Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát động thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao

Vân Nguyễn - 15:20 12/12/2023 GMT+7
Ngày 12/12, tại tỉnh Hậu Giang, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức phát động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đề ra mục tiêu hình thành 1 triệu hecta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị được triển khai tại 12 tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trừ Bến Tre).

Giai đoạn 2024 - 2025, Đề án tập trung củng cố 180.000ha lúa từ Dự án (VnSAT). Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha; giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Lễ phát động. Ảnh: ĐVCC

Phát biểu tại Lễ phát động, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước xác định là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; trong đó, sản xuất lúa gạo là ngành sản xuất trọng điểm, không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm quốc tế. Việt Nam là một trong số các nước sản xuất lúa gạo và xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết.

Hiện nay, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Đó là chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải; phải nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất.

Áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Các đại biểu tham dự Lễ phát động. Ảnh: ĐVCC

Đề án sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như: Chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả, tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo, đồng thời khai thác đa giá trị, tạo nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Các thí điểm thành công tại Đồng bằng sông Cửu Long  sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chính là từng nấc thang đưa người trồng lúa đến với sự thịnh vượng. Từ những chính sách mới và đột phát đó, đề án hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người nông dân trồng lúa - là chủ thể, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ: Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của Việt Nam, việc triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” sẽ thúc đẩy nền sản xuất lúa gạo. Để phát triển ngành lúa gạo, phải đạt được nhiều chỉ tiêu, yếu tố mang lại lợi ích cho nền kinh tế đất nước, mang lại thu nhập cho nông dân.

Đề án sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông dân, nền nông nghiệp Việt Nam; việc ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kinh mà còn tăng năng suất, sản lượng, giảm chi phí đầu vào và tổng thể mang lại lợi nhuận tăng 30% cho nông dân, do đó, ngành nông nghiệp đạt được đồng thời nhiều mục tiêu: tốt cho môi trường, cải thiện đời sống nông dân, đảm bảo an ninh lương thực.

WB cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN&PTNT trong quá trình triển khai thực hiện đề án. Hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng nhận được kết quả của giảm phát thải từ dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT); hỗ trợ các cơ chế để Việt Nam có thể tham gia thị trường cacbon tự nguyện để sử dụng nguồn tài chính bền vững tiếp tục đầu tư cho các hoạt động phát triển và hỗ trợ sinh kế cho người dân.