Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ở đâu có hành, ở đó cần có… phân bón Văn Điển

14:10 30/05/2019 GMT+7

Trên mạng một thời có lưu hành câu nói vui: “Ở đâu có hành, ở đó có nước mắt” (ý vui là hành làm cay mắt). Còn với những nông dân trồng hành các tỉnh phía Bắc, câu nói này phù hợp hơn với họ “Ở đâu có hành, ở đó cần có phân bón Văn Điển”.

Thu hoạch hành tím tại xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu. Ảnh minh họa: Nhật Hồ.

Ví von vui vậy, nhưng không hề ngoa ngôn khi nói rằng phân bón đa yếu tố (ĐYT) NPK Văn Điển cực kỳ phù hợp cho cây hành, bởi nó cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng đa lượng (NPK), và trung, vi lượng rất cần thiết cho cây hành mà nhiều loại phân bón thông thường không có được.

“Đủ món” cho cây trong một nhãn hàng

Việc trồng hành tím lấy củ trong nhiều năm nay đã mang lại thu nhập khá cao cho nông dân nhiều nơi trên cả ba miền của đất nước. Cây hành đã và đang trở thành cây mang lại thu nhập quan trọng cho nông dân các xã Thụy Tân, Thụy Xuân, Thụy Dũng  (Thái Thụy, Thái Bình), xã Hiệp Hòa, Thăng Long (Kim Môn, Hải Dương) và nhiều vùng khác. Hành vốn ưa khí hậu lạnh, sinh trưởng tốt trong khoảng nhiệt độ từ 16-20 độ C. Nhiệt độ thấp thì làm củ tốt, năng suất cao; nhưng  nếu gió Đông nhiều, trời ấm thì củ bé mà lá nhiều, cây nhanh hỏng lá nhất là khi sương mù, ẩm độ không khí cao. Do vậy Miền Bắc nên trồng hành vụ đông khi thời tiết bắt đầu hơi se lạnh, biên độ nhiệt ngày – đêm lớn.

Rễ hành thuộc bộ rễ chùm, phát triển nhiều đợt, song rễ yếu, chỉ phát triển trên lớp đất thoáng khí và nhiều mùn, đủ dinh dưỡng. Các giống hành có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất có pH 6-7, nhưng thích hợp nhất là đất phù sa, thoát nước tốt, đất pha cát, nhất là đất được luân canh với cây lúa nước.

Việc bón phân là tạo điều kiện cho hành đẻ vừa phải, củ to, chắc củ, chất lượng tốt. Do vậy phải đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây hành.

Đạm:  giúp quá trình sinh trưởng thân, lá, ra nhánh, to củ.  Song nếu tưới nhiều ure, hành sẽ vóng lá nhiều, củ nhỏ, chất lượng kém và dễ nhiễm sâu bệnh.

Lân: Giúp phát triển bộ rễ và nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh.

Kali: Kali có tác dụng làm tăng năng suất, tăng khối lượng và kích thước củ hành, tăng độ rắn chắc của tép hành, tăng hàm lượng đường, tăng axit amin  làm tăng độ cay của củ hành.

Canxi: Giúp thành mạch tế bào vững chắc, duy trì sự cân bằng anion và cation trong tế bào nên có khă năng chống độc cho cây trồng.s

Lưu huỳnh (S)cấu tạo nên các chất Protein, là thành phần cơ bản của các chất dầu thơm trong củ hành.

Magie: Cấu tạo nhân tế bào diệp lục, tham gia các men xúc tiến các quá trình trao đổi và vận chuyển chất hữu cơ trong cây, giúp cây trồng hấp thụ các loại dinh dưỡng cân đối hơn, tạo ra chất lượng và hương vị hành củ tốt hơn.  

Silic:giúp cây hành hút cân đối các chất dinh dưỡng,giúp cây bền rễ, chịu khô hạn và chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

Như vậy, cùng với các chất đa lượng NPK, các chất canxi (vôi), magie, lưu huỳnh, silic cùng các chất vi lượng kẽm, Bo, Coban, Mangan…rất thiết yếu cho cây hành. Nếu bón phân hóa học, bón không cân đối (nhiều nơi bón quá nhiều phân lân và đạm) thiếu phân hữu cơ, nhất là thiếu nhiều khoáng chất trung, vi lượng cần thiết, dẫn tới năng suất hành không cao, sâu bệnh nhiều mà chất lượng củ thấp.

Cách bón phân NPK Văn Điển cho cây hành  

Để việc bón phân cho cây hành đạt hiệu quả cao, kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình khuyến cáo bà con nông dân về liều lượng, thời gian và cách thức bón như sau:

Bón lót: Phân chuồng hoai muc khoảng 5- 6 tạ/sào và  25 – 30kg NPK loại 5:12:3, 10:7:3. 8:8:4 +TE… Nếu thiếu phân chuồng mục thì phải bón thêm tro bếp và tăng ĐYT NPK của Văn Điển.

