhân công tăng cao nên nhiều nhà vườn quyết định thu hẹp sản xuất, chấp nhận giảm thu nhập để hạn chế rủi ro.

"Lo dịch này kia bà con cũng sợ, nên chỉ trồng mỗi loại một ít bán cho mấy mối cũ, giờ mối thì trước Tết 15 ngày bạn hàng mới ghé lên. Bởi bây giờ dịch khó khăn, mà giá phân, tro tăng quá cao, trong đó khó khăn thì tro không có để trồng", bà Năm cho biết.

Nhà vườn Trần Thị Năm, quận 12 chỉ cung ứng khoảng 3.000 đến 4.000 chậu mào gà, vạn thọ, hướng dương... cho đợt hàng Tết 2022.

Tương tự như các vườn kiểng ở quận 12, nhiều nhà vườn trồng các loại cây kiểng có giá trị cao như: lan, mai... cũng hạn chế cho ra cành, kết bông vì lo ngại giao thông đi lại còn khó khăn, thương lái ép giá.

Bà Nguyễn Thị Bé, chủ vườn lan Minh Dũng thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM cho hay: Dịch bệnh kéo dài khiến nhu cầu hoa chơi Tết cũng sẽ giảm mạnh, song nhà vườn cũng chủ động duy trì sản xuất với khoảng gần 50% sản lượng so với mọi năm, phần còn lại vẫn bảo tồn. Thị trường năm nay tập trung chủ yếu cho địa bàn TP.HCM, còn thị trường các tỉnh miền Trung và phía Bắc sẽ điều tiết lại sản lượng.

"Đợt này phải chấp nhận, hết dịch bệnh bà con sẽ có kế hoạch khác. Hiện nay bà con cũng đừng làm cho thương lái dựa vào đó dìm thị trường hoa, mua rẻ hoa của bà con. Giá mà giảm thì sẽ khủng hoảng, nhiều nhà vườn thiệt hại lắm. Thật sự nếu nhà vườn có tầm nhìn thì chẳng thà bỏ, còn không muốn bỏ thì sản xuất ít thôi", bà Bé nói.

Nhà vườn duy trì sản xuất và chủ động kế hoạch giảm lượng hoa Tết còn khoảng gần 50% so với mọi năm.

Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông TP.HCM, do khó khăn về kinh tế, dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng nên nhu cầu tiêu thụ hoa Tết dự báo sẽ khó khăn. Ông Văn khuyến cáo, bà con nông dân không nên mở rộng sản xuất, cần duy trì ở mức phù hợp hoặc chủ động giảm sản lượng, nhất là chủng loại chậu kiểng có giá trị cao, để tránh tình trạng dư thừa dẫn đến thiệt hại cho nhà vườn.

"Tết ngoài chuyện người dân trưng bày trong nhà, thì còn nhu cầu phục vụ du lịch, nhà hàng khách sạn, khai trương sau Tết... lượng hàng tiêu thụ ở đối tượng này rất lớn. Tuy nhiên qua theo dõi, dự báo về tình hình dịch bệnh từ ngành Y tế cho thấy Tết này việc đi lại giao lưu sẽ còn hạn chế hơn cả năm rồi nữa nên dự báo việc tiêu thụ cũng sẽ khá chậm", ông Văn cho hay.

Theo khuyến cáo các nhà cung ứng Mai dịp Tết, cần cân đối sản lượng, kích cỡ và giá thành phù hợp.

Trên địa bàn TP.HCM có khoảng 2.000 vườn hoa kiểng, chủ yếu cung ứng nhóm lan, mai, nhóm hoa nền và nhóm bonsai. Với việc thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng cho thấy bà con đang có hướng đi phù hợp trong thời điểm khó khăn hiện nay./.
 

Theo VOV