Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 07:24 28/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau đã tổ chức hội nghị thúc đẩy số hóa ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo báo cáo, năm 2024, Sở NN&PTNT hoàn thành 7/7 nhiệm vụ chuyển đổi số, tập trung về chính quyền số; hoàn thành 2/2 nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh giao.

Trong đó, hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, 100% cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ được trang bị máy tính làm việc, các phòng, đơn vị trực thuộc đều có mạng nội bộ LAN và kết nối Internet. Các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung từng bước được triển khai: Trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, sử dụng hộp thư điện tử… nhiều phần mềm chuyên ngành được các phòng, các đơn vị đưa vào sử dụng đã nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, các phần mềm GIS quản lý rừng, hệ thống quản lý và giám sát hành trình tàu cá S-Tracking, phần mềm nông nghiệp Cà Mau, hệ thống một cửa và dịch vụ công trực tuyến…đã bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Sở NN& PTNT tỉnh Cà Mau hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số. Ảnh: ĐVCC

Tại hội nghị, các đơn vị tư vấn đã giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành NN&PTNT trong công tác quản lý, điều hành cũng như các ứng dụng hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân. Trong đó, giải pháp công nghệ viễn thám GIS trong việc xây dựng, giám sát, quản lý vùng nuôi, trồng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý chuỗi liên kết ngành hàng nông, lâm, thủy sản; giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa ngành nông nghiệp; công nghệ 3D, AI và thực tế ảo vào quảng bá, xúc tiến đầu tư ngành NN&PTNT.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau nhận định quá trình chuyển đổi số ngành NN&PTNT còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ với công nghệ mới; kết cấu hạ tầng nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; doanh nghiệp và người dân chưa tích cực tham gia vào các phần mềm quản lý chuyên ngành Nông nghiệp, dữ liệu đầu vào của một số phần mềm chưa được cập nhật kịp thời.

Qua đó, mong muốn cơ quan chức năng, tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đề xuất các chính sách, giải pháp giúp người dân dễ dàng tiếp cận với công nghệ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo vào hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành. Tiếp tục duy trì, cập nhật, làm mới các phần mềm, dữ liệu ngành một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đảm bảo tiêu chí đúng, đủ, sạch, sống. 

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch thực hiện khuyến nông địa phương năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch thực hiện khuyến nông địa phương năm 2025 trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai thông tin tuyên truyền; tư vấn đào tạo, tập huấn, hội nghị. Tổ chức nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin - chuyển đổi số.

Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn liên kết tiêu thụ sản phẩm ở các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi thú y. Mua sắm dụng cụ đo môi trường, thiết bị hỗ trợ công tác nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả và bảo trì thiết bị. Quản lý, kiểm tra, giám sát nhiệm vụ hoạt động khuyến nông.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với thực tế sản xuất, điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.

Cà Mau: Chuyển đổi số đã về tới từng khóm, ấp
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trải qua gần 3 năm triển khai thực hiện chuyển đổi số (CÐS), tỉnh Cà Mau đã gặt hái được những thành tựu nhất định trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, CĐS tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cung ứng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, bứt phá, tăng trưởng trên các ngành, lĩnh vực của tỉnh.