Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thị trường chứng khoán: Vẫn tăng điểm dù khối ngoại bán ròng

Tú San - 16:56 11/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thị trường tuần qua đã có động thái giao dịch cải thiện cả về điểm số lẫn thanh khoản. Kết phiên giao dịch cuối tuần, VN – Index đóng cửa tại mốc 1.108 điểm, tương ứng tăng 1,5%. Thanh khoản bình quân phiên trên cả 3 sàn đạt khoảng 21.200 tỷ đồng tăng 15% so với tuần trước.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng nhưng thị trường vẫn tăng điểm

Sắc xanh bao phủ phần lớn thị trường trong đó nhóm y tế, ô tô phụ tùng và tài nguyên cơ bản dẫn đầu với mức tăng giá lần lượt là 6,5%; 5,7% và 5,5%. Ngược lại nhóm dầu khí giảm mạnh nhất tuần qua với mức giảm hơn 1%. Xét theo vốn hóa, dòng tiền tuần qua có xu hướng dịch chuyển sang nhóm vốn hóa lớn. Về giá cả 3 chỉ số chính là VN30, VNMID và VNSMALL đều tăng trên 1% so với đầu tuần.

Tuần trước, dòng tiền ETF (giao dịch khối ngoại) dường như đang quay trở lại Hàn Quốc và Đài Loan, thoát ra khỏi Đông Nam Á ngoại trừ Singapore. Khối ngoại tiếp tục rút ròng khỏi thị trường tuần qua với tổng giá trị đạt gần 570 tỷ đồng trên cả 3 sàn tập trung vào các mã VNM; CTG; ST8. Trái lại mua ròng chủ yếu các mã SSI, VND, VHM.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phòng Nghiên cứu khối khách hàng cá nhân của Yuanta - Ảnh TS

Nhận định về xu hướng này,ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phòng Nghiên cứu khối khách hàng cá nhân của Yuanta cho biết: “Về dòng vốn của các quỹ ở châu Á cũng như tại thị trường Việt Nam đang nằm trong các yếu tố:

1-  Tại châu Á, khối ngoại tiếp tục bơm ròng thêm 2.3 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Đài Loan (- 1,6% Wow) và 1,1 tỷ USD (-3,2 WoW) vào thị trường chứng khoán Hàn Quốc.

2 - Thị trường Thái Lan và Việt Nam ghi nhận tuần lễ giao dịch kém tích cực của khối ngoại, khi lần lượt ghi nhận dòng tiền rút ròng -352 triệu USD và -95 triệu USD.

3 - Các quỹ ETF đầu tư vào các nước trong khu vực Đông Nam Á rút ròng tổng cộng 5.9 triệu USD ở hầu hết các thị trường, ngoại trừ Singapore với 11.1 triệu USD huy động ròng qua kênh ETF.

4 -Tại Việt Nam, các quỹ ETF tiếp tục bị rút ròng thêm 10.5 triệu USD, trong đó phần lớn đến từ động thái rút ròng ở các quỹ nội (riêng quỹ E1VFVN30 đã rút ròng 6.4 triệu USD trong tuần qua).

5 - Trong tuần qua, khối ngoại bán ròng 2.3 nghìn tỷ đồng tại thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy đây là đợt bán ròng lớn nhất của khối ngoại kể từ tháng 10/2022”.

Nhóm năng lượng và đầu tư công tiếp tục điểm sáng của thị trường

Tại cuộc họp ở Vienna (Áo) ngày 4/6/2023, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí điều chỉnh sản lượng khai thác ở mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024. Cùng ngày, Bộ Năng lượng Saudi Arabia thông báo, nước này sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023 và có thể tiếp tục kéo dài khoảng thời gian cắt giảm nếu Riyadh thấy cần thiết. Một số quốc gia khác trong khuôn khổ OPEC+ gồm Iraq, Oman, Algeria, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu.

Tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho biết tình hình nắng nóng gay gắt tại miền Bắc và hiện tượng El nino đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của người dân, cùng với việc nước về các hồ thủy điện rất thấp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện. Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 - 17.900MW, tương ứng khoảng trên 59% công suất lắp đặt. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Do đó Hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng thiếu hụt khoảng trên 4.300MW. Từ đó cho thấy nguồn năng lượng thiếu hụt sẽ tác động đến giá của nguồn tài nguyên năng lượng trong thời gian tới cũng sẽ gây ra những tác động lên nhóm cổ phiếu của ngành này trên thị trường chứng khoán trong nước.

Ông Bùi Văn Đức – Phó trưởng Phòng Môi giới và tư vấn đầu tư – Agriseco miền Nam - Ảnh TS

Chia sẻ với phong viên Tạp chí Nông thôn mới, ông Bùi Văn Đức – Phó trưởng Phòng Môi giới và tư vấn đầu tư – Agriseco miền Nam nhận định: “Tiếp nối đà tăng từ cuối tuần trước, VN-Index bứt phá mốc 1.100 điểm trong những phiên đầu tuần nhờ dòng tiền xoay tua sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Càng lên cao áp lực chốt lời ngắn hạn càng gia tăng khiến chỉ số quay lại trạng thái tích lũy trong biên độ 1.100 – 1.115 điểm. Tôi cho rằng điều này là cần thiết giúp chỉ số đi lên bề vững trong tương lai. Đáng chú ý trong tuần qua, thanh khoản có sự cải thiện đáng kể khi tăng 15% so với tuần trước đạt trên 21.200 tỷ đồng. Thanh khoản tăng nhờ dòng tiền nhà đầu nội tham gia tích cực có thể xuất phát từ (1) Những chính sách vĩ mô ban hành thời gian qua đang bắt đầu phát huy hiệu quả giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp từng bước khôi phục so với các tháng trước và (2) Các khoản tiền gửi lãi suất cao dần đến thời điểm đáo hạn sẽ thúc đẩy dòng tiền chảy sang kênh chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động hạ nhiệt. Tuy nhiên, sự kiện công bố lãi suất điều hành của FED và phiên đáo hạn phái sinh đồng thời diễn ra vào ngày 15/6/2023 sắp tới có thể khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Dự báo tuần sau, thị trường tuần sau sẽ vận động trong biên độ 1.090 – 1.125 điểm. Nhóm chủ đề đầu tư công (xây dựng, vật liệu xây dựng) với lãi suất cho vay hạ nhiệt sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên cạnh đó, 3 dự án cao tốc và 2 dự án vành đai dự kiến khởi công trong tháng 6 cũng sẽ là tin tức hỗ trợ nhóm này”.

Theo đó, nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên ưu tiên thu hẹp danh mục bằng cách hiện thực hóa lợi nhuận từng phần với những mã đã đạt hiệu suất kỳ vọng và tham gia trở lại khi chỉ số về kiểm định các vùng hỗ trợ, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng trong quý 2/2023 với cơ cấu tài chính lành mạnh và đang có mức định giá phù hợp để mua vào ở mức hợp lý nhất trong từng giai đoạn.