Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thống kê ban đầu: Bão số 3 gây thiệt hại hơn 31.000 tỷ đồng

Việt Tùng - 18:50 15/09/2024 GMT+7
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra hơn 31.596 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê thiệt hại.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão ngày 14/9, Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định, cơn bão mạnh nhất trong lịch sử 30 năm ở biển Đông đã để lại nhiều bài học trong công tác ứng phó.

Theo đó, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào nước ta trong 30 năm qua: Trước khi vào vịnh Bắc Bộ, bão đạt cấp siêu bão (gió cấp 16, giật trên cấp 17); trên vịnh Bắc Bộ bão vẫn gây gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17; khi đổ bộ vào đất liền gây gió mạnh cấp 14, giật cấp 17 tại Bãi Cháy (Quảng Ninh), gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14 tại các khu vực ven biển khác.

Trận sạt lở đất đã san phẳng Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) đêm 9/9 làm 45 người chết, 17 người bị thương, 50 người mất tích.

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra đợt mưa rất lớn, kéo dài liên tục trên diện rộng tại khắp các địa phương khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa phổ biến từ 250-500mm. Riêng tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, tổng lượng mưa phổ biến từ 400-600mm, một số nơi trên 700mm, gây ra đợt lũ lớn tại hầu hết các sông ở Bắc Bộ, đặc biệt là tại Lào Cai, Yên Bái. Lũ trên sông Hồng, sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh), sông Đáy (Ninh Bình), sông Trà Lý (Thái Bình) đã vượt lũ lịch sử (tại Yên Bái vượt mức lũ lịch sử năm 1968 khoảng 1,31m); lũ trên các sông ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình và hạ lưu sông Hồng đều ở mức rất cao trên báo động số 3. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội dưới báo động 3 khoảng 0,2m (đây là mức lũ cao nhất trong hơn 20 năm qua tại Hà Nội).

Mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,... ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực thấp trũng ở cả miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Các làng cây cảnh ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) thiệt hại nặng nề do bị ập úng.

Xác định đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở đã tích cực, chủ động vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, lũ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được phân công; người dân cũng đã vào chủ động, tự giác phòng, chống, ứng phó nên đã góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 công điện, chỉ đạo từ sớm, từ xa, theo sát tình hình diễn biến bão, mưa lũ. Các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.

Tuy vậy, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã khiến 348 người chết, mất tích; 1.921 người bị thương; 231.851 nhà bị hư hỏng.

Về sản xuất nông nghiệp, có 190.358 ha lúa; 48.727 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 31.745 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 21.786 con gia súc, 2.621.106 con gia cầm bị chết.

Khu vực Kênh Gà huyện Gia Viễn (Ninh Bình) ngập sâu trong nước lũ.

Đáng chú ý, có đến 305 sự cố đê điều trong đợt mưa lũ này, trong đó có 182 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III trở lên; 123 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp III.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 31.596 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê thiệt hại và con số có thể lớn hơn rất nhiều.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Tạp chí Nông thôn mới kêu gọi các tổ chức, cá nhân, bạn đọc, doanh nghiệp, các nhà hảo cùng chung tay ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vượt qua thiên tai và những khó khăn trong và sau bão, lũ sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Việc ủng hộ được chia làm 2 đợt:

* Đợt 1: Ủng hộ để đồng bào đảm bảo cuộc sống

- Thời gian từ 11/9/2024 đến ngày 30/9/2024

- Ủng hộ bằng tiền hoặc hiện vật là các nhu yếu phẩm như: Gạo, mì tôm, lương khô, bánh chưng, bánh mì ruốc, đèn pin, áo phao, chăn, màn, quần, áo, thuốc thông thường…

* Đợt 2: Ủng hộ để giúp đồng bào khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống

- Thời gian từ 01/10/2024 đến ngày 15/11/2024

- Ủng hộ bằng tiền hoặc giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; vật tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; vật liệu xây dựng nhà cửa; đồ gia dụng…

Sự tham gia ủng hộ của Quý vị là nguồn động viên to lớn đối với đồng bào, giúp đồng bào sớm vượt qua khó khăn, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra. Những đóng góp, chia sẻ của quý vị sẽ được chuyển nhanh nhất đến đúng những đối tượng cần ủng hộ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Tạp chí Nông thôn mới, Tầng 7, Tòa nhà Báo Nông thôn ngày nay - Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Điện thoại: 024.38470876 - 0984 599 179; 0976 606 690

Tên tài khoản nhận tiền: Tạp chí Nông thôn mới. Số tài khoản: 1506 201037979 Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Tây Hồ - Hà Nội.

(Ghi rõ tên, địa chỉ của đơn vị, cá nhân ủng hộ. Nội dung ghi: Ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vì bão lũ).

 

Lào Cai: Nguyên nhân 10 người may mắn thoát nạn khi thảm họa ập xuống làng Nủ
Sáng 13/9, thông tin từ Sở Chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích trong vụ lũ quét kinh hoàng ở làng Nủ thông báo, trong số 49 nạn nhân còn mất tích, có 8 người trong 2 gia đình ông Hoàng Văn Tiện và Hoàng Văn Duân kịp chạy thoát trước khi cơn lũ quét ập đến và 2 cháu bé được cứu thoát.