Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

TTCK: Nhóm Chứng khoán, ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường

Tú San - 14:10 04/06/2023 GMT+7
VN-Index tuần qua có mức tăng khá tốt so với những tuần giao dịch giằng co trước đó. Chỉ số tăng tổng cộng 27.08 điểm (tương ứng tăng 2.55%), thanh khoản toàn thị trường cũng được cải thiện đáng kể (tăng 32% so với tuần trước). Xét riêng về ngành, dòng Chứng khoán (tiêu biểu có VND, SSI, BSI) và Bất động sản (DIG, KBC,…) vẫn là những nhóm hút tiền nhất, nhiều cổ phiếu tiêu biểu của ngành này tăng giá vượt trội.

Chỉ số vẫn tăng trưởng với biên độ thấp

Thị trường giao dịch theo xu hướng Sideway up trong tháng 5 và đóng cửa phiên cuối tháng tại mốc 1.075 điểm, tương ứng tăng 2,55% so với tháng trước, thanh khoản bình quân phiên trên cả 3 sàn cũng cải thiện 9% đạt khoảng 14.500 tỷ đồng. Điều thú vị trong tuần qua chính là đầu tuần cổ phiếu Mid cap và Small cap thăng hoa nhưng cuối tuần lại bị bán chốt lời, dòng tiền luân chuyển sang nhóm Large cap - có thể thấy rõ nét ở 2 phiên cuối tuần.

Biên độ tăng vẫn còn thấp dù thanh khoản đã cải thiện - Ảnh TS

Về diễn biến giá các nhóm ngành, dòng tiền xoay tua giữa các nhóm để giữ nhịp cho chỉ số. Trong đó nhóm xây dựng và vật liệu, hóa chất lẫn dịch vụ tài chính dẫn đầu mức tăng giá trong tháng 5 với mức tăng khoảng 10%. Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 3.150 tỷ đồng trong tháng 5 tập trung vào các mã CTG, EIB, VNM. Chiều ngược lại mua ròng mạnh các mã STG, VIC, FPT. Ngược chiều với khối ngoại, tự doanh mua ròng với tổng giá trị gần 790 tỷ đồng. Top các mã tự doanh mua ròng nhiều nhất bao gồm EIB, TBD, DVN. Trái lại DNP, TCB, PET là 3 mã bán ròng chủ yếu.

Theo đó, các ông lớn thuộc nhóm VN30 (chủ yếu đến từ dòng Ngân hàng) là nhân tố chính nâng đỡ thị trường (trong phiên GD cuối tuần nhóm VCB, BID, TCB, MBB tăng giá mạnh tạo hiệu ứng cho chỉ số thị trường chung), do đó xét về độ rộng của nhóm VN30, chỉ có 5 mã giảm giá, 1 mã đứng giá (trong đó có 3 mã thuộc họ VIN) và 24 mã tăng giá.

Dự báo biến động trong tuần sắp tới

Trong tháng 5 mặc dù thường được gắn với hiệu ứng “Sell in May”, tuy nhiên VN-Index vẫn ghi nhận diễn biến khá tích cực khi tăng khoảng 2,5% và duy trì trạng thái sideway up. Thanh khoản thị trường cũng cải thiện gần 10% so với tháng trước, cho thấy lực cầu tham gia có xu hướng gia tăng. Agriseco Research cho rằng xu hướng tăng điểm của VN-Index sẽ xuất hiện rõ ràng hơn trong tháng 6 khi các chính sách vĩ mô nới lỏng được ban hành thời gian qua sẽ thẩm thấu vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, với việc Thượng viện Mỹ đạt được thỏa thuận về trần nợ công, kéo dài tới 01/01/2025, chúng tôi kỳ vọng các áp lực về lãi suất, tỷ giá có thể xuất hiện tại Việt Nam sẽ không đáng kể. Song nhà đầu tư cần chú ý tới khả năng nâng lãi suất điều hành của FED trong kỳ họp ngày 15/06 tới đây do chỉ số lạm phát lõi của Mỹ tiếp tục tăng 4,7% trong tháng 4, cao hơn tháng trước đó. Điều này cho thấy lạm phát dù hạ nhiệt so với đỉnh song vẫn cách xa mức mục tiêu 2% của FED.

