Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trí tuệ nhân tạo và khả năng ứng dụng phát triển kinh tế nông nghiệp

Nam Phong - 07:12 11/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, được ví như là “trụ đỡ” của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiếu hụt lao động chất lượng cao, năng suất vẫn còn thấp. Trong bối cảnh đó, Trí tuệ nhân tạo là công nghệ đột phá, có tiềm năng lớn để góp phần giải quyết các thách thức này và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là gì?
Trí tuệ nhân tạo, tiếng Anh là "Artificial Intelligence", viết tắt là AI. Đây là một nhánh của khoa học máy tính tập trung vào việc tạo ra những cỗ máy thông minh có thể thực hiện các nhiệm vụ vốn chỉ con người mới có thể làm được, như: Lý luận và giải quyết vấn đề (AI có thể phân tích dữ liệu, nhận diện mẫu và đưa ra quyết định dựa trên thông tin thu thập được); học tập và thích nghi (AI có thể học hỏi từ kinh nghiệm và dữ liệu để cải thiện hiệu quả hoạt động theo thời gian); giao tiếp và tương tác (AI có thể giao tiếp với con người bằng ngôn ngữ tự nhiên và tương tác với môi trường xung quanh, đồng thời có thể phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ khác).
Hiện nay có nhiều loại AI khác nhau đang được phát triển, mỗi loại có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Một số loại AI phổ biến bao gồm: Học máy (Machine learning): Loại AI này sử dụng các thuật toán thống kê để học hỏi từ dữ liệu và đưa ra dự đoán; mạng nơ-ron nhân tạo (Artificial neural networks): Loại AI này mô phỏng cấu trúc của não bộ con người để học hỏi và xử lý thông tin; xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural language processing): Loại AI này cho phép máy tính hiểu và xử lý ngôn ngữ con người.
Trên thế giới hiện nay, Trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật một số lĩnh vực được nhiều người quan tâm như:
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: AI được sử dụng để chẩn đoán bệnh, khám sàng lọc, phát triển thuốc mới và hỗ trợ phẫu thuật.
Lĩnh vực tài chính: AI được sử dụng để phát hiện gian lận, quản lý rủi ro và đưa ra quyết định đầu tư.
Lĩnh vực sản xuất: AI được sử dụng để tự động hóa các quy trình sản xuất, tối ưu hóa hiệu quả và dự đoán nhu cầu thị trường.
Lĩnh vực nông nghiệp: AI được sử dụng để dự đoán thời tiết, quản lý dịch bệnh, tối ưu hóa việc sử dụng vật tư nông nghiệp (nước, phân bón, thuốc trừ sâu…), phân loại sản phẩm khi thu hoạch (trái cây), các giải pháp tiếp thị và kinh doanh nông sản, có thể ứng dụng nhiều cấp độ, từ doanh nghiệp lớn đến từng nông dân nhỏ.
Sơ qua vài nét như vậy, có thể thấy AI là một công nghệ đầy tiềm năng có thể giúp con người giải quyết nhiều vấn đề và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.  
Tiềm năng của AI trong phát triển nông nghiệp
Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiếu hụt lao động lành nghề, và năng suất thấp. Trong khi đó, dân số Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 110 triệu người vào năm 2045, dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về lương thực, thực phẩm. AI là một công nghệ đột phá có thể trợ giúp giải quyết các thách thức này và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Có thể nhận diện một số tiềm năng lớn của AI:
Tối ưu hóa sản xuất: AI có thể giúp trong việc đưa ra dự đoán thời tiết, sâu bệnh, và điều kiện đất đai để đưa ra các biện pháp canh tác phù hợp, giúp tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, đã được nông dân tiên tiến ở nhiều quốc gia áp dụng. Chẳng hạn như hệ thống tưới thông minh sử dụng AI có thể tự động điều chỉnh lượng nước tưới theo nhu cầu của cây trồng, giúp tiết kiệm nước và tăng năng suất cây trồng.

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nông nghiệp được hi vọng mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Ảnh GETTY
Nâng cao chất lượng sản phẩm: AI có thể giúp nhà nông phân loại và kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn và an toàn cho người tiêu dùng. Chẳn hạn, máy phân loại trái cây khi được tích hợp công nghệ sử dụng AI có thể phân loại trái cây theo kích thước, màu sắc, và độ chín với độ chính xác cao. 
