Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tìm hướng đi mới, giải quyết những vướng mắc cho ngành Điều Việt Nam

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 06:57 29/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 28/10, tại tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm tham vấn “Nhận diện các khó khăn, vướng mắc và tìm kiếm giải pháp tạo thuận lợi thương mại cho ngành Điều”.

Tọa đàm được sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC), là dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Phối hợp cùng Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Điều Việt Nam tổ chức.

Tọa đàm là nơi các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phản ánh thực tiễn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, và Đề án số 431/QĐ-BNN-BNNPTNT ngày 26/1/2024 về việc phê duyệt Đề án Phát triển Cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.

Đồng thời, là nơi các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề xuất các giải pháp chính sách về thuế, cắt giảm các điều kiện kinh doanh (hải quan, kiểm dịch thực vật, cải cách thủ tục hành chính…) để tạo thuận lợi thương mại cho ngành Điều, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu điều phục vụ sản xuất chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Trên cơ sở kết quả của Tọa đàm, Hiệp hội Điều Việt Nam sẽ tổng hợp, xây dựng tài liệu văn bản kiến nghị chính sách đến Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan bộ, ngành hữu quan.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Ngọc Đại

Theo VINACAS, gần 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới và chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu, trở thành quốc gia làm chủ công nghệ; xuất khẩu dây chuyền – công nghệ chế biến điều đến nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, doanh nghiệp ngành Điều vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có những vướng mắc lớn, như quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14 của Nghị Định 15/2018/NĐ-CP với quy định sản phẩm thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu phải có xuất xứ từ quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đáp ứng quy định của Việt Nam; làm thủ tục đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét, đưa vào danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết: Trong danh sách 48 quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam, tính đến năm 2023, Việt Nam đã nhập gần 2,9 triệu tấn Điều thô để làm nguyên liệu. Trong đó, có hơn 2,2 triệu tấn chiếm 75% sản lượng Điều thô nhập khẩu làm nguyên liệu được nhập khẩu từ các nước châu Phi, chưa nằm trong “danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam”. Do đó, mặc dù Điều thô nhập về phải qua kiểm dịch mới được được đưa vào chế biến nhưng dù với bất cứ lý do gì cũng không được chuyển bán nội địa, trở thành vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Một trong những giải pháp được đưa ra là xây dựng Đề án mở rộng nguồn điều, để chủ động tháo gỡ và nới lỏng các danh mục quản lý ngành Điều. Việc nới lỏng nguồn nhập khẩu điều sẽ giúp tăng ngân sách, tăng sản lượng nhập Điều thô. Đồng thời, phải sẽ luôn đảm bảo lợi thế cho người dân trồng Điều ở Việt Nam. Từ Đề án mở rộng nguồn điều sẽ giúp ngành hàng được điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

Ông Nguyễn Vũ Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 cho biết: Trong năm 2024, Việt Nam đã nhập hơn 3 triệu tấn điều thô. Đặc biệt, sản lượng điều thô tại thị trường Việt Nam chỉ chiếm 10%.  Hiệp hội Điều Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng Đề án mở rộng nguồn điều để gửi đến Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan bộ, ngành hữu quan. Việc xây dựng Đề án sẽ mang lại những chỉnh sửa kịp thời, hiệu quả cho các doanh nghiệp ngành điều. Trong đó, phải soạn thảo, phân tích các quy định pháp luật, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm mang tính thực tế dựa trên các ý kiến của doanh nghiệp, bao gồm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ở nhân điều, nguyên liệu điều thô, nguyên liệu điều đã qua chế biến.

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đã phản ánh khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Đề án phê duyệt Đề án Phát triển Cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, cùng đó là đề xuất các giải pháp chính sách về thuế, cắt giảm các điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi thương mại cho ngành điều, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu điều phục vụ sản xuất chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Ông Tạ Quang Huyên, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 chia sẻ: Các doanh nghiệp ngành Điều đang gặp nhiều vướng mắc trong các quy định của pháp luật trong đó có thể kể đến Nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp đang phải đối đầu với thách thức về tính cạnh tranh rất lớn từ các nước trên thế giới về nguyên liệu Điều thô. Trong chính sách bảo hộ cho nông dân, các doanh nghiệp ngành Điều sẽ bị đánh thuế nhập khẩu. Hơn nữa, trong việc chuyển đổi mục đích nhập khẩu thương mại khiến cho các doanh nghiệp gặp khó. Từ đó, bắt buộc các doanh nghiệp phải tái xuất khẩu Điều. Tất cả những vấn đề này, vô tình đẩy các doanh nghiệp ngành Điều thêm phần khó khăn.

Theo Cục Hải Quan tỉnh Bình Phước11: Việt Nam hiện đang là quốc gia sản xuất khẩu hạt điều nhân lớn nhất thế giới và chất lượng Điều được chế biến tại tỉnh Bình Phước. Hiện tại tỉnh Bình Phước có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt Điều quy mô nhỏ và vừa. Chế biến điều là ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh Bình Phước. Mỗi năm đóng góp từ 27% đến 45 % tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, giải quyết công việc cho rất nhiều lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, nguyên liệu trồng điều trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20 đến 25 % nhu cầu của các nhà máy chế biến. Và phần lớn phụ thuộc nguyên liệu thô từ các nước châu Phi.

Đồng thời, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước cũng kiến nghị đến các Đại biểu có mặt tại Tọa đàm: Cho phép điều có nguồn gốc từ các nước châu Phi nhập khẩu và tiêu thụ vào Việt Nam. Việc nhập khẩu quy định, chính sách thuế suất áp dụng cho phù hợp để bảo vệ ngành trồng trọt điều của Việt Nam. Đồng thời, chỉ quản lí chất lượng điều khi xuất khẩu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định về hàng hóa là lương thực khi xuất khẩu. Vì mặt hàng điều qua chế biến đã chuyển đổi thành điều có xuất xứ Việt Nam, góp phần đảm bảo thương hiệu điều Bình Phước.

Ngành Điều tìm cách giữ vững vị thế trên thị trường
Hiện nay, một số tỉnh bắt đầu vào vụ thu hoạch điều. Đầu vụ nhưng giá hạt điều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều chậm nhưng đây vẫn là ngành hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu điều đang nỗ lực tạo lợi thế cạnh tranh để vượt khó.