Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ninh Bình: Nông dân chuyển đổi trồng thuốc lá sang loại cây khác

Minh Thu - 07:10 14/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi) Nhiều năm qua nhờ làm tốt công tác truyền thông mà nhận thức của bà con nông dân đã có nhiều thay đổi. Không chỉ giảm hút thuốc, nhiều nông dân trồng cây thuốc lá đã dần chuyển đổi sang cây trồng khác.
Mô hình trồng ngó khoai ngọt kết hợp với thả cá của nông dân xã Khánh Thịnh (huyện Yên Mô) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.N

Nông dân nói không với thuốc lá

Toàn tỉnh Ninh Bình có hơn 135 nghìn hội viên nông dân, trong đó đa phần là lao động làm nông - lâm nghiệp. Do đặc thù làm nông nghiệp, nhiều thời điểm nông nhàn nên những nam nông dân thường hút thuốc để giải khuây. Tuy nhiên thời gian gần đây tình trạng hút thuốc lá của nông dân đã giảm nhiều. Một phần được tuyên truyền, phần khác vì nhận thấy hậu quả tác hại của việc hút thuốc lá tới sức khỏe.

 Bà Trần Thị Thu Hương, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân (ND) tỉnh Ninh Bình cho biết, trong năm 2022 Hội ND tỉnh đã tổ chức 6 lớp tập huấn phòng chống tác hại thuốc lá cho hơn 1.000 hội viên nông dân và cán bộ Hội. Ngoài ra, Hội ND tỉnh cũng tổ chức một buổi mít tinh với sự tham gia của 300 cán bộ, hội viên hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống tác hại thuốc lá vào ngày 27/5 vừa qua.

 Bà Hương cho biết: “Sau nhiều đợt truyền thông, nhận thức của hội viên nông dân dần thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều nam nông dân đã từ bỏ thuốc lá, bản thân các nữ hội viên cũng vận động, thuyết phục nhiều nhằm giúp chồng, con, người thân từ bỏ thuốc lá”.

 Đặc biệt không chỉ bỏ hút, nhiều hội viên nông dân sản xuất, trồng cây thuốc lá cũng dần từ bỏ, chuyển đổi sản xuất cây trồng. Cụ thể như ở huyện Yên Mô, có hàng trăm nông dân đã từ bỏ cây thuốc lá, chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Hiện chỉ còn số ít nông dân ở Khánh Dương (Yên Mô, Ninh Bình) là còn trồng cây thuốc lá. Hội ND các cấp cũng đang truyền thông và hỗ trợ giúp các hộ này chuyển đổi sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Lâm (Khánh Dương) cho biết, trước đây nhà ông trồng 2 sào cây thuốc lá. Tuy nhiên, 3 năm nay thì đã bỏ hẳn, vì được cán bộ tư vấn nhận thấy tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người.

“Hiện nay toàn bộ diện tích đất trồng cây thuốc lá đã được gia đình tôi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cam, ổi. Kết quả thu nhập cao gấp đôi so với trồng cây thuốc lá”, ông Lâm nói.

Sau ông Lâm đã có hàng trăm nông dân ở Khánh Dương học tập, chuyển đổi cây trồng, nói không với cây thuốc lá. Từ việc không trồng, nhiều nam nông dân cũng từ bỏ cả hút thuốc lá, thuốc lào.

Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp Hội từ Trung ương tới địa phương.

Theo bà Hương, hàng năm Trung ương Hội có công văn chỉ đạo, tuyên truyền tác hại của thuốc lá, căn cứ công văn đó, tỉnh cũng chỉ đạo các cơ sở Hội tổ chức thực hiện. Năm nào có kinh phí tổ chức lớp tập huấn, chương trình truyền thông, còn không có kinh phí thì tổ chức truyền thông kết hợp...

