Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925-21/6/2024) CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925-21/6/2024)

Phản hồi thông tin đăng trên Tạp chí Nông thôn mới:

UBND huyện Sơn Hà yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp

Ngô Chức - Đức Vượng - 11:15 29/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 15/5/2024, Tạp chí Nông thôn mới đăng tải bài viết phản ánh về tình hình xây dựng trên đất nông nghiệp tại Tổ dân phố Cà Đáo, Thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi nhiều năm nhưng chưa bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đến ngày 22/5, UBND huyện Sơn Hà đã có văn bản yêu cầu UBND Thị trấn Di Lăng và các phòng ban chuyên môn xử lý dứt điểm tình trạng này.
Ven đường 24B xuất hiện nhiều căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp từ những năm 2020 (ảnh do người dân cung cấp).

Trước đó, ngày 15/5/2024 Tạp chí Nông thôn mới có đăng bài về ở Thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi nhiều năm nay có tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp tuy nhiên chưa bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, hộ gia đình anh Võ Duy Tâm có một thửa ruộng để cấy lúa, đến năm 2005, do tuổi cao sức yếu, ông Võ Hồng Long - bố anh Tâm - cho ông Bé mượn. Sau này bố anh Tâm mất, ông Bé làm được mấy vụ rồi sau này không trả ruộng, sau này nơi đây như bị bỏ hoang.

Năm 2009, nhà nước mở rộng Tỉnh lộ 24B, lợi dụng điều này, bà Huỳnh Thị Thuý (người dân địa phương) đã chiếm phần đất cấy lúa chung của các hộ dân có ruộng liền kề và cộng thêm phần đất gieo mạ của gia đình bà để xây nhà ở kiến cố, hiện tại 2 căn nhà được xây dựng trên đất nông nghiệp do ông Tuấn và bà Thúy xây dựng không những xây dựng trên đất nông nghiệp mà hộ gia đình này còn lấp dòng chảy của con kênh ven Tỉnh lộ 24B, vì vậy đã khiến dòng chảy của con kênh vốn đã nhỏ hẹp, ảnh hưởng tới nguồn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp của các hộ dân nơi đây nhưng chính quyền địa phương chưa xử lý hành vi này.. Hiện tại, phần kênh còn sót lại tại thửa ruộng của một số hộ dân sau khi bị nhà ông Tuấn chặn dòng, đã trở thành một vũng nước, không thể phục vụ tưới tiêu canh tác nông nghiệp dẫn đến tình trạng hoang hóa đất…

Sau khi bị san lấp một phần để xây nhà, con kênh ven Tỉnh lộ 24B hiện tại chỉ còn lại là một vũng nước nhỏ, không thể phục vụ tưới tiêu.

Sau thông tin phản ánh của Tạp chí Nông thôn mới, ngày 21/5/2024 UBND huyện Sơn Hà đã tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan. Đến ngày 22/5/2024, UBND Huyện Sơn Hà có văn bản số 136/TB - UBND về việc “Thông báo kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND huyện tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan đến việc tham mưu giải quyết nội dung liên quan đến báo chí phản ánh ngày 15/5/2024” do ông Bùi Văn Năng, Chánh Văn phòng UBND huyện Sơn Hà ký.

Tại buổi làm việc ngày 21/5, thành phần tham gia có đại diện lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị như: Kinh tế và Hạ tầng; Tài nguyên và Môi trường; Công an huyện; Văn phòng Đăng kí đất đai Chi nhánh khu vực Sơn Hà - Sơn Tây; Đảng ủy thị trấn Di Lăng và lãnh đạo UBND thị trấn Di Lăng.

Sau khi nghe lãnh đạo UBND thị trấn Di Lăng, Phòng Tài nguyên và Môi trường báo cáo các nội dung liên quan đến vấn đề Tạp chí Nông thôn mới phản ánh, cũng như lắng nghe ý kiến của các đại biểu tham gia dự họp, bà Đinh Thị Trà, chủ tịch UBND huyện Sơn Hà có kết luận như sau:

“Trong những năm qua công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng luôn được UBND huyện đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên, tại một vài địa phương, chính quyền địa phương thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn đến tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp nhưng không kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định như báo chí đã phản ánh...” Chủ tịch UBND huyện xác nhận thông tin mà Tạp chí Nông thôn mới phản ánh là chính xác.

Cương quyết xử lý, buộc phải khôi phục hiện trạng ban đầu

Cũng tại văn bản số 136/TB ngày 22/5/2024 của UBND huyện Sơn Hà cũng nêu rõ: Để giải quyết, xử lý các tồn tại trong cống tác quản lý đất đai theo báo chí phản ánh, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban chuyên môn của huyện và UBND thị trấn Di Lăng nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện.

 Văn bản số 136/TB của UBND huyện Sơn Hà.

Đối với UBND thị trấn Di Lăng cần khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác định hành vi vi phạm của các hộ dân theo như phản ánh của báo chí (Tạp chí Nông thôn mới); xác lập hồ sơ đối với các hành vi vi phạm, báo cáo kết quả kiểm tra về UBND huyện (qua Phòng Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng HĐND và UBND huyện) trước ngày 25/5/2024; đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, tiến hành xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời trình cấp thẩm quyền xử lý theo quy định; cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm minh, đúng quy định đối với các trường hợp lấn, chiếm, chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, đặc biệt là việc xây dựng nhà, tạo lập công trình trên đất nông nghiệp; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm, buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng cố tình không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm thì thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo thẩm quyền.

Cũng theo văn bản trên, UBND đề nghị trưởng các phòng: Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế - Hạ tầng, Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ UBND thị trấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND huyện xử lý theo thẩm quyền và khẩn trương thực hiện/.

Quảng Ngãi: Xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp nhiều năm chưa bị xử lý
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều biện pháp nhằm xử lý, ngăn chặn xây dựng công trình trái phép nhưng tình trạng này vẫn còn tái diễn ở một số địa phương. Tại huyện Sơn Hà, một số công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn “mọc lên", gây hệ lụy xấu đối với đời sống, sản xuất kinh tế của người nông dân nơi đây.