
Từ ngày có Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, cuộc sống người dân thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) đảo lộn hoàn toàn khi môi trường biển, môi trường đất và không khí bị ô nhiễm khiến cá chết, cây chết…
Mạch ngầm làm chết cây
Bãi đổ xỉ than thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân nằm sát bờ biển, bụi bị gió cuốn lên không trung nhuộm nền trời thành màu vàng đục. Ngồi ở hiên nhà, anh Phạm Văn Tuấn chỉ còn biết thở dài, đi tới, đi lui. Những tháng giáp Tết vài năm trước anh Tuấn làm tối mắt tối mũi. Hết trồng dưa hấu đến tưới cây trôm. Nhưng nay, vẫn diện tích đó mà anh chỉ biết ngồi bó gối trước hiên nhà nhìn cây trồng chết trụi.
Anh Tuấn bắt đầu trồng 1,5ha trôm cách đây gần 4 năm. Theo dự tính thì đầu năm 2017, anh Tuấn sẽ khai thác lứa mủ trôm đầu tiên. Nhưng một năm nay, cây trôm bắt đầu rụng lá và tóp lại. “Sắp thu hoạch thì cây trôm bắt đầu chậm phát triển. Lúc đầu chỉ là vài cây ở gần đường, đến nay, toàn bộ diện tích đã bị rụng lá và chết. Tôi kiểm tra thì phát hiện nước dưới đất rất nhiều. Hơn 20 năm sống ở đây, tôi chưa khi nào thấy hiện tượng lạ đến vậy”, anh Tuấn cho biết.

Anh Tuấn cầm cây cuốc dẫn chúng tôi ra vị trí xa nhất của vườn trôm. Trên suốt đoạn đường đi, chúng tôi có cảm giác như nền đất rất mềm. Mỗi bước đi qua đều để lại dấu chân khá rõ. Anh Tuấn chỉ cuốc nhè nhẹ nhưng nước từ trong lòng đất đã chảy ra khá nhiều. Anh Tuấn là một trong những hộ trồng trôm khá muộn nên vườn được đầu tư khá bài bản có hệ thống tưới, tiêu nước hoàn thiện.
“Vào mùa mưa, nước chỉ đọng trong vườn một đến hai tiếng đồng hồ là chảy hết. Vì đó là nước trên mặt. Còn nước ngầm, chảy ra từ lòng đất như thế này thì tôi chịu thua. Bởi càng đào sâu thì nước dồn về càng nhiều” – anh Tuấn buồn bã cho biết.
Bị ngập nước mấy tháng nay nên toàn bộ vườn trôm đã bị rụng hết lá. Chỉ một số ít cây đang ra lá non. “Mấy cây đó là mấy cây phát triển tốt nhất trong vườn. Nó còn ra lá được vì cây trôm có cấu tạo khá đặc biệt. Phần gốc cây phình to ra như củ sắn để chứa nước ở bên trong. Những tháng không có mưa cây trôm dùng nước ở phần gốc để duy trì sự sinh trưởng và phát triển. Nhìn cây ra lá vậy đó chứ phần gốc đã bị thối hết rồi” – vừa nói anh Tuấn vừa dùng tay nhổ một cây trôm đang ra lá lên. Phần gốc cây bị bao phủ bởi một lớp bùn nên nhìn không khác những cây bình thường nhưng khi lột lớp vỏ phía ngoài thì mùi chua chua giống như mùi củ mì lên men bay ra.
“Để cả năm không tưới nước, cây trôm vẫn sống. Nhưng chỉ cần ngâm nước liên tục vài ngày thì cây trôm sẽ bị thối rễ chết ngay. Mùi chua chua này là do phần rễ bị thối. Với tình trạng như hiện nay thì gần 1,5ha trôm của gia đình coi như mất trắng”, anh Tuấn buồn bã nói.
Đầu tư 1,5ha cây trôm với vợ chồng anh Tuấn là động lực thoát nghèo nên gia đình anh dùng hết tiền tiết kiệm và phải mượn của người thân hơn 100 triệu đồng. Trồng cây đến ngày thu hoạch thì cây chết trụi…
Không chỉ hộ anh Tuấn mà hàng chục hộ dân khác ở khu vực gần bãi xỉ cũng có tình trạng trôm chết hàng loạt. Người dân đã thử đi tìm “mạch nước ngầm” và đều chung nhìn nhận rằng mạch nước ngầm xuất phát từ việc nước dùng để tưới ở bãi xỉ ngấm xuống lòng đất và chảy ra khu vực phía ngoài.
