Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tập huấn phòng, chống lao cho cán bộ Hội các cấp của tỉnh Quảng Bình

Sơn Nam - 15:57 02/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thực hiện Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống Lao - Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2021-2023, ngày 02/11/2023, Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống Lao (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình tổ chức lớp Tập huấn về công tác phòng, chống bệnh lao khu vực nông thôn, cho cán bộ các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình năm 2023.
Các đại biểu tham dự buổi tập huấn

Dự khai mạc lớp Tập huấn có bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương, và đại diện Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống Lao - Hội Nông dân Việt Nam; bà Đỗ Thị Hoài Thu, Phó Chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, Bác sỹ Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 55 học viên là cán bộ Hội Nông dân các cấp của huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, Ba Đồn.

Phát biểu bế mạc buổi tập huấn, ông Vũ Duy Hưng, Phó trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương, thành viên Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống Lao (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) nhấn mạnh: Bệnh lao đã, đang là mối nguy của tất cả chúng ta - những người cùng chung sống trong một môi trường mà ở đó tỷ lệ người mắc bệnh lao còn rất cao. Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 11.000 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2022), cao gấp 2 lần số người tử vong do tai nạn giao thông; trong khi đó tỷ lệ phát hiện chỉ đạt 60%; trên 90% người bệnh ở nông thôn, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Mỗi người bệnh lao sẽ mất trung bình 3-4 tháng lao động, bệnh nhân lao và gia đình đối mặt với chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình, làm nghèo đói thêm dai dẳng.

Toàn cảnh buổi tập huấn.

Kể từ khi được công bố là "đại dịch toàn cầu" bởi WHO vào cuối tháng 1/2020, virus SARS-CoV-2 đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội; nhiều địa phương đã chuyển công năng Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi sang điều trị Covid-19. Điều này đã làm gián đoán, đứt gẫy mạng lưới chống lao các tuyến, người bệnh lao không biết đến đâu để chẩn đoán, phát hiện, điều trị, làm gia tăng nguồn lây trong cộng đồng, tăng số người mắc và tử vong; cho đến hôm nay, nhiều người mắc lao lại nhầm tưởng là hậu covid, làm gia tăng nguồn lây lao, lao kháng thuốc trong cộng đồng; đồng thời, những người từng mắc covid có nguy cơ mắc lao cao hơn nhiều so với những người khác.

Covid-19 và lao đều là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Khống chế bệnh lao là một thách thức của y tế trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Mục tiêu của nước ta là đến năm 2035 chấm dứt bệnh lao. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết và điều trị sớm mắc lao không chỉ những trường hợp lao mới nhiễm, mà ngay cả những trường hợp chưa phát bệnh, không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng.

Đầu tư để chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 11.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình cũng như cộng đồng không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Ông Vũ Duy Hưng - Phó trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương, thành viên Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống Lao (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) phát biểu khai mạc lớp tập huấn

“Năm 2023, năm cuối cùng của Dự án giai đoạn 2021-2023, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục duy trì và mở rộng địa bàn triển khai Dự án phòng chống lao tại 17 tỉnh, thành Hội; duy trì hoạt động 51 mô hình “Nông dân phòng chống lao” cấp huyện, 330 mô hình “Quản lý lao tiềm ẩn” cấp xã, 10 mô hình “Ứng dụng M-Health trong hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân lao”; hướng dẫn chỉ đạo 206 mô hình “Nông dân phát hiện lao sớm” thành lập giai đoạn 2011-2020 tự duy trì hoạt động bằng nguồn kinh phí Hội và của địa phương”, ông Hưng cho hay.

