Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhận định "sức khoẻ" nhóm cổ phiếu ngân hàng sau giảm lãi suất

Tú San - 14:35 28/05/2023 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-NHNN ngày 23 tháng 5 năm 2023 về việc điều chỉnh lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 25/5. Đây là lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế kể từ đầu năm 2023.

Nhóm ngân hàng hạ lãi suất nhưng có thể vẫn chưa “có sóng”

Vừa qua, NHNN đã quyết định giảm lãi suất điều hành là 0,5 điểm phần trăm. Quyết định giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/05/2023. Trong đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống còn 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5% xuống còn 5% và lãi suất cho vay qua đêm giảm từ 6% xuống 5,5%/năm. Hoạt động cắt giảm lãi suất này xuất phát từ yêu cầu của Chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế đang rất trì trệ.

Có thể nói đây là hoạt động cần thiết và hợp lý khi các tiêu các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô: Thứ nhất, áp lực về lạm phát chưa đáng lo ngại (kế hoạch lạm phát 2023 ở mức 4,5%, cao hơn so với mức 4% của năm 2022; CPI tháng 4/2023 giảm 0,34% MoM. Thứ hai, các chỉ báo về sản xuất tiêu, tiêu dùng đang xấu đi, trong khi, hoạt động giải ngân đầu tư công vẫn chậm, việc hạ lãi suất điều hành được kỳ vọng là công cụ mạnh giúp giảm lãi suất cho vay, kích thích tiêu dùng, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất.Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối tính từ đầu năm nay giúp ổn định tỷ giá. Theo đó, mức lãi suất điều hành như trên đang xấp xỉ với lãi suất điều hành của Mỹ. Điều này tạo ra áp lực rút vốn từ nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, (họ đã bán ròng 6.757 tỷ đồng kể từ ngày 29/03/2023 – 26/05/2023). Có thể nói đây chỉ là áp lực về dòng tiền trong ngắn hạn, áp lực này có thể sẽ hạn nhiệt dần khi FED xác nhận lãi suất ở Mỹ đạt đỉnh.

Ông Cao Đức Tài - Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư NextGen Capital - Ảnh TS

Với những động thái trên, ông Cao Đức Tài - Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư NextGen Capital nhận định: “Nhóm ngành Ngân hàng dù được đánh giá sẽ tích cực hơn khi giảm lãi suất. Tuy nhiên, diễn biến giá trên thị trường của ngành này vẫn khá ảm đạm và phân hóa khi nước ngoài liên tục rút vốn cùng với lực cầu trong nước yếu. Chỉ có một vài cổ phiếu tăng giá tích cực như VCB (đóng vai trò giữ nhịp cho Vn–Index) hay như STB (cổ phiếu có nhiều câu chuyện riêng). Nhìn chung các cổ phiếu ngân hàng đang trong giai đoạn tích lũy. Trong bối cảnh chưa có sự đồng thuận giữa các bên tham gia thị trường như hiện tại, chúng tôi đánh giá dòng tiền chưa đủ mạnh để tạo ra sóng lớn cho ngành Ngân hàng”.

Ông Nguyễn Thái Quốc – Phó Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Agribank – Chi nhánh miền Nam. Ảnh TS

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thái Quốc – Phó Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Agribank – Chi nhánh miền Nam cũng cho rằng:Mặc dù nhiều thông tin tích cực về chính sách vĩ mô xuất hiện trong tuần song điểm số VN-Index không có sự thay đổi đáng kể. Tôi cho rằng nguyên nhân có thể xuất phát từ: (1) Các thông tin về chính sách dường như đã được dự báo trước, do đó không tác động nhiều đến tâm lý nhà đầu tư. (2) Trong bối cảnh thị trường thế giới xuất hiện nhiều yếu tố bất định liên quan tới khả năng FED có thêm 1 đợt tăng lãi suất và câu chuyện đàm phán trần nợ công của Mỹ và khối ngoại tiếp tục gia tăng quy mô bán ròng tập trung vào nhóm vốn hóa lớn đã gây áp lực cho chỉ số”.

Vẫn sẽ có những cổ phiếu “vượt trội” đáng đầu tư  

Hiện nay, các ngân hàng ở Việt Nam đang có tỷ lệ đòn bẩy ở mức tương đối cao. Tỷ lệ tài sản/vốn chủ sở hữu trung bình của toàn ngành (27 ngân hàng niêm yết) là 11,5x tại thời điểm cuối quý 1 năm 2023. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) chung của các ngân hàng Việt Nam vào khoảng 11,7% tại thời điểm cuối tháng 12/2022, trong đó các ngân hàng nước ngoài (19,2%) và ngân hàng thương mại cổ phần (12%) là 2 thành phần đóng góp nhiều nhất. Tuy nhiên, các ngân hàng có vốn nhà nước lại có “độ đệm” vốn khá mỏng với CAR chỉ ở mức 9,2%, chỉ cao hơn một chút so với yêu cầu tối thiểu của Basel II là 8%. Vì vậy, các ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng có vốn nhà nước sẽ cần huy động thêm vốn để đảm bảo an toàn hoạt động. Nguồn vốn mạnh (đặc biệt là Vốn cấp 1) sẽ là nền tảng quan trọng để ngân hàng hỗ trợ cho vay, đáp ứng các yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn lẫn chống chịu các tổn thất ngoài dự kiến. Theo đó, những cổ phiếu ngân hàng có chất lượng cao vẫn sẽ “vượt trội” mặc dù toàn ngành vẫn trong trạng thái tích luỹ.

Ông Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Phân tích – Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam - Ảnh TS

Ở góc nhìn tích cực hơn về nhóm ngành Ngân hàng, ông Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Phân tích – Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra một số phân tích cụ thể dựa trên một số chỉ số kỹ thuật: phản ánh tiềm năng tăng trưởng, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ cho vay/huy động,  ở mức thấp giúp ngân hàng linh hoạt trong việc mở rộng cho vay, trích lập dự phòng và mức độ đạt lợi nhuận trong thời gian tới để đưa ra nhận định tích cực về cổ phiếu một số ngân hàng.

Như vậy, các chính sách về lãi suất hiện nay cũng chỉ là giải pháp tạm thời nhưng nó cũng sẽ hỗ trợ phần nào cho các ngân hàng đang chịu ảnh hưởng nhiều từ trái phiếu doanh nghiệp. Các ngân hàng này có khả năng phải tiếp tục đối mặt với những thách thức; nhưng ít nhất, các chính sách mới có thể khôi phục phần nào niềm tin của nhà đầu tư. Tỷ lệ CASA (tổng hợp của 27 ngân hàng niêm yết) đã giảm đáng kể -3 điểm phần trăm QoQ/-5 điểm phần trăm YoY xuống chỉ còn 18,5% trong quý I/2023, nguyên nhân là do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn cao cùng với tăng trưởng tín dụng giảm trong quý. Tuy nhiên, thị trừng vẫn kỳ vọng CASA sẽ tăng trở lại trong các quý tới, do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn giảm sau các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN vào tháng 03/2023 và tháng 4/2023. Có thể NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành, điều này có thể khiến lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tiếp tục giảm, và tăng lượng tiền gửi CASA.