Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hưng Yên: Xây dựng thế hệ "nông dân 4.0"

Hoàng Tính - 15:46 18/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thay cho hình ảnh quen thuộc của người nông dân là “con trâu đi trước cái cầy theo sau”, giờ đây nhưng người nông dân ở Hưng Yên đã áp dụng và làm chủ công nghệ 4.0, với chiếc điện thoại thông minh và những thao tác đơn giản đã có thể nắm bắt tình hình trang trại, cây trồng, vật nuôi, điểu khiển hệ thống tự động, tìm kiếm thị trường, kết nối bán hàng…

Nắm bắt được tình hình ở mọi lúc, mọi nơi

Với niềm đam mê nông nghiệp, sau nhiều năm bôn ba làm ăn xa quê, năm 2013 anh Nguyễn Văn Chiến ở xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đã trở về quê để lập nghiệp. Với 10 mẫu ruộng anh Chiến đã thiết kế thành mô hình VAC, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất giờ đây trang trại đang cho anh Chiến thu nhập khá.

Nhà màng với hệ tưới tự động bằng công nghệ số của anh Trịnh Ngọc Tiệp

Anh Chiến chia sẻ: Xác định chăn nuôi lợn là mũi nhọn vì vậy khi thiết kế chuồng nuôi tôi đã học hỏi những kinh nghiệm của các mô hình đi trước, chủ động áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, giờ đây với chiếc điện thoại thông minh, dù ở bất kỳ thời điểm nào, nơi nào tôi cũng có thể nắm bắt được tình hình của trang trại và điều chỉnh được hệ thống thông gió, hệ thống sưởi ấm, quạt làm mát, cho ăn tự động... vì vậy việc nuôi lợn “đã nhàn” hơn rất nhiều.

Việc áp dụng công nghệ thông tin còn giúp anh Chiến có thể kiểm tra được thông tin của từng con lợn, đàn lợn trong quá trình chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh… Hiện nay trang trại nuôi lợn của anh Chiến đang có 100 con lợn lái và 1.000 con lợn thịt, mỗi năm xuất bán khoảng 2.000 con lợn thịt đem về thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng.

Cũng như anh Chiến, anh Trịnh Ngọc Tiệp ở xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động đã áp dụng công nghệ thông tin vào trồng nhãn và hoa công nghệ cao, mô hình đã tạo công ăn việc làm cho 30 lao động ở địa phương và mang lại thu nhập cho anh Tiệp từ 2-3 tỷ đồng mỗi năm.

Anh Tiệp cho biết: Sản xuất hoa trong khu nhà màng, tôi đã chủ động áp dụng, đầu tư công nghệ hiện đại với hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động, phân bón được hòa lẫn vào nước nên chủ động được chế độ dinh dưỡng. Ngoài ra trong nhà màng có máy đo nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây… tất cả những thông tin của nhà vườn đều được cập nhật chỉ với chiếc điện thoại thông minh, từ đó công việc của tôi đã rất thuận lợi dù ở bất kỳ nơi đâu.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Không chỉ dừng lại ở việc quản lý phát triển sản xuất, việc áp dụng công nghệ thông tin còn được thực hiện hiệu quả trong quá trình tiếp thị, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trang Facebook, Zalo…

Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử giải pháp tích cực để tiêu thụ nông sản Hưng Yên

Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Phố Hiến ở xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên với diện tích trồng nhãn hơn 20ha sản lượng khoảng 200 tấn nhãn tươi, ngoài ra từ những thế mạnh của địa phương Hợp tác xã còn xây dựng được các sản phẩm long nhãn sấy khô, hạt sen, mật ong. Để góp phần tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên trong Hợp tác xã, Ban Giám đốc Hợp tác xã đã áp dụng nhiều cách làm từ bán hàng truyền thống đến chủ động phương án tiêu thụ sản phẩm trên những nền tảng công nghệ thông tin.

Chị Bùi Thị Thu Hường - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Phố Hiến cho biết: Với sự hỗ trợ của tỉnh Hưng Yên, các Sở ngành, địa phương trong thời gian vừa qua, Hợp tác xã chúng tôi đã thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh; đặc biệt là trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, đến nay 80% sản lượng hàng hóa của Hợp tác xã được tiêu thụ qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook và các sàn thương mại điện tử.

Việc áp dụng công nghệ thông tin đã giúp cho đội ngũ phụ trách bán hàng của Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Phố Hiến được thuận lợi hơn rất nhiều, giờ đây chỉ cần có chiếc điện thoại kết nối mạng là ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào cũng có thể tương tác, trả lời thông tin được với khách hàng... Từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các thành viên của Hợp tác xã trong nhiều năm qua; hiện nay Hợp tác xã có 27 thành viên, mỗi gia đình cũng có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm.

Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Hưng Yên, để góp phần đẩy mạnh công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại, Sở Công thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh hoạt động giao dịch và kinh doanh bằng các phương tiện điện tử. Hàng năm, Sở đã triển khai ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, người nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và truy xuất nguồn gốc, qua đó giúp giữ vững thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ các cơ sở quản lý được hàng hoá và bảo vệ sản phẩm của mình không bị làm giả, làm nhái, mạo danh thương hiệu...

Từ đó các hợp tác xã, nhà vườn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng đã tích cực tham gia các chương trình hội nghị, tập huấn, phố biến kiến thức về thương mại điện tử, nắm được các quy định của pháp luật về thương mại điện tử, các kỹ năng thực hành, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Để việc ứng dụng, áp dụng công nghệ thông tin được thuận lợi, điều quan trọng đó chính là hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng đã được đầu tư hoàn chỉnh, theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên hiện này các doanh nghiệp viễn thông, internet lớn đóng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (Viettel, VNPT, Mobiphone, FPT…) đã xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin rộng khắp với tổng số 1.403 vị trí cột thu phát sóng, các nhà mạng di động đã phủ sóng di động 2G/3G/4G đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Các doanh nghiệp cũng chủ động thường xuyên nâng cấp các thiết bị phát sóng di động, nâng cấp mạng lưới cáp quang để tăng dung lượng đường truyền nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu triển khai các ứng dụng số trên không gian mạng của người dân và doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng với sự năng động của những người nông dân cùng sự hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng tỉnh Hưng Yên, giờ đây người nông dân 4.0 Hưng Yên đang ngày càng vững tin vào cuộc sống mới và sẵn sàng đáp ứng tốt nhất những điều kiện để cùng nông dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Những nông dân 4.0 ở thành phố mang tên Bác
(Tapchinongthonmoi.vn) - Để gặt hái được thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, những tỷ phú nông dân ở TP Hồ Chí Minh (HCM) nỗ lực không ngừng, đưa thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0) - áp dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.