Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)

Quan điểm của Đảng về vai trò của giai cấp Nông dân trong cách mạng Việt Nam và những yêu cầu mới đối với Hội Nông dân hiện nay

(Tapchinongthonmoi.vn) - Giai cấp Nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo trong xã hội, có vai trò to lớn trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Đặc biệt từ năm 1930 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp Nông dân Việt Nam đã cùng với giai cấp Công nhân và các tầng lớp xã hội khác của dân tộc đoàn kết thống nhất, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ thành công, bảo vệ vững chắc nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, đồng thời giành được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông - Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở tháng 7.1960. Ảnh tư liệu 

1. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng chỉ rõ: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” (1). Về chính trị, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra Chính phủ công nông binh và tổ chức ra quân đội công nông (2). Về kinh tế, thủ tiêu hết các thứ quốc trái, các sản nghiệp lớn của Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lí, đồng thời thu hết ruộng đất của đế quốc để chia cho dân cày nghèo, xóa bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo, mở mang công nghiệp và nông nghiệp (3). Để thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng này, Đảng chỉ rõ phải phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng liên minh chặt chẽ giữa với giai cấp Công nhân với giai cấp Nông dân, do Đảng của giai cấp Công nhân lãnh đạo. Cương lĩnh của Đảng nêu rõ: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bộ địa chủ phong kiến” (4); “Đảng tập hợp đa số quần chúng nông dân, chuẩn bị cách mạng thổ địa và lật đổ bọn địa chủ và phong kiến. Đảng giải phóng công nhân và nông dân thoát khỏi ách tư bản” (5); “Không bao giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp Công nhân và Nông dân cho một giai cấp nào khác” (6); Đảng “không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp, trong khi tuyên truyền” (7). 
Trong Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Đảng Cộng sản An Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta” (8). Đồng thời, Người tiếp tục nhấn mạnh trong cuộc cách giải phóng dân tộc này sẽ thực hiện: “Quốc hữu hoá toàn bộ đồn điền và đất đai của bọn đế quốc và địa chủ phản cách mạng An Nam chia cho nông dân nghèo” (9). 

Nông dân Quảng Bình chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh Văn An

