Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vẹn nguyên ký ức Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trên Đài Tiếng nói Việt Nam

12:10 20/01/2023 GMT+7
25 năm trước (1997), Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm lần đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (1947). Cứ mỗi dịp xuân về, ôngTrần Đức Nuôi, nguyên Trưởng Ban Thư ký Biên tập VOV, vẫn nhớ như in sự kiện ý nghĩa và xúc động này.

Nhà báo Trần Mai Hạnh về làm Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) chưa đầy 2 tháng đã cho Trưởng ban Thư ký biên tập “phản ứng phòng vệ”: Hễ giữa trưa hay cuối giờ, Tổng Giám đốc đi thẳng vào phòng, ngồi xuống lau kính là có vấn đề mới, có lệnh mới, thường là khẩn cấp.

ven nguyen ky uc bac ho doc tho chuc tet tren Dai tieng noi viet nam hinh anh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhà báo Trần Mai Hạnh-Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (thời điểm đó) dự lễ kỷ niệm lần đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Có một buổi trưa như thế vào đầu năm 1997. Theo thói quen, Tổng Giám đốc đi thẳng vào vấn đề: “Tháng nữa thôi, chúng ta sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm, lần đầu tiên Bác Hồ đọc thư chúc Tết trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Phải làm long trọng, thiêng liêng, ấm cúng ông ạ.

Theo tôi có 3 việc trọng tâm: một là phải có bài phát biểu trang trọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hai là phải mời được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự, đặc biệt là mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ba việc này, tôi giao cho ông, ông thảo văn bản, tôi sửa, ông thấy thế nào?” Tôi nghĩ bụng, "còn thấy gì nữa, thủ trưởng giao việc thì cán bộ dưới quyền phải làm thôi. Vấn đề là làm như thế nào để trong tháng phải hoàn thành khối lượng công việc ngồn ngộn như vậy."

Trước hết, phải viết ngay bài dự thảo phát biểu của Tổng bí thư Đỗ Mười tại cuộc lễ trọng này. Tính tôi thế, từ ngày làm báo đến giờ, chưa đặt được tít là chưa khai bút. Đọc mãi tài liệu, nghĩ mãi rồi cũng ra tít: “Lớp lớp thế hệ con cháu Bác Hồ mãi mãi không bao giờ quên lời thơ chúc Tết của Người”.

Chiều muộn. Tổng Giám đốc đi họp về, ghé phòng, nói ngay: “Được chữ nào chưa?” “Hơn trang rồi anh ạ.” “Tốt. Thế này nhé. Tôi sẽ chịu trách nhiệm mời lãnh đạo đến thăm Đài. Ông viết bài phát biểu. Mỗi lần như thế là một dịp mình tổng kết lại các vấn đề của đài quốc gia. Nói thật, bài của tôi là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc khi đăng báo Nhân dân họ cũng cắt xén, đừng nói là của ông. Còn bài của các Cụ “tứ trụ” thì đăng nguyên văn. Quan trọng hơn nữa, ý kiến của các Cụ là trọng lượng, tăng vị thế của đài quốc gia. Ông hiểu chửa? Bắt đầu từ bài này, ông phải tìm ra ý tứ có tính tổng kết, nhé”. Sếp nói xong đi ngay, còn lại ngổn ngang tài liệu và những dòng chữ mới, ngổn ngang không kém.

Yên tĩnh trở lại, tôi đắm mình vào câu chữ: “Chúng ta vô cùng xúc động nhớ lại những năm tháng kháng chiến trước đây, trong ngục tù hay ở những vùng địch tạm chiếm, đồng bào, chiến sỹ ta đã tìm mọi cách lắng nghe qua máy thu thanh lời thơ chúc Tết của Bác Hồ từ Hà Nội, trái tim của cả nước.

Dù ở bưng biền Đồng Tháp hay giữa Sài Gòn, ở miền Đông gian lao mà anh dũng, hay Tây nguyên, Khe Sanh, Quảng Trị, Vĩ tuyến 17, không ai ngăn nổi làn sóng phát thanh để mỗi Giao thừa thiêng liêng được nghe thơ Bác. “Bác Hồ gọi ấy là mùa Xuân đến”.

ven nguyen ky uc bac ho doc tho chuc tet tren Dai tieng noi viet nam hinh anh 2

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Lớp lớp thế hệ con cháu Bác Hồ hôm nay và mai sau mãi mãi không bao giờ quên lời chúc Tết Đinh Hợi (1947) của Người. Đài Tiếng nói Việt Nam được vinh dự thay mặt hệ thống thông tin đại chúng cả nước lần đầu tiên truyền đi Thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào chiến sỹ cả nước và kiều bào ở nước ngoài, cho đến mùa thu 1969, Bác kính yêu mãi mãi đi xa. Đêm Giao thừa lắng nghe thơ Bác trở thành nét đẹp truyền thống trong dòng chảy văn hóa Việt."

Vậy là ổn. Tôi chuyển sang dự thảo thư mời gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thực tình, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa viết thư cho lãnh đạo cấp trên. Một bài không có tít, thật sự khó viết. Tôi sưu tầm tài liệu, liệt kê những sự kiện “Đại tướng với Đài Tiếng nói Việt Nam”. Thoạt đầu, Đài Tiếng nói Việt Nam là một bộ phận thuộc Nha Thông tin tuyên truyền trong Bộ Nội vụ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp là một trong hai người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ phải lập cho bằng được Đài Phát thanh Quốc gia, càng sớm càng tốt để phục vụ cách mạng. Với tư cách là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng, ngày 19 tháng 12 năm 1946 đồng chí Võ Nguyên Giáp đã mật lệnh: Khi Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo cuộc kháng chiến bắt đầu là nhất tề mệnh lệnh xông lên diệt giặc cứu nước.