Tiếp thị và bán hàng hiệu quả: AI có thể giúp phân tích thị trường, dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng, và đưa ra các chiến lược tiếp thị phù hợp. Ví dụ như nền tảng thương mại điện tử sử dụng AI có thể đề xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng người tiêu dùng hoặc giúp thanh toán trực tuyến an toàn và tiện lợi.
Quản lý chuỗi cung ứng minh bạch: AI có thể giúp nhà nông cũng như người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ thương hiệu. Theo đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng AI có thể theo dõi hành trình của sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, giúp người tiêu dùng an tâm về chất lượng sản phẩm.
Với đông đảo công chúng phổ thông, AI được biết một cách bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian gần đây, song từ nhiều năm qua, AI đã được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quan tâm nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh: Tháng 4/2019, Tập đoàn Vingroup đã thành lập Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo, sau đó từ cơ sở viện nghiên cứu này đã thành lập Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI (thuộc Tập đoàn Vingroup). Đây là đơn vị nghiên cứu AI hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội của Tập đoàn này. Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN đã sử dụng hệ thống tưới tiêu thông minh do Tập đoàn FPT phát triển để tưới nước tự động cho cây trồng. Hệ thống này sử dụng các cảm biến để đo độ ẩm của đất và điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp, giúp tiết kiệm nước và tăng năng suất cây trồng. Công ty TNHH MTV Nông nghiệp công nghệ cao Trung An ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với hệ thống điều khiển tự động theo thời gian và độ ẩm của đất, giúp tiết kiệm 50% lượng nước tưới và tăng năng suất lúa lên 15%. Trong lĩnh vực ứng dụng máy bay không người lái (drone), Công ty Cổ phần Tập đoàn TH đã sử dụng drone để phun thuốc trừ sâu và bón phân cho cây trồng, giúp giảm chi phí lao động, tăng hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Hợp tác xã Nông nghiệp An Phú sử dụng drone để theo dõi và giám sát tình trạng cây trồng, giúp phát hiện sớm các loại sâu bệnh và đưa ra biện pháp phòng trừ kịp thời. Công ty Cổ phần Syngenta Việt Nam cũng đã sử dụng AI để dự đoán nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng và đưa ra biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Ngoài những ví dụ trên, còn rất nhiều ứng dụng AI khác đang được triển khai trong phát triển nông nghiệp và kinh doanh nông sản Việt Nam. AI có tiềm năng to lớn để giúp ngành Nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Khả năng ứng dụng AI vào việc kinh doanh nông sản online  
Nông dân nhỏ và các tiểu thương đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, họ thường gặp khó khăn trong việc tiếp thị và bán hàng, nhất là bán hàng trực tuyến qua internet (online). Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp họ giải quyết vấn đề này bằng cách tạo nội dung kỹ thuật số và hình ảnh hiệu quả để thu hút khách hàng tiềm năng. Tính khả thi và chi phí thấp của nền tảng AI giúp tạo ra môi trường cạnh tranh không chỉ cho họ, mà cho bất cứ ai biết áp dụng nó.
Trong kinh doanh nông sản online có sử dụng AI, khả năng tương tác giữa nông dân và người tiêu dùng được cải thiện. Nông dân có thể chia sẻ thông tin về phương pháp canh tác, chất lượng sản phẩm và những câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm. Điều này giúp tạo ra một liên kết mạnh mẽ hơn giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Hệ thống quảng cáo thông minh dựa trên dữ liệu phân tích từ hành vi trực tuyến của khách hàng giúp tối ưu hóa chiến lược quảng cáo và tăng cường hiệu suất tiếp thị. Với những người bận bịu, không có khả năng viết bài quảng cáo, họ có thể ứng dụng AI tự động viết bài blog, bài đăng trên mạng xã hội, mô tả sản phẩm… dựa trên thông tin được cung cấp bằng văn bản, hoặc bằng giọng nói. AI cũng có thể tạo hình ảnh và video sản phẩm chất lượng cao, thu hút sự chú ý của khách hàng, hoặc thiết kế logo, banner, infographic… để tăng hiệu quả tiếp thị sản phẩm nông sản.