Với những quan điểm nêu trên có thể thấy rằng, ngay từ khi ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên công sản chủ nghĩa, giai cấp Nông dân cùng với giai cấp Công nhân Việt Nam là lực lượng chủ yếu, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng, Đảng phải thu phục được đại đa số giai cấp Nông dân cả nước tham gia.
Những quan điểm lí luận nêu trên tiếp tục được Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương khẳng định tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 10 – 1930. Luận cương chính trị của Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là làm cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong đó: “Tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng” (10). Luận cương chỉ rõ “Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chánh” (11). Nhiệm vụ cốt yếu của cuộc cách mạng này là: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ; Lập chánh phủ công nông; Tịch ký hết thảy ruộng đất của bọn địa chủ ngoại quốc, bổn xứ và các giáo hội; giao ruộng đất ấy cho trung và bần nông, quyền sở hữu ruộng đất về chánh phủ công nông;… (12). Luận cương nhấn mạnh: “Vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp có đứng đầu và cùng với quần chúng dân cày mà tranh đấu để binh vực quyền lợi hằng ngày cho dân cày, và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để, thì mới có thể giành quyền lãnh đạo cho dân cày được. Đồng minh của giai cấp vô sản là bọn trung và bần nông” (13).
Về mối quan hệ giữa giai cấp Công nhân và Nông dân trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, Luận cương chỉ rõ: “Muốn lập công nông chuyên chánh thì vô sản giai cấp phải lãnh đạo cho đại đa số quần chúng lao khổ, nhứt là dân cày” (14). 
Đối với giai cấp Nông dân, Luận cương xác định: Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở Đông Dương (hơn 90 phần 100 (90%)), họ là một động lực mạnh cho cách mạng tư sản dân quyền (15). 
Về phong trào đấu tranh của nông dân đang phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng cần “Phải khoách trương phong trào tranh đấu rộng thêm lên; đồng thời phải phá cái xu hướng bạo động càn. Phải chỉnh đốn Nông hội lại cho có hệ thống theo điều lệ mới và dự bị việc tổ chức Đông Dương Tổng Nông hội. Phải tổ chức đội tự vệ của nông dân” (16).
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, ra một án nghị quyết riêng “Nông dân vận động”. Nghị quyết phân tích tình hình đấu tranh của giai cấp Nông dân và chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm trong công tác vận động nông dân của Đảng, đồng thời đề ra nhiệm vụ công tác nông vận, trong đó nhấn mạnh vai trò của tổ chức Nông hội cần tập trung vào các nội dung sau: 
Một là, Nông hội là tổ chức của nông dân để tranh đấu cho đến khi cách mạng ruộng đất thắng lợi, do vậy Nông hội cần phải đẩy mạnh công tác cổ động tuyên truyền hằng ngày trong nông dân về sự áp bức của chế độ thực dân, phong kiến làm cho đại đa số nông dân nhanh chóng giác ngộ quyền lợi và biết phải tranh đấu chống chủ nghĩa, quan làng và đế quốc;  phải làm cho các khẩu hiệu đấu tranh về ruộng đất lan sâu rộng trong quần chúng nông dân… Để thực hiện công tác tuyên truyền cần phải có tờ báo của nông hội: “Phải có báo chương của Nông hội để tuyên truyền và phải hết sức làm cho hội viên Nông hội viết vào” (17).
Hai là, về tổ chức Nông hội, cần tập trung xây dựng và củng cố Nông hội làng “căn bản tổ chức của Nông hội là làng”. Bộ máy tổ chức Nông hội theo tổ chức bộ máy hành chính của chế độ thực dân, phong kiến: “Tổ chức phải theo khu vực cai trị: Tổng Nông hội, huyện Tổng nông hội, tỉnh Tổng Nông hội, xứ Tổng Nông hội, Đông Dương Tổng Nông hội”. 
Nông hội cần phải thu hút đông đảo các thành phần nông dân vào Nông hội, đặc biệt là bần nông và trung nông: “Bần và trung nông phải hết sức bao khoát vào nền tổ chức của Nông hội”. Đối với phú nông thì hạn chế và không cho vào Nông hội: “phú nông là một hạng dân cày, tuy là trong lúc đầu cách mạng vận động chống thuế, chống sưu, chống những sự áp bức nhũng nhiễu của bọn quan lại thân hào thì cũng có thể đi với các hạng bần, trung nông, song hễ cách mạng sâu rộng ra bao nhiêu thì chúng nó dần dần trở lại mà phản tranh đấu và theo phe phản động. Ngay từ lúc đầu phải giữ đừng cho nó ảnh hưởng đến nông dân bần, trung, cho nên Nông hội phải hết sức giữ gìn đừng cho phú nông lọt vào” (18).
Ba là, đẩy mạnh phát triển đội tự vệ của nông dân ở các làng quê, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của nông dân: “Tổ chức và khoách trương đội tự vệ của nông dân rất quan trọng và cần thiết cho cuộc tranh đấu ở nhà quê. Nông hội phải hết sức cổ động tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng dân cày ý nghĩa đội tự vệ làm cho dân cày hăng hái tham gia và khoách trương tổ chức” (19).
Bốn là, Nông hội cần quan hệ mật thiết với công hội và chịu sự lãnh đạo của Đảng: “Nông hội phải phát sinh liên lạc mật thiết với công hội. Đối với Đảng thì Nông hội chịu chính trị chỉ huy, nhưng tổ chức của Đảng và hội phải có phân tách rõ ràng. Đảng bộ muốn đem ý kiến gì thi hành trong Nông hội thì phải do Đảng đoàn; mà Đảng đoàn phải dùng cách giải thích, đề nghị mà làm chứ không được dùng cách mệnh lịnh, phải hết sức chỉ huy làm cho quần chúng nông dân tín nhiệm Đảng và ủng hộ Đảng” (20).
Năm là, về lãnh đạo đấu tranh, sách lược chung về nông dân vận động hiện nay thâu phục quảng đại quần chúng bần và trung nông, mở rộng tổ chức, khoách trương tranh đấu cho sâu, rộng, đều ra, thêm sức lãnh đạo của vô sản giai cấp trong nông dân, chớ không phải là chủ trương địa phương bạo động (bạo động nghĩa là tổ chức dấy loạn cướp chính quyền). Phải căn cứ vào tổng sách lược đó mà lãnh đạo nông dân tranh đấu. Muốn cho quần chúng dân cày nổi lên rung động giai cấp thống trị địa chủ, quan làng, thì phải hiệu triệu cho thực hành các cách thị oai chống thuế, chống địa tô, phản đối mệnh lịnh quan làng... liên kết sự tranh đấu kinh tế với sự tranh đấu chính trị, nhân mọi cơ hội tranh đấu truyền bá cho sâu rộng những khẩu hiệu cách mạng thổ địa và kích thích tổ chức nông dân tự vệ đội. Tổ chức biểu tình thị oai tranh đấu thì cần phải hết sức cổ động tuyên truyền cho mạnh, làm cho càng ngày càng đông quần chúng tham gia, có thể tổ chức được những cuộc đấu tranh đông quần chúng mà lại chủ trương làm nho nhỏ thì rất sai lầm. Đối phó với khủng bố thì phải chú trọng về việc tổ chức các cuộc tranh đấu cho có kế hoạch, trật tự, mở rộng và luyện tập đội tự vệ nông dân, chớ không phải là bớt tranh đấu đi hoặc làm cho những cuộc vận động bớt hăng hái kịch liệt. Phải làm cho dân cày nhận thức lực lượng của mình và tự động. Phải giải thích cho nông dân hiểu rằng những sự hành động cá nhân và những xu hướng như ám sát là có hại cho công cuộc lớn của họ, hại đến sự tiến bộ giác ngộ và sự hành động có tổ chức của họ, đồng thời làm cho họ hiểu phải lấy những sự hành động quần chúng, lấy lực lượng tổ chức mà chống lại khủng bố thì mới có hiệu quả. Lãnh đạo cho nông dân tức là phải xét rõ tình hình mỗi nơi mà tổ chức những cuộc quần chúng hành động. Phải nhân những cuộc tranh đấu mở rộng ảnh hưởng của Nông hội, của Đảng, hết sức tổ chức quần chúng vào hội cho đông, làm sao cho Nông hội đâu đâu cũng rõ có tính chất quần chúng.
Sáu là, những yêu cầu lãnh đạo nông dân tranh đấu: a) Về chính trị: Tự do tổ chức, hội hiệp, ngôn luận, bỏ canh tuần; phản đối: Khủng bố trắng, hội đồng cải cách, hội đồng quản hạt, cách lừa dối để chở dân đi các đồn điền và hoang đảo. b) Về kinh tế: Giảm thuế , bỏ thuế thân, bớt địa tô, chống địa tô, bỏ sưu dịch công ích. Công nhân nông nghiệp đòi tăng tiền lương, bớt giờ làm, đòi bảo hiểm, ngày nghỉ (Tết và các ngày kỷ niệm cách mạng) có lương.
Cũng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930, Đảng ban hành: Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương; Điều lệ Nông hội làng; Điều lệ Ban Chấp hành Nông hội xã bộ. Những Điều lệ này xác định rõ mục đích; những quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, hội viên cách thức và nội dung hoạt động của tổ chức Nông hội. Trong đó, Điều lệ Nông hội làng nêu rõ mục đích là đoàn kết hết thảy bần và trung nông trong làng, liên hiệp với nông dân các chỗ khác và vô sản giai cấp để tranh đấu chống hết thảy mọi sự áp bức, bóc lột nông dân, binh vực quyền lợi hằng ngày cho nông dân và thực hành thổ địa cách mạng để thâu ruộng đất về cho bần nông và trung nông. 
Về hội viên: Hết thảy bần và trung nông trong làng, bất kỳ đàn ông, đàn bà, hoặc già, hoặc trẻ, bất kỳ nòi nước nào, tôn giáo nào và tư tưởng chánh trị nào, hễ không đứng về phe địa chủ, quan làng thừa nhận Điều lệ hội, tình nguyện gia nhập hội và nạp hội phí đều được vào hội (21).
Như vậy có thể thấy rằng, ngay trong năm 1930 – năm đầu tiên Đảng ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn của dân tộc Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Trong cuộc cách mạng đó, giai cấp Nông dân phải liên minh chặt chẽ với giai cấp Công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng để bảo đảm thắng lợi. 

