Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đồng Tháp:

Vốn Quỹ giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu

Khánh Vy - 07:06 13/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Phần lớn các hội viên, ND sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư các mô hình, dự án đúng mục đích và phát huy hiệu quả. 

Nâng cao chất lượng hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân

Để nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) phát huy hiệu quả, Hội Nông dân (ND) các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã triển khai việc cho vay vốn Quỹ HTND lồng ghép với hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất.

Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trong tỉnh đạt trên 61 tỷ đồng tạo điều kiện cho hơn 2.000 hộ hội viên ND được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả.

Được vay 55 triệu đồng từ Quỹ HTND, ông Trần Văn Lắng (ở xã Hòa An, TP.Cao Lãnh) đã đầu tư nuôi dê sinh sản. Ông Lắng cho biết đã dùng vốn vay để mua con giống, làm chuồng nuôi. Hội ND xã còn tạo điều kiện cho ông tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi dê sinh sản. Hiện, đàn dê của ông phát triển tốt, từ 6 con dê giống ban đầu đến nay đã tăng lên 14 con.

Anh Trần Thanh Long (ở xã Tân Bình, huyện Thanh Bình) cũng vui mừng khi được Quỹ HTND cho vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng lúa theo hướng an toàn. “Đất ruộng của gia đình tôi có 1ha. Nhờ tiền vay của Quỹ HTND, tôi thuê thêm 2ha nữa và mua vật tư nông nghiệp để phát triển sản xuất”- anh Long chia sẻ.

Theo Hội ND tỉnh, tính đến ngày 1/1/2024, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trong tỉnh gần 61 tỷ đồng với tổng số hơn 2.000 hộ gia đình hội viên, ND được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Đặc biệt, tập trung các ngành hàng theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình hội viên. 

Thông qua Quỹ HTND tỉnh đã tạo việc làm cho hội viên, ND, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, ND về phát triển sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập. Định kỳ hàng tháng, các Tổ hợp tác liên kết sản xuất, HTX duy trì sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú, có sự tham gia của Ban quản lý dự án và hộ vay để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tìm đầu ra cho nông sản. 

Ông Lý Văn Giàu - Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: “Qua khảo sát thực tế, phần lớn các hội viên, ND sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư các mô hình, dự án đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Điển hình như: Dự án sản xuất xoài tại xã Tịnh Thới (TP. Cao Lãnh); nuôi lươn sinh sản xã Bình Thạnh (TP. Hồng Ngự); trồng hoa kiểng tại phường An Hòa (TP. Sa Đéc); sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn an toàn tại xã Mỹ Long (huyện Cao Lãnh...). Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh”.

Nhằm tiếp tục đưa hoạt động Quỹ HTND đi vào nề nếp trong thời gian tới, Hội ND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động và cho vay vốn Quỹ HTND tỉnh giai đoạn 2024 - 2028. Theo đó, từ năm 2024 - 2025, Hội ND tỉnh xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND tỉnh Đồng Tháp trình UBND tỉnh phê duyệt. Triển khai tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy quản lý, điều hành Quỹ HTND. Hoàn thiện việc nâng cao công tác cho vay và quản lý nguồn vốn Quỹ HTND. Đến năm 2028, hoàn thiện việc nâng cao công tác quản lý tài chính Quỹ HTND. 100% cán bộ, người lao động phụ trách hoạt động Quỹ HTND các cấp được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND do Hội ND tỉnh quản lý đạt trên 80 tỷ đồng. 

Những cánh đồng thông minh đang thúc đẩy nông thôn mới ở Tháp Mười.

Cùng ND phát triển sản xuất, lan tỏa mô hình Hội quán

Những năm qua, bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, Hội ND Đồng Tháp không ngừng củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua của Hội cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương.
 Hội đã hỗ trợ ND xây dựng một số mô hình nông nghiệp nổi bật, hiệu quả trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Điển hình như mô hình “Cây xoài nhà tôi” của HTX xoài Mỹ Xương với hình thức tổ chức bán hàng trên website, góp phần đưa thương hiệu “xoài Cao Lãnh” vươn xa. Hay mô hình “Canh tác lúa thông minh” của HTX Mỹ Đông 2 thực hiện thí điểm trên diện tích 7,6ha/5 hộ đã tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng lên 60ha và được doanh nghiệp triển khai thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ… 

Các cấp Hội còn tuyên truyền, hỗ trợ ND khởi nghiệp và xây dựng được 34 mô hình khởi nghiệp mang lại hiệu quả, nhiều mô hình có thu nhập tiền tỷ. Bên cạnh đó, vận động thành lập 337 Tổ hùn vốn xây nhà kiên cố, xây dựng 1.738 căn nhà; thực hiện 485 công trình, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, với tổng trị giá trên 130 tỷ đồng...

Hội ND cũng khuyến khích ND phát triển mô hình Hội quán. Từ Hội quán đầu tiên ra đời năm 2016, đến nay Đồng Tháp có 145 Hội quán với 7.500 hội viên đóng vai trò quan trọng trong xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Hội quán giúp giải bài toán liên kết, hợp tác giữa các ND với nhau. Đây là mắt xích quan trọng để thực hiện việc mua chung, bán chung, góp phần giảm chi phí, tăng chất lượng, hình thành vùng nguyên liệu, hướng tới tăng cường chế biến và tạo thuận lợi trong việc liên kết với doanh nghiệp. 

Trong lĩnh vực du lịch, Hội quán góp phần giữ được nét truyền thống văn hóa, thay đổi bộ mặt nông thôn, tăng thu nhập nông hộ. 

Trong xây dựng NTM, Hội quán góp phần tổ chức tốt công tác vận động và chủ động xây dựng những công trình đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân thay vì chỉ mong chờ vào cấp ủy, chính quyền. Một số Hội quán còn tích cực tham gia công tác hòa giải cộng đồng, dần trở thành trung tâm gắn kết cộng đồng và là chất xúc tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.