Nhà nông có thể giúp khách hàng trải nghiệm mua sắm thông minh dựa trên VR (Thực tế ảo) và AR (Thực tế tăng cường) khi quyết định mua, tăng cường sự tin tưởng và thúc đẩy doanh số bán ra. VR là công nghệ mô phỏng một môi trường ảo hoàn toàn bằng kỹ thuật số, cho phép người dùng tương tác với môi trường đó thông qua các thiết bị như kính VR, bộ điều khiển và găng tay. Công nghệ này cho phép khách hàng "tham quan" trực tiếp trang trại, vườn cây ăn trái, nơi nuôi trồng thủy sản... để xem trực tiếp quy trình sản xuất nông sản; trải nghiệm thực tế ảo về cách thức thu hoạch, vận chuyển và bảo quản nông sản; tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ, thông tin dinh dưỡng và các chứng nhận chất lượng của sản phẩm. Còn AR là công nghệ chồng lấp các thông tin ảo lên trên môi trường thực tế mà người dùng đang nhìn thấy, thông qua các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc kính AR; hiển thị thông tin chi tiết về sản phẩm như tên, xuất xứ, giá cả, thành phần dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng... khi khách hàng quét mã QR hoặc hướng camera vào sản phẩm. Nó có thể so sánh giá cả và chất lượng của các sản phẩm khác nhau hoặc cho xem mô phỏng cách chế biến các món ăn từ nông sản. Tất nhiên, có thách thức cho người nông dân nhỏ hoặc người kinh doanh nông sản nhỏ là chi phí đầu tư ban đầu cho nó, cùng kiến thức đủ để vận hành nó. Tuy nhiên, vượt qua điều này, thì nhà nông nhỏ sẽ có cơ hội mở ra cánh cửa của một không gian rộng lớn. 
Người nông dân hoặc người bán nông sản online có thể tận dụng khả năng phân tích dữ liệu của AI về hành vi và sở thích của khách hàng, từ đó tạo nội dung tùy chỉnh để thu hút đối tượng mục tiêu. Họ cũng có thể thông qua công cụ thiết kế AI  để tạo ra hình ảnh quảng cáo, poster, và nội dung trực quan, thậm chí cả những hình ảnh siêu thực nhằm thu hút mắt của khách hàng, hoặc tăng kích cỡ, chất lượng của những tấm ảnh nhỏ, ảnh chụp mờ, hoặc ảnh chất lượng thấp thành những tấm ảnh đẹp chất lượng cao hơn. Thậm chí, công cụ AI còn có thể giúp họ mô tả sản phẩm, biến hình ảnh tĩnh thành một đoạn video clip sống động, giúp nâng cao chất lượng mô tả và thu hút sự chú ý của người dùng. AI cũng có thể giúp người bán hàng online xây dựng hệ thống thanh toán an toàn và tiện lợi, tăng cường sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng. 
Trong việc quản lý tổng thể, AI có thể giúp người bán nông sản quản lý tồn kho, dự báo nhu cầu và đảm bảo sẵn sàng cung ứng, tránh tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa. Để giúp cho việc trao đổi với khách hàng thông suốt, ngay cả khi người bán hàng vắng mặt, hệ thống chatbot AI có thể trả lời câu hỏi từ khách hàng và giúp giải quyết một số vấn đề nhanh chóng, không để vuột mất khách hàng. Tóm lại, AI có thể là công cụ hiệu quả giúp các nhà nông nhỏ và các tiểu thương tiếp thị và bán hàng qua kênh online, giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng hiệu quả tiếp thị và bán hàng, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Một số khó khăn, thách thức trong ứng dụng AI vào nông nghiệp
Dù có tiềm năng to lớn, tuy nhiên việc vận dụng AI vào phát triển nông nghiệp trên diện rộng tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức: 
Hạ tầng công nghệ để ứng dụng AI chưa tương ứng. Việt Nam còn thiếu dữ liệu nông nghiệp số hóa, đặc biệt là dữ liệu về điều kiện đất đai, khí hậu, giống cây trồng và vật nuôi. Việc thiếu dữ liệu ảnh hưởng đến hiệu quả và độ chính xác của các mô hình AI. Hạ tầng mạng viễn thông ở nhiều vùng nông thôn còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc kết nối internet và sử dụng các ứng dụng AI.
Nhân lực có trình độ chuyên môn để ứng dụng AI đạt hiệu quả trong nông nghiệp còn thiếu. Đa số nông dân Việt Nam chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để sử dụng các công nghệ AI. Việc đào tạo và hỗ trợ nông dân trong việc sử dụng AI cần được chú trọng. Chi phí đầu tư cho các hệ thống AI còn cao, có thể vượt quá khả năng tài chính của nhiều hộ nông dân nhỏ.