Ngày 2/9/1947, kỷ niệm lần thứ 2 Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cưỡi ngựa đến Đài Tiếng nói Việt Nam đang đóng tại Bắc Kạn trực tiếp nói chuyện qua làn sóng với đồng bào chiến sỹ cả nước. Đêm 7/5/1954, Đại tướng ký Thông cáo chiến thắng Điện Biên Phủ để kịp sáng hôm sau 8/5 qua làn sóng Đài Phát thanh quốc gia truyền đi tin mừng chiến thắng.

ven nguyen ky uc bac ho doc tho chuc tet tren Dai tieng noi viet nam hinh anh 3

Nhớ về 25 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự lễ kỷ niệm lần đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trưa 30 tháng 4 năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký duyệt tin Miền Nam hoàn toàn giải phóng chuyển ngay cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam kịp thời báo tin đại thắng với đồng bào chiến sỹ cả nước, kiều bào và bạn bè quốc tế.

Đại tướng nhân dân với Đài phát thanh quốc gia mật thiết như thế, nhưng thể hiện vào một bức thư mời dự lễ trọng thật ngắn gọn và tình cảm (như ý tưởng của Tổng Giám đốc) thật là khó tìm câu, chọn chữ.

Cuối cùng tôi chốt lại ý là kính mời Đại tướng, người học trò tin cậy, xuất sắc của Bác Hồ đến dự lễ kỷ niệm 50 năm, lần đầu tiên Người đọc Thư Chúc Tết gửi đồng bào chiến sỹ cả nước và kiều bào ở nước ngoài qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Anh Trần Mai Hạnh cẩn thận chữa hết mực xanh đến mực đỏ, rồi bất ngờ hỏi tôi: “Theo ông tổ chức lễ ở đâu cho long trọng và ý nghĩa?” Tôi nói ngay là Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh. Anh Hạnh đồng ý ngay và hỏi lại” “Thời gian gấp thế này, liệu có mượn được hội trường không?” Tôi có anh bạn cùng học Nguyễn Ái Quốc đang làm phó Giám đốc bảo tàng nên khẳng định luôn là mượn được.

Đầu năm mới trùng với kỷ niệm thành lập Đảng 3/2, lễ kỷ niệm 50 năm, Bác Hồ đọc Thư Chúc Tết trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Lễ Kỷ niệm đầu tiên sự kiện lịch sử này do Đài Phát thanh Quốc gia thực hiện.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến. Tổng Giám đốc Trần Mai Hạnh ra đón, đi giữa hai hàng tiêu binh và các cháu thiếu nhi quàng khăn đỏ trong tiếng trống rộn ràng. Đã qua nhiều năm, Đại tướng ít xuất hiện trong các cuộc lễ trọng. Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang các vị quan khách, cùng lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên Đài Tiếng nói Việt Nam xúc động, vui mừng chào đón.

ven nguyen ky uc bac ho doc tho chuc tet tren Dai tieng noi viet nam hinh anh 4

Trong câu chuyện ấm cúng đầu Xuân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác Hồ gửi đồng bào chiến sỹ cả nước và kiều bào ở nước ngoài nhân Tết Đinh Hợi (1947).

Những cái ôm nồng ấm, những bắt tay xiết chặt. Đại tướng nhắc lại câu từng nói: “Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam là một binh chủng hợp thành làm nên chiến thắng vẻ vang”. Trong câu chuyện ấm cúng đầu Xuân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác Hồ gửi đồng bào chiến sỹ cả nước và kiều bào ở nước ngoài nhân Tết Đinh Hợi (1947):

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông,

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng,

Tiến lên chiến sỹ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!” 

Bác Hồ kính yêu đã đi xa, nhưng lời thơ Chúc Tết, mừng Xuân của Người vẫn còn đó, in sâu vào tâm khảm mỗi con dân Việt. Lời thơ của Bác thật dung dị, nhưng sâu lắng hồn sông núi, bật dậy lời hiệu triệu, lời hịch giục giã quân dân cả nước tiến lên dành thắng lợi, để “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”.

Ở tuổi 84, Đại tướng hồng hào, khỏe mạnh tươi cười bắt tay mọi người rồi ngắn gọn “Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến”. Cả Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh lắng trong không khí “Nhớ ơn Người”, nghe Tổng bí Thư của Đảng mở đầu diễn văn:

“… Vào đúng giao thừa Tết Đinh Hợi – 1947, sau ngày toàn quốc kháng chiến chưa được bao lâu, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc tết đồng bào chiến sỹ cả nước, kiều bào ở nước ngoài trên sóng Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Từ đó, cứ mỗi năm vào lúc đón giao thừa nhân dân ta lại được nghe Bác Hồ đọc thơ Xuân, hình thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết”. Sau này, tôi mới được nghe nhà báo Nguyễn Lương Phán, nguyên Trưởng ban Ban Phát thanh địa phương, Tổng biên tập Tạp chí Phát thanh kể lại: Đầu năm 1997, anh đã viết vội bức thư gửi Tổng Giám đốc đề nghị kỷ niệm trọng thể nửa thế kỷ Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được chấp thuận ngay.

Thời gian trôi nhanh, bao nhiêu sự kiện, biến cố trôi theo, công việc thường ngày ập đến, cho đến khi nghỉ hưu, anh Trần Mai Hạnh, Nguyễn Lương Phán và tôi vẫn không bao giờ quên sự kiện lịch sử này mỗi khi nhớ đến Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp./.

Theo VOV