Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sản xuất lúa bền vững gắn với giảm phát thải khí nhà kính

Hoàng Tính - 07:21 09/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, sản xuất nông nghiệp hiện là một nhân tố lớn góp phần vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đây là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2020 (khoảng 48% lượng khí thải của ngành Nông nghiệp và hơn 75% lượng khí metan phát ra từ lúa gạo).

Tỉnh Thái Bình là địa phương có diện tích gieo cấy lúa hàng năm lớn (khoảng 155.000ha/năm). Chính vì vậy tỉnh đã có nhiều chương trình, giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất trồng lúa.
Tiên phong giảm phát thải khí nhà kính
Diện tích trồng lúa hàng năm của tỉnh Thái Bình lớn vào khoảng 155.000ha vì vậy việc sản xuất lúa để giảm phát thải khí nhà kính là xu thế luôn được chính quyền, ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm. Thực tế, trong thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng suất, giảm phát thải khí nhà kính như: Gieo thẳng, điều tiết nước nông lộ, cấy thưa, bón phân cân đối…).
 Đặc biệt, Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults” (Dự án AVERP) xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác lúa và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 5 năm (2016 - 2021) tỉnh Thái Bình triển khai Dự án AVERP, đây được coi là hướng đi mới và phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh và một giải pháp đồng bộ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) là doanh nghiệp tích cực thực hiện Dự án AVERP và được trao giải nhất với các giải pháp công nghệ sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Từ nhiều năm qua, ThaiBinh Seed đã tạo dựng và phát triển được mối liên kết, hợp tác bền chặt trong sản xuất lúa giống với nhiều Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của giải pháp công nghệ do đơn vị thực hiện; trong quá trình sản xuất lúa, ThaiBinh Seed đã thường xuyên sát sao với các HTX, hộ gia đình sản xuất để nắm bắt tâm tư, hỗ trợ kỹ thuật, đồng hành cùng bà con tháo gỡ khó khăn.
 Triển khai Dự án AVERP, ThaiBinh Seed đã tích cực thực hiện 4 vụ, bám sát 4 tiêu chí chấm điểm: Giảm khí thải (20% tổng điểm), tăng năng suất (20% tổng điểm), số hộ sử dụng công nghệ (40% tổng điểm), sử dụng lặp lại công nghệ (20% tổng điểm). Theo đó, tại các điểm thực hiện dự án của ThaiBinh Seed đều gắn với các điểm sản xuất lúa giống của Công ty; các hộ tham gia đã được hỗ trợ 50% chi phí vật tư (phân bón, chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch) đồng thời ThaiBinh Seed thu mua lại toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá gấp 1,3 lần giá thị trường, từ đó giúp nông dân nâng cao thu nhập, có thêm động lực tích cực tham gia dự án.

Thành viên HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Định (huyện Kiến Xương, Thái Bình) thu hoạch lúa.
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, gói quy trình công nghệ sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính của ThaiBinh Seed theo Dự án AVERP đã nhận được giải nhất với nhiều ưu điểm như: giảm phát thải khí nhà kính CO2 từ 5,13 - 54,38%; năng suất lúa tăng so với đối chứng từ 11,98 - 93,66%, số hộ nông dân hiểu quy trình công nghệ đạt từ 63,2 - 81,1%. Ngoài ra triển khai Dự án AVERP, đã có 52 xã với 54 HTX của 8 huyện, thành phố trong tỉnh Thái Bình tích cực triển khai với diện tích lúa được áp dụng 2.356,65ha (năm 2020). Hiệu quả của Dự án AVERP đã mang lại ở Thái Bình đó chính là năng suất lúa trung bình đã tăng 26% và phát thải khí nhà kính giảm 12,5% so với phương pháp canh tác truyền thống.
Tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa bền vững
Từ Dự án AVERP, đến nay ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã và đang hình thành các mô hình áp dụng khoa học - công nghệ, quy trình kỹ thuật canh tác tiết kiệm nhiên liệu vận hành máy nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Trong đó có mô hình canh tác lúa SRI điển hình ở các huyện: Đông Hưng, Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương và Thái Thụy. Áp dụng kỹ thuật canh tác SRI, cấy hàng rộng, hàng hẹp, tạo điều kiện cho lúa có khả năng quang hợp cao nhất, cây lúa khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt... hay mô hình sử dụng chế phẩm Sumitri, Azotobacter để xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Ông Trần Thanh Sơn - Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Định (xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) cho biết: Áp dụng quy trình công nghệ sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính không quá phức tạp, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, các thành viên HTX chúng tôi đã nhanh chóng triển khai và áp dụng. Từ 23ha diện tích những năm đầu triển khai, đến nay chúng tôi đã nhân rộng lên 30ha và giá trị thu mua thóc khô đối với lúa giống đã cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với lúa thường.
Cũng như ở Bình Định, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cũng tích cực sản xuất lúa theo giảm phát thải khí nhà kính, hiện nay trong sản xuất lúa, các thành viên HTX đã tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, gốc rạ trên đồng ruộng và lượng phân chuồng lớn có sẵn tại địa phương để xử lý, ủ hoai mục, trong quá trình canh tác lúa đã thay thế sử dụng cho phân bón hóa học NPK.
Ông Đỗ Đức Thiện - Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường cho hay: Từ khi áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính các sản phẩm gạo hữu cơ của HTX đã bán được giá tăng tới 200% so với sản xuất thông thường. Chất lượng gạo được khách hàng đánh giá là thơm ngon hơn nhiều so với các loại gạo sử dụng cùng một loại giống trên thị trường.
Có thể thấy rằng việc canh tác sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính tại các địa phương, HTX trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế - xã hội và môi trường, đặc biệt là năng suất và lợi nhuận đều tăng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần tích cực vận động người dân áp dụng quy trình sản xuất bền vững này đi đôi với liên kết mở rộng đầu ra theo chuỗi giá trị.