 “Để hoạt động truyền thông được tốt hơn, thời gian tới chúng tôi kiến nghị địa phương quan tâm dành nhiều kinh phí hơn để hỗ trợ hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá”, bà Hương nói.

Nhận thức về tác hại thuốc lá còn hạn chế

Việc nâng cao ý thức của mỗi người trong phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) có vai trò quan trọng để có môi trường sống an toàn, lành mạnh. Tuy vậy không phải người dân nào cũng hiểu đúng tác hại của thuốc lá. Chính bởi vậy, tình trạng hút thuốc lá trong nhà dù có giảm đôi chút nhưng hút thuốc lá tại nơi công cộng thì vẫn còn cao.

 Chị Đinh Thị Dung (huyện Thanh Bình, TP. Ninh Bình) cho biết, hiện nay chị vẫn bắt gặp nhiều hình ảnh người dân hút thuốc lá nơi công cộng. Phần lớn những người xung quanh cũng coi đó là chuyện bình thường, người nào khó chịu thì tự tránh, nếu có phản ứng thì chỉ nhận được sự thờ ơ, không hài lòng của người hút thuốc. Trong nhiều gia đình, người cao tuổi, trẻ em, thậm chí phụ nữ mang thai cũng thường xuyên hít phải khói thuốc của người thân.

 “Tôi cho rằng cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bằng việc có chế tài xử phạt và với mức xử phạt cao như xử phạt nồng độ cồn khi lái xe thì sẽ hạn chế được người hút thuốc lá. Trong gia đình tôi và hàng xóm bên cạnh, vẫn còn nhiều người hút thuốc lá, rất khó chịu và nguy hiểm cho người cao tuổi, trẻ em, về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi người...”, chị Dung nói.

 Ông Phan Khắc Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Nhiều năm nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp cùng với nhiều đơn vị triển khai các biện pháp tư vấn tuyên truyền. Tuy nhiên nhận thức của một bộ phận người dân vẫn chưa thay đổi.

 Ông Lưu cho biết thêm, năm 2020 và 2021, Trung tâm đã tổ chức hàng chục buổi truyền thông trực tiếp thông qua hội thi, trao đổi, thảo luận... cho các đối tượng, trong đó tập trung cho đối tượng hội viên nông dân, người dân tại thôn, xóm, phố, học sinh, sinh viên… Sản xuất hàng trăm pano, hàng nghìn tờ rơi, tài liệu truyền thông, băng đĩa... có nội dung tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá; tài liệu hướng dẫn xây dựng cơ quan, đơn vị, khu dân cư không khói thuốc… được cấp phát, chuyển đến các thôn, xóm, phố trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Trung tâm cũng phối hợp với Hội ND tổ chức tuyên truyền, kết quả đạt tốt. 

Qua công tác tuyên truyền, vận động, việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại các cơ quan công sở, các khách sạn, nhà hàng và các cơ sở y tế, giáo dục... được thực hiện khá tốt và từng bước đi vào nề nếp. Hiện, 100% các cơ quan, đơn vị có treo biển cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc; 80% cơ quan có quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc trong quy chế nội bộ; không có hiện tượng quảng cáo và bày bán thuốc lá trong phạm vi cơ quan, công sở...

 Tuy nhiên, theo ông Phan Khắc Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bên cạnh những thuận lợi cũng còn những khó khăn nhất định. Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên công tác truyền thông chưa được triển khai thường xuyên. Một bộ phận người dân nhận thức chưa đúng, chưa có những hiểu biết cần thiết về tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật PCTHTL. Công tác tuyên truyền còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vẫn còn một bộ phận người dân trồng cây thuốc lá và sử dụng thuốc lá, thuốc lào...

 Cũng theo ông Phan Khắc Lưu thời gian tới, để duy trì bền vững những kết quả đã đạt được, Trung tâm tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mở rộng ra nhiều đối tượng trong xã hội, tạo thành ý thức trách nhiệm trong xã hội. Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và cộng đồng trong việc nâng cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.