Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sẽ khởi tố hình sự một số lò mổ lậu làm lây lan Dịch tả lợn châu Phi

21:00 26/05/2019 GMT+7
Tỉnh Đồng Nai đang củng cố hồ sơ để khởi tố các lò mổ lậu vừa bị phát hiện giết mổ lợn nhiễm Dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, các vụ việc vứt xác lợn bệnh xuống sông, suối tại nhiều địa phương cũng sẽ bị điều tra để xử lý hình sự.

Tỉnh Đồng Nai đang củng cố hồ sơ để khởi tố các lò mổ lậu vừa bị phát hiện giết mổ lợn nhiễm Dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, các vụ việc vứt xác lợn bệnh xuống sông, suối tại nhiều địa phương cũng sẽ bị điều tra để xử lý hình sự.

Các lò mổ lậu là một trong những nguyên nhân làm lây lan Dịch tả lợn châu Phi

Ngày 25/5, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi các tỉnh phía Nam.

Nguy cơ lây lan ra toàn vùng

Ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, sau khi xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 1/2, tính đến ngày 24/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.904 xã, 265 huyện của 42 tỉnh, thành phố.

Tổng đàn lợn bị bệnh buộc phải tiêu huỷ là trên 1,7 triệu con, chiếm hơn 5% tổng đàn lợn cả nước. Trong đó, khu vực Đông và Tây Nam bộ có 29 xã của 16 huyện thuộc 8 tỉnh đã xuất hiện dịch, đến nay đã tiêu huỷ 4.840 con, chiếm 0,08% tổng đàn lợn trong khu vực.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh hiện gặp nhiều bất cập do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng lợn xen lẫn trong khu dân cư vẫn phổ biến, mật độ chăn nuôi cao, gây khó khăn lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiện số cơ sở chăn nuôi đạt an toàn dịch bệnh còn thấp so với tổng số trang trại trong khu vực (chỉ chiếm 13%) và so với tổng đàn lợn trong khu vực (18,5%).

Hầu hết các chủ hộ chăn nuôi bị bệnh Dịch tả lợn châu Phi thuộc vùng Đông và Tây Nam bộ vừa qua chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh.

Các hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn có bệnh, nghi mắc bệnh không thực hiện khai báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở để xác minh dịch bệnh mà tự ý điều trị, vứt xác lợn ra ngoài môi trường, thậm chí còn bán rẻ cho các lò mổ lậu.

Trong thời gian tới, nguy cơ Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan tại các tỉnh, thành phố khu vực Đông và Tây Nam bộ là rất cao.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, thời tiết phía Nam đang bước vào mùa mưa, cộng với địa hình nhiều sông ngòi, kênh rạch là điều kiện rất lý tưởng cho virut bệnh tả lợn châu Phi lây lan. Hơn thế nữa, con đường lây lan của loại bệnh này rất phức tạp, có thể lây qua các loại côn trùng, chim, chuột… Do đó nếu không khống chế tốt thì khả năng toàn bộ các địa phương con lại cũng sẽ nhiễm dịch, ngay cả những hộ chăn nuôi lớn.

Vì vậy, ông Cường đề nghị các địa phương tổng rà soát lại kịch bản ứng phó với dịch để hoàn thiện một cách tích cực nhất.

Cụ thể, ông Cường nhấn mạnh, hiện chưa có thuốc phòng và chữa bệnh tả lợn châu Phi, do đó, an toàn sinh học là biện pháp phòng tốt nhất hiện nay. Các địa phương cần xử lý môi trường tổng thể, an toàn sinh học cho tất cả cơ sở nuôi, từ hộ nhỏ đến hộ lớn.

“Đây là bài học nhãn tiền đã được rút ra, vừa rồi ở đâu làm tốt thì rõ ràng khống chế được bệnh. Kể cả các tỉnh phía Bắc, những nơi làm triệt để tốt thì hạn chế được bệnh, một là không nhiễm dịch, hai là có nhiễm cũng thì lây lan rất chậm và không phát triển ở những khu vực trọng yếu” – ông Cường phát biểu.

Đặc biệt, ông Cường khuyến các các hộ chăn nuôi tuyệt đối không tái đàn trong giai đoạn hiện nay. Chỉ khi nào tình hình dịch ổn định, đủ điều kiện, cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ thông báo chủ trường cho tái đàn trở lại.

“Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với các địa phương bàn về giải pháp để đảm bảo sinh kế cho người chăn nuôi. Theo đó, có thể chuyển sang đối tượng chăn nuôi khác, vì virut tả lợn châu Phí có thể tồn tại trong môi trường trong thời gian rất dài. Nếu tái đàn có thể sẽ gây thiệt hại kinh tế cho chính hộ chăn nuôi của mình cũng như toàn xã hội, đồng thời góp phần cho virut này tồn tại một cách dai dẳng” – ông Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng kêu gọi các cơ sở có điều kiện giết mổ tập trung, chế biến tốt tăng cường dự trữ nhằm chuẩn bị cho tình huống thiếu thịt lợn trong thời gian tới.

Hình sự hoá hành vi giết mổ lậu

Tại hội nghị, các ý kiến đều bảy tỏ lo ngại về công tác kiểm soát hoạt động giết mổ, tình trạng giết mổ lậu vẫn còn tồn tại. Có cơ sở giết mổ lậu thu gom lợn bệnh với giá chỉ từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg đưa vào các quán ăn tiêu thụ, làm lây lan dịch bệnh. Điển hình như tại tỉnh Đồng Nai, một trong những ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại địa phương này cũng là do giết mổ lậu.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, hiện Đồng Nai đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ giết mổ lợn chết có nhiễm Dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng Công an vào cuộc để nghiêm trị các điểm giết mổ lậu trên địa bàn.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, thời gian tới sẽ điều tra và xử lý hình sự đối với tình trạng vứt xác lợn chết xuống sông, suối tại một số địa phương.

Ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú Y:

Virut tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh). Virut này cũng có khả năng chịu được nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút, 70 độ C trong 20 và 100 độ C trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5-11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.

Nguyễn Hiền