Phân bón đa yếu tố NPK 13:3:13+TE của Văn Điển, dùng bón rất tốt cho cây hành. Ảnh tư liệu.

– Đất được cày bừa kĩ, lên luống cao 25-30cm, rộng 1-1,2m. Sau khi lên luống sơ bộ, rải đều phân chuồng và phân đa yếu tố NPK lên mặt luống  rồi đảo đều vào lớp đất nông mặt luống; sau đó san phẳng rồi trồng hành.

– Không nên bỏ phân thành từng mô nhỏ rồi cắm củ hành trực tiếp trong mô phân, vừa gây thất thoát phân khi thời tiết bất lợi (mưa, nắng), vừa có nguy cơ lớn gây thối rễ, thối củ hành, nhất là bệnh vi khuẩn héo xanh thời kỳ hành mới nhú vượt khỏi mặt rạ.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc: Tốt nhất nên tưới ẩm luống trước khi trồng hành; trồng xong, phun thuốc trừ cỏ rồi phủ rạ rơm kín mặt luống.

Lưu ý, rơm rạ ẩm ướt hoặc chưa hoai mục, đặc biệt  rạ trên những ruộng lúa bị nhiễm  bệnh khô vằn, bạc lá… có vô số hạch nấm và sợi nấm của nhiều loài nấm gây hại cây trồng như nấm thối gốc mốc trắng, nấm lở cổ rễ… Đây là nguồn nấm bệnh chủ yếu có thể  lây nhiễm sang phá hại cây hành. Do vậy cần xử lý triệt để nguồn nấm bệnh trước khi phủ luống hành.

– Rễ hành ăn nông và rất cần đủ ẩm, nhất là giai đoạn sau trồng. Từ sau khi cây mọc cần duy trì độ ẩm đất khoảng 70-80%; nếu đất quá ẩm thì rễ hành phát triển kém và tạo điều kiện cho nấm bệnh, vi khuẩn xâm hại nhiều hơn. Do vậy, khi gió Bắc hanh khô, cần tưới nước nhiều, khi gió Đông ẩm thì không nên tưới đẫm để hạn chế bệnh hại.

Bón thúc: Để có nhiều củ hành to và chất lượng cao có thể dùng 1-2 loại phân thúc sau:

– Dùng phân ĐYT NPK 12:5:10, 13:3:10, 12:12:17, 13:3:13+TE của Văn Điển. Đây là các loại phân khá dễ tan, chỉ cần ngâm nước 20-30 phút thì có thể hòa loãng tưới bình thường.  Tùy điều kiện thâm canh và mức sinh trưởng của cây hành mà hòa khoảng 15-20kg NPK bón thúc tưới cho 1 sào; chia 3-4 lần như sau:

Lần đầu: Khi cây hành bật khỏi mặt rạ khoảng 10cm -12cm (15-20 ngày sau trồng).Tưới thúc khoảng 4-5kg  phân thúc.

Lần 2: Sau lần 1 khoảng 15-20 ngày. Tưới thúc khoảng 7-8kg phân thúc.

Lần 3 khi hành bắt đầu xuống củ (sau trồng 50-55 ngày), tưới thúc khoảng 4-5kg NPK , kết hợp tỉa hành (nếu cần).

Sau bón phân lần 3 khoảng 7-10 ngày, nếu nhiệt độ cao có thể rắc thêm tro bếp và hạn chế tưới nước vừa giúp hành nhanh xuống củ, vừa tránh cây sinh trưởng trở lại.

Bà con cần lưu ý 4 điểm sau:

-Tưới thúc lần 1, 2 cho hành bằng phân bón ĐYT NPK 12:5:10, 13:3:10;

– Tưới thúc lần 3 khi hành xuống củ nên dùng ĐYT NPK 13:3:13 +TE hoặc ĐYT NPK 12:12:17, vì 2 sản phẩm này chứa nhiều Kaly Synphát rất cần thiết cho quá trình  hình thành và tích lũy các chất hương vị trong củ hành.

– Trong quá trình chăm sóc hành, không nên tưới trực tiếp dinh dưỡng vào khóm hành sẽ dễ làm cho cây nhiễm bệnh nấm, vi khuẩn… Tốt nhất, nên tưới phân vào giữa các hàng.

– Tuyệt đối không nên té nước lên thân, lá, dọc hành, nhất là khi trời tắt nắng. Cần tưới theo phương pháp tưới ngấm để bảo đảm cây hành ít có nguy cơ bị nấm bệnh xâm hại.

 Trọng Hòa – Nam Phong