Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khẩn trương phổ biến phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy trên bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng

Long Minh (thực hiện) - 11:15 16/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Số liệu báo cáo của tỉnh Lâm Đồng cho thấy việc sử dụng kịp thời, có hiệu quả pháp đồ điều trị tình hình dịch bệnh trên đàn bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng bước đầu đã được kiểm soát tốt, số bò bị bệnh và số bò chết đã giảm mạnh. Số lượng bò sữa bị bệnh tiêu chảy đã được điều trị, phục hồi tốt.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, căn cứ triệu chứng lâm sàng, mổ khám kiểm tra bệnh tích, kết quả xét nghiệm và giải trình tự gene, Cục Thú y bước đầu kết luận nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vaccine NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO. Gọi là bước đầu vì hiện nay các phòng thí nghiệm đang nuôi cấy phân lập virus, giải trình tự gene và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm tham chiếu của Tổ chức Thú y Thế giới để xác định chính xác.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời phỏng vấn của phóng viên.

Liên quan đến dịch tiêu chảy trên đàn bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng sau khi tiêm vắc xin viêm da nổi cục, trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, cơ quan chuyên môn của tỉnh Lâm Đồng đã có phác đồ điều trị bước đầu khống chế bệnh tiêu chảy trên bò sữa.

Phóng viên: Sau khi kiểm tra tại vùng dịch, đề nghị Thứ trưởng cho biết về diễn biến dịch trên đàn bò sữa hiện nay ở tỉnh Lâm Đồng ra sao?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Lâm Đồng có 2 huyện nuôi bò sữa với số lượng của cả nước, hơn 25 nghìn con. Đàn bò sữa tiêm vắc xin viêm da nổi cục là gần 9 nghìn con, và số bò bị bệnh sau khi tiêm khoảng 4.900 con, số lượng bò chết tính đến hôm nay là 291 con. Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với tỉnh Lâm Đồng và chỉ đạo Cục Thú y và Sở Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng rà soát thực tiễn để có phác đồ điều trị sát với thực tiễn, hiệu quả.

Bộ đã điều động Cục Thú y gồm: Thú y Vùng 6, Trung tâm chẩn đoán và các đơn vị chuyên môn vào Lâm Đồng tập trung lấy mẫu xét nghiệm giải trình tự gen. Đồng thời với các thành lập các nhóm kỹ thuật phối hợp cùng tỉnh Lâm Đồng tập trung toàn bộ nhân lực, phân công đến từng huyện, đến từng đàn bò của từng hộ.

Cùng với vật tư của tỉnh còn có vật tư của Cục Thú y, của các doanh nghiệp trên địa bàn như: TH True milk, Vinamilk hỗ trợ và các vùng lân cận dồn vào để hỗ trợ chống dịch. Về tổ chức thực hiện, tỉnh Lâm Đồng đã phân công chi tiết cụ thể cho từng đối tượng và cho từng hộ. Ngày mùng 8/8 đã chỉ đạo Cục Thú y và Sở Nông nghiệp Lâm Đồng triển khai, đồng thời rà soát thực tiễn để có phác đồ điều trị sát với thực tiễn, hiệu quả hơn.

Phóng viên: Vậy phác đồ điều trị để khống chế dịch bệnh trên đàn bò sữa hiện nay như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phác đồ điều trị về tổng thể là an toàn sinh học trong phòng chống dịch bệnh vì độc lực của vi rút, đường lây chuyền của vi rút rất phức tạp, do vậy an toàn sinh học phải là giải pháp đầu tiên.

Thứ hai là phân loại các đàn bò, con nào triệu chứng nhẹ, con nào đã nhiễm bệnh, con nào mắc bệnh nặng thì giải quyết như phác đồ điều trị đã thống nhất, xử lý truyền dịch thế nào, giải quyết thuốc uống thế nào, cho dùng kháng sinh, thuốc bổ trợ như thế, liều lượng hướng dẫn thế nào và liệu trình điều trị phải làm rất chặt chẽ,

Thứ ba là về việc xử lý xác bò chết không đúng quy trình, không đúng địa điểm sẽ ảnh hưởng nguồn nước ngầm ảnh hưởng lây truyền trong môi trường, do vậy Bộ đã phối hợp với các đơn vị chỉ đạo thống nhất rất cao về xử lý về xác bò chết đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường. Trước mắt tập trung toàn lực để chống dịch; huy động toàn bộ vật tư hóa chất thuốc, sau khi tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị thống kê về nhu cầu tại cơ sở có bao nhiêu, còn bao nhiêu là công ty Navetco phải cung cấp.

Khi phân tích nguyên nhân đánh giá, tôi khẳng định phải hết sức khách quan mà phải làm rõ trách nhiệm của các bên để chúng ta xử lý làm sao để bà con chăn nuôi yên tâm và cũng có sự chia sẻ nhất định. Chúng ta đã biết, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra là hỗ trợ chứ không phải đền bù. Còn trường hợp nào phải đền bù, trường hợp nào phải hỗ trợ sẽ xác định rõ trách nhiệm của các bên và tôi khẳng định, Bộ sẽ chỉ đạo triệt để việc này khi xác định rõ được nguyên nhân.

Chăn nuôi bò sữa đem lại thu nhập ổn định cho người dân Đơn Dương (Lâm Đồng).

Phóng viên: Để tránh dịch tiêu tiếp tục lây lan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý thế nào đối với địa phương, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Bệnh tiêu chảy trên gia súc đã xuất hiện ở nước ta nhiều năm, các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung đều tiêm phòng. Tuy nhiên ở bên ngoài ảnh hưởng của bệnh cũng chưa lớn, đặc biệt vùng lân cận.

Bộ đã chỉ đạo các vùng lân cận, vùng giáp ranh, vùng lõi phải giải quyết an toàn sinh học một cách chặt chẽ. Tiếp nữa là khi xử lý trong điều kiện thực tiễn, ví dụ như trong đàn bò có có những cá thể đang mang thai thì không tiêm, hiện chưa thấy xuất hiện những cá thể bò mang thai không tiêm nào bị bệnh cả, như vậy phải nói lây truyền hiện nay ở mức nhất định chứ không bùng phát như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, dịch tai xanh trên gia súc, không có gì đáng lo ngại.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Bộ NN&PTNT báo cáo vụ bò sữa chết bất thường sau tiêm vaccine ở Lâm Đồng
Cục Thú y bước đầu kết luận nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa tỉnh Lâm Đồng là do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vaccine NAVET-LPVAC của Công ty NAVETCO.