“Nhìn bằng mắt thường đã thấy đáy bãi xỉ cao hơn các khu vực dân cư và đất sản xuất xung quanh. Hằng ngày, nhà máy dùng nước để tưới lên bề mặt bãi xỉ chống bụi bay vào nhà dân. Lâu ngày, lượng nước đó ngấm xuống đáy bãi xỉ và thấm vào lòng đất. Quy luật tự nhiên, nước chảy chỗ trũng mà. Ở trên đó cao thì dần dần nước sẽ chảy xuống chỗ thấp hơn. Còn nói đó là nước tự nhiên thì tuyệt đối không có”, anh Tuấn chia sẻ .
Tan giấc mơ an cư, lạc nghiệp
Cây trôm chết vì úng nước bẩn, đất này cũng chẳng trồng cây nào khác được. Chuyện thất nghiệp đã thấy trước mắt nhưng đáng lo hơn những hộ dân lâm vào cảnh tay trắng này là dân di cư, những người mơ một cuộc sống an cư lạc nghiệp.

Anh Pham Văn Tuấn rời quê ở Ninh Bình vào Vĩnh Tân từ năm 1995. Sau nhiều năm lập nghiệp, nhận thấy ở đây thuận lợi để phát triển nông nghiệp nên anh Tuấn quyết định mở rộng sản xuất. Năm 2006, anh Tuấn bán nhà ở quê mua thêm gần 2ha đất. Những năm đầu, việc trồng hành, nuôi dê mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định. Khi cây trôm bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, anh Tuấn lấy hết tiền tiết kiệm và vay thêm người thân để đầu tư chuyển đổi 1,5ha đất sang trồng trôm.
Theo kế hoạch sản xuất mà anh Tuấn chia sẻ với chúng tôi thì năm 2017 là năm anh bắt đầu khai thác mủ trôm. Với 1,5ha trôm, tính sơ sơ, mỗi tháng anh cũng kiếm được trên dưới 10 triệu đồng tiền bán mủ. Số tiền mượn của người thân, anh Tuấn hứa năm 2017 sẽ trả, nhưng với tình hình này thì chưa biết khi nào mới trả được.
“Vừa rồi, ông anh ruột ngoài Bắc cưới cho đứa con gái những tôi không dám về. Bởi về gặp mấy anh em họ hỏi thì lấy tiền đâu để trả, ngại lắm. Ngày cháu gái về nhà chồng tôi không sao ngủ được…” – anh Tuấn cười buồn.
Không chỉ hộ anh Tuấn mà hộ ông Huỳnh Văn Tiến sát bên cũng lâm vào tình trạng túng quẫn vì nước mặn. Vào thời điểm này năm ngoái, vườn dưa hấu của ông Tiến đã sẵn sàng cho mùa Tết. “Bình thường một vụ dưa hấu tính ra cũng được cả chục triệu đồng. Nhà neo người nên vào vụ dưa hấu tôi phải thuê người làm cỏ, bỏ phân. Nhưng năm nay chỗ trồng dưa bị ngập nước nên phải bỏ hoang”, ông Tiến cho biết. Không chỉ thất thu vụ dưa mà vườn trôm lâu năm của ông Tiến năm nay cũng buộc phải ngừng khai thác. Năm ngoái, mỗi tháng ông Tiến cũng thu được 3 đến 4 triệu đồng từ tiền bán mủ trôm. Số tiền này giúp gia đình ông mua thức ăn và đầu tư cho dưa hấu. Năm nay trôm bị ngập nước, ông Tiến không dám khai thác mủ vì sợ cây chết. Để có tiền lo cho cuộc sống hằng ngày, bà Nguyễn Thị Sách vợ ông phải đi làm mướn…
Cá cũng chết
Chúng tôi nhờ được ông Nguyễn Ngọc Lộc (xóm 7 thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân) lấy ghe chở ra khu vực bè nuôi cá bớp của gia đình. Chỉ tay về phía Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân ông Lộc cho biết: “Khu vực đó trước đây người dân nuôi cá nhiều lắm. Vào thời điểm huy hoàng nhất của nghề nuôi cá lồng bè ở Vĩnh Tân có khoảng 100 hộ nuôi. Nhưng hiện nay chỉ còn vài hộ, không biết năm nay có hộ nào bỏ nữa không. Bấp bênh quá mà”. Bè của ông Lộc có khoảng 10 lồng đang nuôi cá bớp. Chúng tôi ra lồng nuôi cá bớp được gần 7 tháng. Hiện nay cá đã đạt trọng lượng khoảng 3 – 4kg/con. “Với trọng lượng như hiện nay thì khoảng 2 tháng nữa tôi sẽ xuất bán. Nhưng mấy năm nay, cá chết đột ngột nhiều quá nên chưa biết thế nào”, ông Lộc giọng bỗng chùng xuống.