Đạo đức và môi trường: Việc sử dụng AI nói chung và sử dụng AI trong nông nghiệp nói riêng có thể dẫn đến những rủi ro về đạo đức, chẳng hạn như việc sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng, trong đó có nông dân hoặc việc sử dụng các công nghệ AI để thao túng thị trường. Việc sử dụng các hệ thống AI cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường nếu không được giới hạn và kiểm soát chặt chẽ, chẳng hạn như việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học tự động có thể gây ô nhiễm môi trường. Việc phát triển các hệ thống AI có thể dẫn đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức.
Khả năng thay thế lao động: Việc ứng dụng AI có thể dẫn đến việc thay thế lao động trong một số khâu sản xuất nông nghiệp, gây thất nghiệp cho một bộ phận người lao động trong nông nghiệp. Về an ninh mạng, các hệ thống AI có thể bị tấn công mạng, dẫn đến việc mất cắp dữ liệu hoặc gián đoạn hoạt động sản xuất.
Một số vấn đề cần lưu ý khác là AI có thể học hỏi và khuếch đại những thành kiến có sẵn trong dữ liệu được người dùng nạp vào, dẫn đến “phân biệt đối xử” với một số nhóm người. Thậm chí, người ta đang lo lắng đến khả năng AI có thể trở nên quá mạnh và con người có thể mất kiểm soát đối với nó.  
Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý cho việc áp dụng AI là một việc làm cấp bách để đảm bảo AI được sử dụng một cách hiệu quả và bền vững. Khung pháp lý cần được xây dựng và hoàn thiện để quản lý việc ứng dụng AI trong nông nghiệp nói riêng, trong đời sống nói chung một cách hiệu quả. Đồng thời, nhận thức của cộng đồng về AI và tiềm năng ứng dụng của nó cũng cần nâng cao. Chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi việc ứng dụng AI cũng cần được tính đến. Bên cạnh những khung chế tài cần có, nhà nước cũng cần khuyến khích phát triển các hệ thống AI có đạo đức và đảm bảo an ninh mạng; chú trọng bảo vệ môi trường và tài nguyên trong quá trình ứng dụng AI. 
Để ứng dụng AI hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, trong đó chú ý phát triển các mô hình AI phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp, thu thập và số hóa dữ liệu về điều kiện đất đai, khí hậu, giống cây trồng và vật nuôi Việt Nam là một trong những việc nền tảng cần làm sớm, vì AI hoạt động và huấn luyện trên cơ sở dữ liệu được nạp vào, nếu chỉ dùng dữ liệu của các quốc gia khác, thì những truy vấn của người dùng Việt Nam sẽ khó thu được thông tin chính xác, trúng đích. Từ góc độ đào tạo – dạy nghề, cần đào tạo và hỗ trợ nông dân trong việc sử dụng các công nghệ AI. Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ, những nông dân có điều kiện nên tiên phong tìm hiểu và học hỏi, nâng cao trình độ để “đi tắt, đón đầu” sử dụng hiệu quả AI.
Tóm lại, khắc phục những hạn chế hoặc đề phòng những rủi ro tiềm ẩn của AI trong phát triển nông nghiệp, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà, bao gồm Nhà nước, Doanh nghiệp, Viện nghiên cứu và Nông dân. Hoạt động này cần có sự phối hợp của nhiều bên và cần được thực hiện một cách thận trọng, có kế hoạch để đảm bảo hiệu quả và bền vững… Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn chỉnh khung pháp lý, có chính sách hỗ trợ và khuyến khích ứng dụng AI trong nông nghiệp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo việc sử dụng AI trong nông nghiệp được thực hiện một cách đạo đức và bền vững… Doanh nghiệp và Nhà nghiên cứu cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp AI phù hợp với điều kiện của nông nghiệp Việt Nam. Nông dân cần nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụngAI, sẵn sàng tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới tương ứng. Ngoài ra, trên lĩnh vực đối ngoại, cần mở rộng hợp tác với các quốc gia khác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển AI cho nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi các mô hình ứng dụng AI thành công từ các quốc gia khác để rút ngắn các quá trình nghiên cứu, ứng dụng AI vào nông nghiệp nói riêng, vào đời sống nói chung.