Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tăng giá điện: Chính phủ không lường được “nắng như đổ lửa” vào tháng 4

22:19 23/05/2019 GMT+7

Tuy thời tiết đã trở nên mát mẻ vào ngày 22/5 song vấn đề tăng giá điện vẫn “nóng” hơn bao giờ hết trong phiên thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội khóa XIV ngày 22/5 đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2018 cũng như những tháng đầu năm 2019.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp tổ 22/5.

Câu hỏi về “lợi ích”?

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, trong cơ chế thị trường, việc điều chỉnh tăng, giảm giá sản phẩm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cần điều hành, áp dụng cân đối lợi ích giữa các bên tránh bức xúc trong dư luận, như việc điểu chỉnh giá điện thời gian vừa qua.

Đại biểu Bùi Minh Châu (Phú Thọ) nhận định: Trong 4 tháng đầu năm 2019, chỉ số CPI tăng thấp nhất 3 năm trở lại đây, trong khi giá điện, xăng dầu lại tăng rất nhiều. Đối với việc điều chỉnh giá điện, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu lộ trình tăng, cách thức tăng, thời điểm tăng hợp lý. “Đáng lẽ, chúng ta tăng giá điện từ 2 năm trước, mỗi năm tăng 2 – 3% thì thị trường sẽ không bị sốc. Đằng này, một lúc điều chỉnh giá điện trên 8%, giữa lúc cao điểm nắng nóng thì người dân khó chấp nhận” – ông Châu nói.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết liên tục nhận được câu hỏi của cử tri rằng “Giá điện liệu có giảm không?”, “Vì sao hóa đơn tiền điện tăng cao sau đợt điều chỉnh giá” và băn khoăn rằng ngành điện vẫn chưa minh bạch.

Bày tỏ sự chia sẻ với Chính phủ trong việc điều hành giá điện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhận xét: Điện là nguồn năng lượng, tài nguyên không thể tái tạo, sản xuất bao nhiêu phải tiêu hết bấy nhiêu, không thể tích trữ được. Đó là đặc thù của ngành điện. Và dù năng lực sản xuất thế nào thì nhu cầu sử dụng của người dân là không thể “hãm” được.

Việc sử dụng bảng giá điện 6 bậc đã có tính toán đến mức giá hợp lý cho đa số hộ sử dụng là từ bậc 2 trở xuống, tức là 200kWh. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, cần phải tính toán thêm cả sự hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ thu nhập thấp hoặc cân đối cả mức sống của những khu vực địa bàn khó khăn, vùng miền núi, nông thôn…thay vì căn cứ vào mức sống tại địa bàn Hà Nội, TP.HCM để đánh giá.

Các yếu tố đầu vào đều tăng

Tham gia thảo luận tại tổ 11, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đại biểu Vương Đình Huệ (Hà Tĩnh) cho biết Chính phủ đã có một bản báo cáo chi tiết giải đáp rất cụ thể các vấn đề xung quanh việc tăng giá điện thời gian qua gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Nếu tính đúng, giá điện bình quân năm 2019 sẽ phải tăng 9,26%

Trong báo cáo này có đề cập đến các thông số đầu vào tính giá điện dẫn đến việc tăng giá.

Cụ thể, sản lượng điện thương phẩm toàn hệ thống năm 2019 được dự kiến tăng 10% so với năm 2018 trong khi giá than nội địa bán cho sản xuất điện đã được điều chỉnh tăng bước 1 từ đầu tháng 1/2019, bước 2 cùng lúc với giá điện ngày 20/3/2019. Chưa kể, do nguồn than nội địa không đủ để phục vụ sản xuất điện năm 2019, một số nhà máy điện phải sử dụng than trộn (trộn than nội địa và nhập khẩu) có giá than cao hơn nhiều so với giá than nội địa cùng chủng loại.

Cùng với đó, thuế bảo vệ môi trường đối với than, dầu được điều chỉnh tăng kể từ 1/1/2019 theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

Một nguyên nhân nữa xuất phát từ việc phân bổ 753,97 tỷ đồng trong tổng số khoảng 1.487,94 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2015 và toàn bộ chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2017 (3.070,9 tỷ đồng) của các nhà máy điện vào năm 2019.

Chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện là chênh lệch giữa tỷ giá các đơn vị phát điện mua ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ gốc vay ngoại tệ phải trả trong năm 2015, năm 2017 so với tỷ giá quy định tại hợp đồng mua bán điện.

Tổng hợp ảnh hưởng của một số yếu tố đầu vào chính nêu trên cộng với tính toán giá các loại nhiên liệu như giá dầu thế giới (HSFO); giá than nhập khẩu; tỷ giá dự báo,… làm tăng chi phí mua điện năm 2019 khoảng 20.000 tỷ đồng.

Con số nói trên cộng với tỷ suất lợi nhuận sau thuế dẫn đến giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.

“Phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện vào năm 2019 khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng. Nếu bổ sung thêm chi phí này, giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ phải tăng 9,26%. Tuy nhiên, để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Giải đáp thêm vấn đề “Tại sao giữa mùa hè lại tăng giá điện?”, Phó Thủ tướng bày tỏ: “Tại chưa năm nào thời tiết lại trái như năm nay”.

Theo quy luật hàng năm, chỉ số CPI thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3 nên nếu tăng giá điện thời điểm này sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kiềm chế được lạm phát kỳ vọng. Theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% vào ngày 20/3/2019 sẽ làm CPI cả năm chỉ tăng 0,3%.

Tuy nhiên, một điều không thể lường trước được là thời tiết. “Thường 20/3 mọi năm còn chưa đến rét nàng Bân. Chính phủ không thể dự báo được đến tháng 4 lại nắng như đổ lửa, đầu tháng 5 lại như mùa đông, hoa sữa nở giữa tháng 5” – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá cảm thán.

“Hơn thế nữa, nếu bỏ qua dịp Tết không thể tăng giá, bỏ qua tháng 3 mà để đến qua giữa năm mới tăng thì mức tăng phải gấp đôi 8,36% mới có thể “trang trải” được con số 20.000 tỷ đồng nói trên. Chính sự bất thường của thời tiết cũng là một trong những nguyên nhân bên cạnh việc tăng giá điện dẫn đến hóa đơn điện của các hộ gia đình tăng cao trong tháng 4 vừa qua. Nói điều này để các đại biểu thông cảm, chia sẻ cho công tác điều hành của Chính phủ. Tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi thực tế để kiểm soát.” – ông Huệ nói.

Hồng Vân