Với 10 năm kinh nghiệm nuôi cá lồng bè chưa khi nào ông Lộc thấy cá ở độ tuổi trưởng thành lại bị chết như từ năm 2015 trở lại đây. “Trước đây, tình trạng cá chết vẫn xảy ra. Nhưng chỉ xảy ra ở những lứa cá con mới thả trong tuần đầu tiên. Còn với những con cá đã qua một tháng hay đạt trọng lượng từ 3kg trở lên thì rất ít khi chết và có chết cũng một vài con. Nhưng tháng 9.2015 lần đầu tiên tôi gặp trường hợp ngược lại”, ông Lộc chia sẻ.
Tháng 9.2015, ông Lộc có lứa cá bớp đã nuôi được 11 tháng. Theo dự tính khoảng 1 tuần nữa ông Lộc sẽ bán cá. Nhưng chỉ sau một đêm, sáng mai những con cá bớp to cỡ 5kg đã chết hết. “Tháng 9 là mùa nước bấc, những năm trước cá ở mùa này phát triển rất tốt. Buổi chiều tôi ra thăm thì cá còn rất khỏe nhưng không ngờ sau một đêm tôi mất gần 1 tỷ đồng…”, ông Lộc cho biết. Sau đợt cá chết tháng 9.2015, ông Lộc gần như trắng tay. Rồi liên tiếp trong năm 2016 tới nay, ở Vĩnh Tân cá chết liên tiếp khiến người nuôi cá lao đao.
Xảy ra nhiều đợt cá chết, người nuôi cá lồng ở Vĩnh Tân giờ chia ca để “canh” cá. Ban ngày thì một người còn ban đêm thì phải hai người. Cứ một tiếng là người nuôi lại mang đèn đi vòng quanh bè nuôi để kiểm tra cá. “Nuôi cá lồng bè hiện nay như đánh bạc, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chỉ cần lơ đãng một chút là mất hàng trăm triệu đồng như chơi”, ông Lộc thở dài.
Nuôi cá lồng ở Vĩnh Tân giờ vất vả gấp trăm lần ngày xưa. Trước đây, người dân chỉ cần chọn một vị trí cách bờ vài chục mét để hạ bè nuôi trong vài năm. Nhưng nay người nuôi phải theo dõi diễn biến của từng con và tổng hợp biểu hiện của cá trong nhiều tuần. Nếu thấy cá phát triển không tốt hay có biểu hiện lờ đờ thì người nuôi phải di chuyển bè đi chỗ khác ngay.
“Chỉ tính riêng trong năm 2016, tôi đã phải di chuyển vị trí bè 3 lần. Mỗi lần di chuyển tốn khoảng 3 triệu đồng tiền thuê thuyền kéo. Nhưng người nuôi vẫn phải chấp nhận vì đã lỡ “leo lên lưng cọp” và nếu không canh, kịp thời di chuyển cá chết còn thiệt hại nặng hơn”, ông Lộc nói.
Không có thiên tai nhưng lại “hỗ trợ thiên tai”
Người dân kêu cứu, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các ngành liên quan vào cuộc để làm rõ. Theo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh, nguyên nhân gây ngập úng cục bộ có phần do chưa có tuyến kênh thoát lũ ngoại lai ở phía Bắc bãi xỉ nên nước mưa từ trên sườn núi cao đổ xuống không có đường tiêu thoát, bị thấm hết xuống đất làm gia tăng dòng chảy ngầm và mực nước ngầm tầng nông; Sự hình thành bãi thải xỉ làm thay đổi địa hình tự nhiên, thay đổi chế độ dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm ngang qua khu bãi xỉ, dẫn đến sự dồn đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ và gây ra ngập úng.
