Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Từ nguồn vốn Quỹ, nhiều mô hình hay đã ra đời

07:46 16/04/2021 GMT+7

Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) đã hỗ trợ cho 1.146 hội viên nông dân tỉnh Thái Nguyên nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này, nông dân Thái Nguyên đã mạnh dạn xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng cây ăn quả của anh Lương Trung Thành (ở xóm Đồng Mới, xã Phú Thượng, Võ Nhai, Thái Nguyên) mỗi năm thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng. Ảnh: T.N

Nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân

Những năm qua, Hội ND Thái Nguyên đã tích cực hỗ trợ nông dân các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất. Nguồn vốn Quỹ HTND do Hội ND tỉnh quản lý đã giải ngân cho 1.146 hộ vay hơn 39 tỷ đồng thực hiện 101 dự án. Trong đó: Có 53 dự án trồng trọt (chiếm 52,48%); 38 dự án chăn nuôi (chiếm 37,62%); 2 dự án thủy sản (chiếm 1,98 %); 8 dự án làng nghề (chiếm 7,92%).

Một số mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng như: Dự án nuôi bò thương phẩm tại xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ 10 hộ được vay 300 triệu đồng nguồn Quỹ HTND Trung ương. Tổng đàn bò ban đầu là 20 con, đến nay, các hộ đã tăng đàn lên 30 con. Dự án đã thành lập Tổ liên kết chăn nuôi và tiêu thụ bò thương phẩm đảm bảo đầu ra ổn định. Ngoài 10 hộ tham gia dự án còn có trên 10 hộ ngoài dự án đăng ký tham gia vào Tổ và mỗi hộ đầu tư trên 3 con bò thương phẩm.

Hay dự án cải tạo, chăm sóc chè, tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương với 20 hộ tham gia vay 1 tỷ đồng. Điển hình như hộ ông Tô Văn Khiêm trồng 5.000m2 chè, tổng sản lượng mỗi năm 654kg chè/năm, giá bán từ 400.000 đồng – 1,5 triệu đồng/kg, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Dự án thành lập được Tổ hợp tác với 20 thành viên luôn hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên ở xóm Cà, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình là 1 trong 10 thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND để phát triển thương hiệu gà đồi theo hướng an toàn sinh học. Khi tham gia dự án, ông còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi cũng như cách phòng dịch bệnh cho đàn gà do Hội tổ chức. Với diện tích chăn nuôi của gia đình khoảng 1,5ha trong đó có 750m2 là diện tích chuồng trại nuôi gà đồi, trung bình mỗi lứa ông nuôi khoảng 6.000 con gà giống và gà thịt. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán từ 10.000 – 20.000 con gà thịt thương phẩm đạt doanh thu từ 1 – 1,2 tỷ đồng/năm.

Được sự hỗ trợ của Quỹ HTND huyện Phú Bình, gia đình ông Nguyễn Văn Đường ở tổ 3, thị trấn Hương Sơn phát triển mô hình lò ấp trứng gà với 28 lò ấp có công suất 15.000 trứng/lò. Hiện nay, ông Đường còn đầu tư thêm 10.000m2 làm trang trại nuôi 6.000 con gà mái đẻ phục vụ nhu cầu ấp nở trứng.

Trung bình một năm 28 lò ấp trứng của gia đình ông cho sản lượng khoảng 5,04 triệu quả trứng, tương đương với 4,03 triệu con gà giống. Mỗi năm doanh thu từ ấp trứng gà và bán con giống gia cầm của gia đình ông đạt 3 tỷ đồng.

Thành viên Hợp tác xã Đông Thịnh thăm quan mô hình chăn nuôi gà sử dụng men sinh học tại hộ xã viên Phùng Đình Thắng (bên trái) tại xã Tân Khánh (Phú Bình). Ảnh P.T

Võ Nhai – điểm sáng quản lý, sử dụng vốn hiệu quả

Theo báo cáo Hội ND tỉnh Thái Nguyên, năm 2020, mặc dù có nhiều diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là dịch Covid-19 nhưng công tác Hội và phong trào nông dân trong tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới, sát với tình hình thực tiễn. Trong năm, các cấp Hội trên toàn tỉnh đã kết nạp được 3.783 hội viên; thành lập 12 chi, tổ hội nghề nghiệp; vận động trên 100 nghìn hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.

Hội ND huyện Võ Nhai là một trong những đơn vị huyện Hội quản lý tốt nguồn vốn Quỹ HTND. Với tổng nguồn vốn Quỹ HTND 4,7 tỷ đồng, Hội ND huyện Võ Nhai đang triển khai thực hiện 13 dự án, với 120 hộ vay. Năm 2018, Hội ND xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai được chọn để triển khai thực hiện Dự án trồng cây ăn quả với tổng nguồn vốn Quỹ HTND là 500 triệu đồng cho 10 hội viên vay. Sau hơn 2 năm thực hiện, ngoài nâng cao thu nhập, các hộ còn có thêm kinh nghiệm trong việc chuyển đổi, chăm sóc cây trồng, tận dụng sức lao động để tiết kiệm chi phí.

Điển hình như anh Lương Trung Thành ở xóm Đồng Mới, xã Phú Thượng sau khi được vay 50 triệu đồng Quỹ HTND đã đầu tư cải tạo vườn nhãn kết hợp với trồng ổi và chăn nuôi gà thả vườn. Hiện, mỗi năm anh Thành cũng có thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Đức Hảo, Chủ tịch Hội ND xã Phú Thượng, trong quá trình cho vay, Hội ND xã đã khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ hội viên, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. Đồng thời, Hội định hướng cho các hộ hội viên sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi.

Ông Nông Xuân Trường – Chủ tịch Hội ND huyện Võ Nhai cho biết: “Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, các cấp Hội ND đã phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, cho vay đúng đối tượng. Cùng với đó, Hội tổ chức tập huấn cách quản lý, sử dụng vốn vay và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên để vận dụng vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế, từ đó có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Cùng với nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã phối hợp với các ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ gần 16.000 hộ hội viên vay vốn, vật tư với tổng số giá trị quy tiền là hơn 1.600 tỷ đồng; phối hợp mở gần 1.700 lớp dạy nghề và chuyển giao khoa học – công nghệ cho hơn 90.000 lượt hội viên, nông dân tham gia… Qua đánh giá, năm 2020, toàn tỉnh Thái Nguyên có 53.210 hộ nông dân trong tỉnh đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.

Anh Huy