Nông dân sử dụng máy hái chè ở Thái Nguyên. Ảnh minh hoạ
Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, đầu năm 1930 chưa nêu vấn đề về tổ chức của giai cấp Nông dân đến Luận cương chính trị của Đảng và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, Đảng đã chỉ rõ yêu cầu phải thành lập tổ chức Nông hội với bộ máy tổ chức chặt chẽ từ cơ sở (làng) đến trung ương (Tổng Nông hội Đông Dương) để tập hợp đông đảo, rộng rãi giai cấp Nông dân tham gia đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng lãnh đạo.
Những chủ trương đúng đắn của Đảng đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng của dân tộc Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong quá trình đó, giai cấp Nông dân Việt Nam là lực lượng to lớn, tích cực tham gia, tạo nên những phong trào cách mạng rộng lớn và liên tục, góp phần vô cùng quan trọng vào những thắng lợi chung của toàn dân tộc. 
Về tổ chức Nông hội của giai cấp Nông dân đã được thực hiện theo quy định của Điều lệ do Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành. Tuy nhiên, do thực dân Pháp khủng bố, đánh phá ác liệt các tổ chức cách mạng nên Tổng Nông hội Đông Dương không được thành lập nhưng Nông hội đã được thành lập ở hầu hết các làng xã trong cả nước. Tại nhiều địa phương đã thành lập được bộ máy Nông hội đến cấp tỉnh ngay trong cao trào cách mạng 1930-1931. 


2. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Nông hội - Hội Nông dân thực sự là tổ chức chính trị của giai cấp Nông dân, đã tập hợp đông đảo hội viên tham gia các phong trào cách mạng và thi đua yêu nước, góp phần vào những thắng lợi và thành tựu của đất nước từ năm 1930 đến nay.
Trong công cuộc đổi mới thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và phong trào nông dân Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao cuộc sống của nông dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Hội Nông dân các cấp tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, hướng về cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; củng cố, phát triển tổ chức Hội; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nông dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng giai cấp Nông dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 
Trước yêu cầu nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, ngày 20/12/2023, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW “về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”. Nghị quyết xác định mục tiêu nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. 

Đóng gói bưởi da xanh ở Bến Tre. Ảnh minh hoạ
Từ mục tiêu tổng quát nêu trên, Bộ Chính trị đề ra 7 nhiệm vụ giải pháp:

Một là, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân;

Hai là, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;

Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh;

Dạy nghề cho nông dân Kiên Giang. Ảnh Trung Chánh

Bốn là, động viên nông dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động;

Năm là, phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh;

Sáu là, chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân;

Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng với Hội Nông dân.
Những chủ trương trên của Bộ Chính trị là cơ sở, điều kiện quan trọng để Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.


Chú giải: 
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tâp, Nxb CTQG, H, 2002, Tập 2, tr. 2, 2, 3, 4, 6, 6, 4, 16, 16, 93, 94, 95, 97-98, 100, 97, 115, 154, 155, 155, 156, 161.