Về nguyên nhân làm gia tăng nồng độ clorua trong bãi xỉ là do quá trình bốc hơi nước trong thời gian dài từ lượng nước được dùng để trộn ẩm tro và nước tưới giữ ẩm bề mặt bãi xỉ dẫn đến lượng muối bị tích tụ trên bề mặt, khi trời mưa làm trôi lượng muối tích tụ này xuống các hồ chứa 24.000m3 và 29.000m3. Ngoài ra trong tháng 4-5.2015, do tình hình khô hạn hồ Đá Bạc không có nước để cung cấp để xử lý sự cố phát tán bụi, Công ty buộc phải sử dụng thêm các nguồn nước khác để dập bụi trong những tình huống khẩn cấp và tưới giữ ẩm cho bãi xỉ (chủ yếu là mua nước từ các xe bồn được lấy trong khu vực xã Vĩnh Tân và xã Vĩnh Hảo). Tuy nhiên, chất lượng nước được mua từ các xe bồn chưa thể kiểm soát được về độ mặn.

Về nguyên nhân gây nhiễm mặn khu vực xung quanh bãi xỉ: Theo tài liệu từ Bản đồ phân vùng chất lượng nước dưới đất do Liên Đoàn Địa chất Thủy văn miền Trung (Liên Đoàn 7) thiết lập năm 2004 trong Dự án điều tra đánh giá tài nguyên nước tỉnh Bình Thuận cho thấy nguồn nước ngầm ở khu vực này trước đây dùng được cho ăn uống (tức là không bị nhiễm mặn hoặc lợ) và địa hình khu có độ cao từ 12m trở lên so với mực nước biển, các nhánh suối nhỏ trong vùng không bị ảnh hưởng của thủy triều nên khả năng xâm nhập mặn từ biển vào khu vực này là hoàn toàn không có (do độ chênh lệch địa hình khá lớn) mà do tác động của con người là chính. Quan sát thực tế cho thấy, tại khu vực này dọc theo các tuyến đường mòn phía Tây và phía Bắc bãi xỉ có những đống đất cát có lẫn san hô. Hiện tượng đổ đất ở đây được ghi nhận từ năm 2016 do quá trình thi công các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Kết quả phân tích 18 mẫu đất cho thấy các mẫu đất đổ đống có giá trị pH từ 6,04 – 9,05, hàm lượng clorua (Cl–) từ 25 – 2235 mg/kg, độ mặn từ 0,22 – 1,43 ‰.
Các đống đất này có nguồn gốc từ phía ven biển đưa lên (trong thành phần có một số mảnh san hô) mang theo một hàm lượng muối nhất định trong đó. Theo thời gian, khi gặp mưa, độ mặn trong đất bị rửa trôi theo nước mưa, một phần chảy tràn trên bề mặt xuống khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ, một phần thấm xuống đất (do đặc điểm địa chất ở đây nền đất rất dễ thấm nước) đi vào tầng nước ngầm mạch nông, từ đó góp phần gây nhiễm mặn cho khu vực xung quanh.
Kết hợp kết quả đo địa vật lý và kết quả khảo sát, phân tích các mẫu nước ngầm ở khu vực xung quanh bãi xỉ, Viện Môi trường và Tài nguyên đã xác định được phạm vi diện tích 12,4ha mà trong đó nước ngầm bị lợ với hàm lượng clorua từ 250 mg/l đến 721 mg/l.
Kết quả phân tích cho thấy có sự suy giảm rõ rệt nồng độ clorua trong nước ngầm từ khu vực cách bãi xỉ 37m (ven đường mòn dọc theo đê phía Tây bãi xỉ – nơi có những đống đất nhiễm mặn được đổ bừa bãi) ra khu vực xung quanh, càng xa bãi xỉ thì nồng độ clorua càng thấp dần. Điều này chứng tỏ có sự lan truyền mặn từ các đống đất đổ bị nhiễm mặn ra khu vực xung quanh. Tuy nhiên, mức độ nhiễm mặn ở khu vực xung quanh bãi xỉ không cao với hàm lượng clorua trong các mẫu nước ngầm dao động từ 250 – 721 mg/l (thuộc dạng lợ).
Dù người dân xác định không hề có thiên tai, nhưng tháng 1.2018, ông Nguyễn Ngọc Hai – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vẫn ban hành quyết định hỗ trợ “thiên tai” cho 13 hộ dân, với số tiền gần 130 triệu đồng. Điều lạ là, nguồn tiền hỗ trợ do phía Trung tâm nhiệt điện hỗ trợ!.
Cụ thể, quyết định này phê duyệt dự toán hơn 120 triệu đồng trong đó hỗ trợ về cây trồng gồm ngô, rau màu hơn 14ha và cây trôm hơn 3ha bị thiệt hại 70% tổng số tiền hơn 40 triệu đồng. 57 nhân khẩu của 13 hộ dân nói trên cũng được hỗ trợ gạo trong 3 tháng hơn 38 triệu đồng và được hỗ trợ nước sinh hoạt trong 330 ngày hơn 45 triệu đồng.
