Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân ven sông Lam đánh thức tiềm năng “vốn tự nhiên” từ con rươi

Đức Cảnh - 14:17 21/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với lợi thế đất trồng lúa nằm ven sông, ngoài duy trì diện tích sản xuất, những năm gần đây người dân xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã thí điểm mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi” mang lại hiệu quả kinh tế “siêu lợi nhuận”.

Sau những lần thí điểm, mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi” của xã viên HTX Xuân Lam ở xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bước đầu khẳng định hiệu quả kinh tế. Nhận thấy những ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng và con nước không phải nơi nào cũng có, các xã viên của HTX Xuân Lam đang tiếp tục mở rộng diện tích để khai thác lợi thế từ nguồn “vốn tự nhiên” này.

Mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi ở xã Xuân Lam

Được biết, con rươi (trong dân gian gọi là rồng đất) là loài nhuyễn thể thuộc họ rươi, khu vực sinh sống thường ở môi trường nước lợ. Nhìn bên ngoài, con rươi nhìn khá giống với giun đất, đầu có 1 thùy nhỏ ở trước miệng, trên miệng có 2 mắt màu đen. Rươi dùng để chế biến thực phẩm, chứa nhiều dinh dưỡng và có giá trị cao trên thị trường hiện nay.

Trước đây, người dân có đất ruộng ven sông Lam thuộc xã Xuân Lam chỉ thu hoạch rươi tự nhiên. Do đó, phụ thuộc nhiều vào con nước thuỷ triều để tận dụng nguồn ấu trùng rươi từ sông vào. Mặt khác, quá trình sản xuất lúa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng đã tác động rất lớn đến chất lượng, khả năng sinh trưởng và phát triển của rươi nên chưa khai thác được tiềm năng này.

Hiệu quả từ con rươi hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân nơi đây vốn chỉ đọc canh cây lúa 

Ông Bùi Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Xuân Lam, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, chia sẻ: “Với việc tìm hiểu, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm nuôi rươi từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, năm 2022, HTX Xuân Lam đã hướng dẫn xã viên tích tụ ruộng manh mún thành thửa lớn, cải tạo sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để xoá bỏ việc dùng hoá chất. Nhờ môi trường được đảm bảo, ấu trùng rươi tự nhiên khi vào ruộng sinh trưởng và phát triển tốt, tạo ra nguồn thu nhập siêu lợi nhuận trên đơn vị diện tích nhờ tăng sản lượng…”.

 Ông Lê Đăng Phúc (bên phải), Phó Chủ tịch Liên Minh HTX Hà Tĩnh trao đổi với người dân khi tìm hiểu mô hình.

Bên cạnh chủ động nguồn nước tưới tiêu sản xuất lúa, hiện cánh đồng thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi của xã viên HTX Xuân Lam được đầu tư hệ thống mương dẫn nước bài bản. Được biết, công trình góp phần giảm phụ thuộc vào nước thuỷ triều lên xuống giúp thuận tiện sản xuất, “mở đường” cho ấu trùng rươi vào ruộng bằng sự điều tiết chủ động.

Theo chia sẻ, rươi có tập tính sống dưới bùn và chỉ xuất hiện vào những thời kỳ nhất định trong năm, bởi vì chịu ảnh hưởng của thủy triều, thời tiết, tuần trăng, nhiệt độ, độ mặn và nhiều yếu tố sinh thái khác. Vì vậy, vào khoảng tháng ba, các ấu trùng rươi tự nhiên theo nguồn nước thuỷ triều vào đồng ruộng để sinh trưởng, phát triển. Sau hơn năm tháng, vào "tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng năm" (ngày 20/9 và 5/10 âm lịch), rươi phát triển đều con, to, thịt chắc là khoảng thời gian thu hoạch lý tưởng nhất.

Con rươi sinh trưởng và phát triển trong môi trường nước lợ, rất nhạy cảm với hoá chất.

Triển khai mô hình thử nghiệm trên diện tích 10ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi của xã viên, đại diện HTX Xuân Lam cho biết: Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho doanh thu cao gấp ba lần so với sản xuất thông thường; nguồn thu từ rươi trên diện tích một sào ruộng ước đạt sản lượng khoảng 1 tạ rươi (giá bán hiện nay khoảng 40 triệu đồng).

Ông Bùi Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Xuân Lam chia sẻ mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi sẽ là hướng đi mới, hiệu quả

Chứng kiến người dân thu nhập khá từ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh phấn khởi cho biết, địa phương đang có chủ trương mở rộng diện tích. Hiện tại, người dân đang khai thác tự nhiên ở vùng ven bãi sông Lam trên địa bàn xã. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng và tăng năng suất khai thác, sắp tới sẽ hướng người dân chuyển sang phương pháp nuôi rươi bán tự nhiên”

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Hà Tĩnh khảo sát mô hình nuôi rươi ở Xuân Lam

“Đó là sử dụng nguồn giống nhân tạo nuôi thả trong môi trường tự nhiên, ngoài nguồn thức ăn có sẵn trong môi trường sống, người nuôi vẫn bổ sung thêm thức ăn cho rươi sinh trưởng và phát triển”, ông Sơn giải thích.

Ông Lê Đăng Phúc, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Tĩnh khẳng định, phát triển nuôi rươi kết hợp sản xuất lúa hữu cơ mà xã viên HTX Xuân Lam triển khai là một hướng đi mới, phù hợp, với ưu điểm ít rủi ro, đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Mặt khác, góp phần bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần tăng nguồn vốn tự nhiên cho tăng trưởng xanh ven sông Lam.