Quảng Bình đã thực hiện Dự án phòng chống lao năm thứ 13; tham gia phòng chống lao ở cả 3 khâu: thay đổi ý thức cá nhân, cộng đồng trong khám chữa bệnh phát hiện tối đa, hỗ trợ quản lý điều trị và hỗ trợ sinh kế, chăm sóc sức khỏe. Hội ND Quảng Bình phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ trong chăm sóc sức khỏe cho nông dân; xây dựng đội ngũ cán bộ chi, tổ hội, tình nguyện viên, tuyên truyền viên tại thôn, ấp, bản, làng; thành lập và duy trì các mô hình phòng chống lao của Hội Nông dân, tuyên truyền vận động từng người, từng nhà và cộng đồng nâng cao nhận thức về phòng chống lao; vận động, huy động cộng đồng phát hiện sớm người nghi mắc lao và các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm lao tiềm ẩn; tương trợ, giúp đỡ người nghèo mắc lao, lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao HIV, lao tiềm ẩn điều trị khỏi bệnh lao.

Được biết, năm 2021-2022, do ảnh hưởng của Covid, số người bệnh lao được phát hiện giảm nhiều, không đạt chỉ tiêu để ra, Quỹ toàn cầu đang có ý kiến dừng viện trợ; số người nguy cơ mắc lao gia tăng, đất nước gặp nhiều khó khăn, kinh phí hỗ trợ đi ngang, đi xuống, định mức của QTC quá thấp, nhưng đó cũng là cố gắng rất lớn của Cộng đồng quốc tế trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Vì vậy, tham gia Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh việc vận động nông dân phát hiện và khám chữa bệnh lao đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, của Quỹ Toàn cầu Phòng chống lao Việt Nam, Bệnh viện Phổi Trung ương - cơ quan chủ quản dự án đã đề ra, hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng và nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát hiện và điều trị thành công bệnh lao nhằm bảo vệ sức khỏe cho người nông dân.

Phát huy những thành quả đó, Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống Lao (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp với HND tỉnh Quảng Bình tổ chức lớp tập huấn về công tác phòng chống lao cho cán bộ, hội viên nông dân các cấp Quảng Bình, với mục đích trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức, kỹ năng truyền thông về công tác phòng chống lao, nhằm tăng cường sự lồng ghép việc thực hiện phòng chống lao trong các hoạt động của Hội. Đồng thời tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ chi, tổ Hội, tình nguyện viên, tuyên truyền viên tại thôn, ấp, bản, làng, phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ chi tổ Hội trong công tác tuyên truyền, vận động, huy động cộng đồng phát hiện sớm người nghi mắc lao; theo dõi và quản lý điều trị; tương trợ, giúp đỡ người nghèo mắc lao điều trị khỏi lao theo DOTS; giúp giảm tỷ lệ bỏ trị, tăng tỷ lệ điều trị lao thành công tại địa phương.

Ông Hưng đề nghị và mong rằng các học viên tích cực học tập, nghiên cứu các chuyên đề, sẵn sàng đóng góp ý kiến thảo luận làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống lao cũng như đề xuất các biện pháp để công tác phòng chống lao đạt hiệu quả cao nhất.

Anh Lê Phan Hải Sơn - Điều phối viên Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao T.Ư Hội NDVN trình bày Chuyên đề Hướng dẫn thực hiện các hoạt động của cán bộ hội viên nông dân trong tham gia công tác phòng chống lao.

“Sau lớp tập huấn, mỗi cán bộ Hội Nông dân Quảng Bình được trang bị những kiến thức cơ bản về phòng chống lao cũng như những kỹ năng nâng cao về công tác truyền thông, vận động để vừa trở thành những cán bộ trực tiếp tham gia hỗ trợ ngành Y tế trong công tác phòng chống lao tại địa bàn, vừa là những tuyên truyền viên nòng cốt đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện phòng chống lao, với mục tiêu phát hiện sớm, vận động và hỗ trợ người bệnh lao khám chữa bệnh thành công”.

Tại lớp tập huấn, các học viện được tiếp thu 4 chuyên đề như: Tình hình bệnh lao trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Kiến thức tổng quan về bệnh Lao, Lao kháng thuốc: khái niệm, triệu chứng, nguy cơ lây nhiễm, cách dự phòng và điều trị; nâng cao nhận thức và kỹ năng truyền thông về phòng chống Lao cho cán bộ hội viên nông dân; Hướng dẫn thực hiện các hoạt động Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống Lao; Nhiệm vụ của các cấp Hội đối với công tác phòng chống Lao và mục tiêu của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống Lao…