“Lúc tôi mới vào vùng này còn hoang sơ lắm. Nhưng được cái đất rộng, trồng cây nông nghiệp khá tốt. Ở đây gần núi nên có mạch nước ngầm chảy quanh năm. Chỉ cần khoan giếng là có đủ nước tưới cho cây trồng. Giờ có thêm nguồn nước của hồ Đá Bạc nữa thì quá tốt cho phát triển nông nghiệp. Gia đình tôi đầu tư trồng trôm cũng vì nhìn thấy hướng phát triển lâu dài của vùng. Nhưng giờ mất trắng một cách oan nghiệt”. Anh Phạm Văn Tuấn
Hữu Luân
-
Nghệ An: 2.420 ngôi nhà tình nghĩa tại 6 huyện miền núi do lực lượng Công an hỗ trợ
-
Bảo vệ nước, an toàn trước thiên tai: "Cảnh báo sớm để hành động sớm"
-
Thông tin cảnh báo thiên tai cần chính xác, kịp thời đến từng người dân
-
Ngày Nước thế giới 22/3: Các biện pháp bảo vệ nguồn nước hiệu quả
- Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách
- Chuẩn bị khởi công dự án cải tạo 7 ga đường sắt phía Bắc
- TP.HCM: Dự án Đường vành đai 3 - đã có mặt bằng nhưng lo thiếu vật liệu
- Hội báo toàn quốc 2023 để lại ấn tượng tốt qua nhiều sự kiện
- Con đường phát triển của báo chí là đồng hành với công nghệ
- Khánh Hòa kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển
- Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo
-
Nghệ An: 2.420 ngôi nhà tình nghĩa tại 6 huyện miền núi do lực lượng Công an hỗ trợ(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 22/3/2023 tại xã Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An), Bộ Công an đã phối hợp Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTQ tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ trao tặng nhà mẫu và kinh phí hỗ trợ xây nhà cho người nghèo, khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
-
Đồng Nai: Đối thoại với nông dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệpNgày 23/3/2023, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị gặp gỡ nông dân, Hội Nông dân, các nhà khoa học, quản lý… để cùng trao đổi định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất của nông dân trong tỉnh.
-
Bảo vệ nước, an toàn trước thiên tai: "Cảnh báo sớm để hành động sớm"Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng “cảnh báo sớm để hành động sớm, hành động kịp thời” là giải pháp quan trọng để giảm thiểu được nhiều rủi ro từ thiên tai.
-
Thanh niên xứ Lạng thành công với than sạch không khói(Tapchinongthonmoi.vn) Vừa kinh doanh phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, vừa góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần bảo vệ môi trường… đó là mô hình sản xuất kinh doanh than sạch không khói của thanh niên Lý Văn Vương ở xã Tân Thành (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn).
-
Ngành Nông nghiệp tỉnh Long An phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 2-2,5%Kỳ vọng vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp năm 2023 tăng trưởng từ 2-2,5%, UBND tỉnh Long An vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
-
Thông tin cảnh báo thiên tai cần chính xác, kịp thời đến từng người dânĐể ứng phó với thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan và khó đoán định cần có hệ thống cảnh báo sớm, thông tin kịp thời đến từng người dân.
-
Cà Mau: Thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thịÔng Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau cho biết: Ứng dụng Chính quyền điện tử (CaMau-G) được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng và trên các phương điện truyền thông đại chúng. Đây là ứng dụng làm đại diện, tích hợp các ứng dụng nền tảng số, các dịch vụ thuộc Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng thuận tiện thông qua thiết bị di động, điện thoại thông minh.
-
Tạo đòn bẩy thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệpTham gia chương trình thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp lựa chọn được phương án tối ưu trong quá trình triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng, phù hợp với nhu cầu phát triển và điều kiện của doanh nghiệp.
-
Toàn văn thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 27 của Ủy ban Kiểm tra Trung ươngTrong các ngày 21 và 22/3, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 27. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.
-
Dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến khó lường, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chốngBộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch năm 2023.
-
1 Thực trạng giai cấp Nông dân Việt Nam hiện nay và một số vấn đề đặt ra
-
2 Phim Bão ngầm: "Chọn đạo diễn Đinh Thái Thụy vì đời tư không có scandal"
-
3 Hội Nông dân Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Nông dân Thế giới (WFO)
-
4 Nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Đô Lương
-
5 Vĩnh Long đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh