Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Tĩnh: Một nông dân thu tiền tỷ từ mô hình nuôi chồn vòi mốc

Đức Cảnh - 16:50 09/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - So với nhiều vật nuôi khác, nuôi chồn vòi mốc chi phí đầu tư thấp, song bán giá cao, không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm. Nhận thấy những điều này, anh Lê Văn Bình, ở thôn Hợp Phát, xã Đức Giang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã lựa chọn mô hình này để phát triển kinh tế và mang lại hiệu quả.

Với nhiều năm bươn chải, làm nhiều nghề khác nhau nhưng thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Năm 2021, được người thân ở thành phố Hải Phòng tư vấn, hướng dẫn nuôi chồn vòi mốc, anh Lê Văn Bình, ở thôn Hợp Phát, xã Đức Giang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn đăng ký với cơ quan chức năng để được phép nuôi.

Anh Lê Văn Bình, chia sẽ: “Sau khi tìm hiểu, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong việc tìm kiếm, tiêu thụ các sản phẩm từ con nuôi đặc sản. Và, được cơ quan chức năng cấp phép nên vợ chồng đi vay mượn hơn 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng chuồng trại rộng trên 300 m2 và mua 50 cặp chồn giống để nuôi”.

Anh Lê Văn Bình chia sẽ kinh nghiệm nuôi chồn vòi mốc

Theo anh Bình, ban đầu nuôi giống này gặp khá nhiều khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhờ có sự giúp đỡ từ người thân và học hỏi qua mạng internet, sách báo về kỹ thuật nuôi nên đàn chồn ngày càng sinh sôi, phát triển nhanh về số lượng.

Quan sát tại khu vực nuôi chồn, chủ hộ thiết kế dạng lồng sắt cao khoảng 1 - 2m, rộng từ 1 - 1,2m, tùy vào số lượng cá thể nuôi và được chia thành các ô riêng biệt. Mặt khác, lồng sắt được bố trí trên giá đỡ cách nền từ 0,5m để chuồng được thông thoáng, tránh ẩm thấp và tiện vệ sinh chuồng trại.

Hơn hai năm theo sát loài vật nuôi đặc sản này, anh Bình rút ra được nhiều kinh nghiệm. Trong đó, điều quan trọng nhất trong nuôi chồn là hệ thống chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng, mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông, đặc biệt khu vực nuôi sạch sẽ. Người nuôi phải am hiểu đặc tính của loài, biết được cá tính của từng con để có cách chăm sóc phù hợp, tránh để chồn bị nhiễm bệnh. Thức ăn của chồn vòi mốc chủ yếu là chuối chín và cám hữu cơ. Ngoài ra, người nuôi cần bổ sung thêm thịt gà để tăng hàm lượng dinh dưỡng. Mỗi ngày, chồn được cho ăn hai lần vào buổi sáng và tối, thức ăn chỉ tốn khoảng 2.000 đến 3.000 đồng/con/ngày.

Chồn vòi mốc chi phí đầu tư không lớn, bán giá cao, đầu ra ổn định

Được biết, một con chồn mẹ có thời gian mang thai 50 đến 60 ngày, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 - 6 con. Thời điểm này, chồn giống 8 tháng tuổi có giá trung bình từ 20 - 25 triệu đồng/cặp; đối với chồn nuôi lấy thịt thì khi nuôi khoảng 9 - 12 tháng, trọng lượng từ 4- 6 kg và có thể bán với giá hơn 1,8 triệu đồng/kg.

Trong năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay anh Bình đã xuất bán được 65 cặp chồn giống, thu về hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài việc phát triển kinh tế cho gia đình, anh Binh luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con đến mua con giống.

Nuôi chồn vòi mốc, hướng đi mới của người dân xã Đức Giang.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, chi phí nuôi chồn vòi móc khá thấp, trong khi giá bán lại cao và không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc nên người nuôi sớm thu hồi vốn. Hiện, nhu cầu thị trường về chồn giống và chồn thương phẩm trên cả nước khá lớn, luôn trong tình trạng khan hiếm hàng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay, anh Bình đã mở rộng diện tích nuôi lên gần 1.000 m2, quy mô 600 con chồn giống nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Vy - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Giang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Chồn vòi mốc là loài dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, rất phù hợp để chăn nuôi hộ gia đình, nên mô hình nuôi chồn của gia đình anh Lê Văn Bình đã có nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Xã Đức Giang cũng đang vận động nhân dân từng bước nuôi thử nghiệm khi có điều kiện, nhằm góp phần nâng cao thu nhập”.

Anh Lê Văn Bình tiếp tục mở rộng quy mô chuồng nuôi chồn.

Để đáp ứng nguồn cung cho thị trường, anh Bình đã lên kế hoạch phát triển chuỗi liên kết nuôi chồn vòi mốc bằng việc cung ứng con giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi. Mô hình nuôi chồn vòi mốc đang mở ra hướng đi mới để người dân xã Đức Giang chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tăng thu nhập, góp phần tích cực vào nỗ lực giảm nghèo bền vững ở địa phương./.

Hà Tĩnh: Hội Nông dân “thổi luồng gió mới” vào chương trình xây dựng nông thôn mới
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với cách làm linh hoạt, sáng tạo và tổ chức các hoạt động thiết thực, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đang tạo ra “luồng gió mới” trên hành trình đưa Hà Tĩnh cán đích tỉnh Nông thôn mới.