Bà Hồ Mỹ Thể - Phó Giám đốc Chi nhánh miền Nam - Công ty CP Chứng khoán Agribank - Ảnh TS

Trao đổi cùng Tạp chí Nông Thôn Mới, Bà  Hồ Mỹ Thể - Phó Giám đốc Chi nhánh miền Nam - Công ty CP Chứng khoán Agribank cho rằng: “ Về diễn biến kỹ thuật, bước sang đầu tháng 6/2023, VN-Index cho tín hiệu vượt khỏi ngưỡng kháng cự dài hạn MA200 trên cả 2 chỉ số quan trọng là VN-Index và VN30-Index. Đây là lần đầu tiên chỉ số đạt được mốc này kể từ thời điểm trải qua xu hướng giảm giá dài hạn bắt đầu vào tháng 04/2022. Với diễn biến lac quan trên, Agriseco Research kỳ vọng thị trường sẽ ghi nhận xu hướng tăng giá trong tháng 6, điểm số dao động từ 1.080 – 1.150 điểm. Vì vậy, các nhịp điều chỉnh của VN-Index về vùng hỗ trợ dài hạn sẽ là cơ hội để nhà đầu tư mua vào hoặc tăng tỷ trọng với các vị thế sẵn có. Với kỳ vọng thời gian tới xu hướng hồi phục sẽ xuất hiện, tôi đưa ra một số cơ hội đầu tư trong tháng 6 để nhà đầu tư tham khảo bao gồm: Thứ 1: Nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tiền tệ gần đây như Ngân hàng (qua Thông tư 02-03 giúp giãn nợ và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, từ đó cải thiện KQKD), Chứng khoán (thể hiện qua việc lãi suất giảm giúp dòng tiền dịch chuyển sang kênh đầu tư có lợi suất sinh lời kỳ vọng cao hơn), Xây dựng hạ tầng (lãi suất cho vay thấp sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng đẩy nhanh tiến độ thi công). Thứ 2: Nhóm doanh nghiệp có kỳ vọng lợi nhuận Quý II khả quan so với cùng kỳ, bao gồm nhóm vận tải hàng không, nhiệt điện, dầu khí. Thứ 3: Một số doanh nghiệp hưởng lợi từ câu chuyện Quy hoạch điện VIII đi vào vận hành, như nhóm doanh nghiệp tư vấn thi công, xây lắp điện (PC1, FCN, TV2, PVS), vận hành điện tái tạo (GEG, HDG)”.

Ông Trần Đình Khánh - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Funan - Ảnh TS

Cùng quan điểm trên, Ông Trần Đình Khánh - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Funan nhận định: “Tuần qua là một tuần tăng điểm rất tích cực của VNIndex, nhóm cổ phiếu Large cap sau một thời gian trầm lắng đã giao dịch khởi sắc góp phần đưa VNIndex thoát khỏi trạng thái giằng co 2 tuần trước đó và vượt hẳn kháng cự 1.080  điểm khi kết thúc tuần tại 1.090,84 điểm. Với diễn biến hiện tại (cộng với diễn biến tích cực trên thị trường thế giới nhất là Mỹ ở cuối tuần), tuần tới VN-Index có thể tiếp cận vùng kháng cự mạnh 1.100-1.110 điểm. Mặc dù lạc quan với xu hướng thị trường trong trung và dài hạn sau các động thái nới lỏng chính sách hỗ trợ tăng trưởng từ các cơ quan quản lý, thị trường trong ngắn hạn đang khá nóng, nhà đầu tư cần thận trọng nếu mua mới, mua đuổi/fomo khi giá đã bứt xa khỏi nền dễ gặp rủi ro chốt lời ngắn hạn. Thay vào đó, nhà đầu tư kiên nhẫn chờ thị trường điều chỉnh, quan sát lực cầu hấp thụ và chú ý dòng tiền (vẫn đang) luân chuyển giữa các nhóm ngành trước khi giải ngân. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, có thể tiếp tục giữ vị thế nhưng chủ động các kịch bản chốt lời/chốt lời từng phần nhằm bảo toàn lợi nhuận. Nhóm ngành chúng tôi khuyến nghị quan sát khi thị trường điều chỉnh là chứng khoán, bất động sản, đầu tư công”.